Trung Quốc, cái nôi của các nữ tỉ phú

TP - Forbes vừa công bố danh sách 14 nữ doanh nhân giàu nhất thế giới năm 2009, trong đó có tới một nửa là người Trung Quốc. Phần lớn những nữ tỉ phú Trung Quốc đều đi lên từ hai bàn tay trắng chứ không hề được thừa hưởng một gia sản kếch sù.

Quả thực, phụ nữ Trung Quốc ngày nay đã có những thành công ngoạn mục cả về mặt kinh tế lẫn chuyên môn. Ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ tỉ phú thế giới. Đứng đầu danh sách các nữ tỉ phú Trung Quốc là Wu Yajun, 46 tuổi, người Trùng Khánh, với tổng tài sản là 3,9 tỉ đô la. Bà là giám đốc điều hành công ty bất động sản Longfor Properties. Công ty này đã lên thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 2009. Vốn có bằng kỹ sư hàng hải, Wu đã từng làm việc tại nhà máy đồng hồ Qianwei từ 1984 đến 1988, sau đó bà đã làm phóng viên và biên tập viên trong thời gian năm năm cho thông tấn xã Shirong. Sau đó, bà đã bắt đầu với công ty bất động sản tại Trùng Khánh. Giờ bà đã có các công ty bất động sản tại hơn 10 thành phố lớn ở Trung Quốc, trong đó có Bắc Kinh. Xiu Li Hawken, 47 tuổi, một công dân Anh gốc Hoa đứng ở vị trí 400 trong danh sách Forbes năm nay với tổng tài sản là 2,4 tỉ đô la. Hawken là một trong ba người phụ nữ lập nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng lần đầu tiên lọt vào danh sách tỉ phú năm nay sau khi các công ty của cô được đưa lên đại chúng tại thị trường chứng khoán châu Á 18 tháng trước. Hiện nay, cô đang điều hành các trung tâm mua bán lớn ở Trung Quốc Nữ doanh nhân Hồng Kông Chu Lam Yiu, 39 tuổi với tài sản 2,1 tỉ đô la. Hiện cô là chủ tịch tập đoàn Huabao quốc tế chuyên sản xuất hương liệu thuốc lá cho các nhà sản xuất thuốc lá hàng đầu Trung Quốc. Ngoài ra, công ty của cô còn sản xuất hương thơm cho các loại bột giặt và hương liệu thực phẩm để sản xuất bia, các sản phẩm về sữa và mỹ phẩm. Cô đã thành lập công ty của mình cách đây hơn 10 năm khi chưa đầy 30 tuổi. Hiện cô đang giữ vị trí lãnh đạo của một vài tập đoàn công nghiệp ở Trung Quốc. Xếp thứ 19 trong danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc và xếp thứ 488 trong danh sách hơn 1.000 tỷ phú thế giới là hai vợ chồng Pan Shiyi và Zhang Xin. Là cặp đôi nổi tiếng của giới tài phiệt Trung Quốc, họ là gương mặt bìa quen thuộc trên khắp báo đài trong nước và quốc tế. Tài sản hai vợ chồng chung tay xây dựng là công ty đầu tư bất động sản số một Trung Quốc: Soho China. Công ty Soho hiện đang thống lĩnh những tòa nhà chọc trời tại Bắc Kinh. Công ty đã hoàn tất 1,8 triệu m2 văn phòng, khu kinh doanh và khu dân cư. Để có được thành công như ngày hôm nay, Soho đã lớn mạnh từ vốn liếng mà Zhang Xin đã gây dựng được trong thời gian làm việc ở phố Wall. Xuất thân là dân di cư từ Burmar, Malaysia, sang Trung Quốc, Zhang Xin sinh trưởng trong nghèo khó. Thời niên thiếu, chị từng làm công nhân cho một nhà máy tại Hồng Kông. Bước chuyển quan trọng trong cuộc đời người con gái nghèo ấy là cơ hội vào học tập tại trường đại học Cambridge tại Anh năm 1985. Ra trường, Zhang học tiếp cao học chuyên ngành kinh tế phát triển. Sau khi vinh dự nhận bằng Thạc sĩ đại học Cambridge, chị vào làm cho ngân hàng Barings tại Hồng Kông, chịu trách nhiệm phân tích thị trường tư nhân đang lên của người Trung Hoa bản xứ. Theo Zhang, việc làm tại đó chỉ như bài tập mở rộng cho khóa luận tốt nghiệp. Nhận ra tài năng vượt bậc của Zhang Xin, công ty “săn đầu người” giới thiệu chị vào làm cho những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như Goldman Sachs và Sandy Weill's Travelers tại Hồng Kông và New York. Trong quá trình lao động và học tập, Zhang đặc biệt có hứng thú tìm hiểu chủ nghĩa tư bản theo kiểu phố Wall. Thấu hiểu ngọn ngành vấn đề, Zhang Xin quyết định trở về Trung Quốc để xây dựng kiểu kinh doanh tư bản mới. Có rất nhiều hoàn cảnh dẫn đến việc ngày càng có nhiều nữ doanh nghiệp thành đạt. Linda Xin rong Kausch, một nhà báo ở Thẩm Quyến, người đang viết cuốn sách về sự thành đạt của các nữ doanh nhân cho biết, sự phát triển của một môi trường kinh tế và xã hội hiếu khách là một nhân tố quan trọng. Điều này không chỉ cho phép mà còn khuyến khích phụ nữ học cao hơn và dấn thân vào kinh doanh. Một nhân tố nữa là sự thay đổi các nguyên tắc thị trường của một nền kinh tế đang phát triển đã tạo nên sự linh hoạt hơn và bớt các thủ tục quan liêu bao cấp. Hơn nữa, theo bà Linda, đó còn là niềm tự hào cho những người phụ nữ này có đóng góp thực chất cho gia đình và đất nước. Bà cho biết: “Phần lớn những phụ nữ Trung Quốc đang làm việc sẽ nói : Tôi tự hào vì tôi được làm việc. Phụ nữ Trung Quốc luôn có hoài bão và bản chất của họ là chăm chỉ. Và cuối cùng họ đáng được hưởng những gì họ đã bỏ ra” “Hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới ở Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc trở thành môi trường kinh doanh cạnh tranh nhất thế giới”. Edward Tse, chủ tịch hội đồng tư vấn của Booz & Company ở Trung Quốc đã viết trong cuốn sách Chiến lược Trung Quốc: Tạo sức mạnh cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong đó, ông cho biết, Trung Quốc giờ đang là nơi khởi nguồn của các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất và lớn nhất thế giới. Theo báo chí Trung Quốc, phụ nữ ngày nay đóng góp khoảng một nửa thu nhập gia đình, tăng rất nhiều so với 20% vào năm 1950. Một cuộc điều tra về các nữ doanh nhân Trung Quốc năm 2002 cho thấy, rất nhiều người đã thành lập doanh nghiệp nhờ vào sự nhạy bén và kỹ năng quản lý do nắm vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp lớn thuộc sỡ hữu của nhà nước và chính nhờ mối liên hệ này họ đã tăng được số vốn họ cần. Những người khác có được kinh nghiệm bằng việc làm việc cho các công ty tư nhân. Phần lớn trong số họ, theo nghiên cứu này, đều có học vấn cao, hoặc là đã tốt nghiệp các trường đại học tại Trung Quốc hoặc du học ở nước ngoài. Hà Thu Theo Forbes

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189832&channelid=5