Trung Quốc – Campuchia: Thời gian và tiền bạc chữa lành mọi vết thương

Quan hệ giữa Trung Quốc - Campuchia trở nên ngày càng mật thiết trong bối cảnh Bắc Kinh thay thế phương Tây để trở thành quốc gia hỗ trợ chính lớn nhất cho Phnom Penh và quá khứ đau buồn về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ dần bị lãng quên.

Theo Phnom Penh Post, cuối thập niên 1980, Thủ tướng Hun Sen từng cho rằng Trung Quốc là "gốc rễ của tất cả những gì xấu xa ở Campuchia". Có lẽ lúc đó ông Hun Sen không thể tưởng tượng rằng sẽ có một ngày ông lại phải phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia này.

Hôm 13/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm tới Campuchia với tư cách người đứng đầu quốc gia. Ông Tập hiện là "chỗ dựa quan trọng nhất" của Thủ tướng Hun Sen trong bối cảnh chính quyền Campuchia đối mặt với liên tiếp sự chỉ trích từ dư luận về đường lối lãnh đạo.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt hôm 13/10.

Trước đó, vào những năm 1980, Trung Quốc đã từ chối công nhận chính quyền của ông Hun Sen và tài trợ cho lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ. Còn hiện nay, Trung Quốc đang đổ hàng tỷ USD vào Campuchia.

Trong bài phát biểu hồi đầu năm nay sau khi nghị viện châu Âu đe dọa cắt viện trợ nếu như Campuchia không giải quyết được những rắc rối nội bộ, Thủ tướng Hun Sen nói: "Trung Quốc chưa bao giờ là mối đe dọa với Campuchia và chưa bao giờ ra lệnh cho Campuchia phải làm gì. Đừng dọa tôi. Đừng dọa Campuchia bằng cách cắt giảm viện trợ".

Thậm chí, ông Hun Sen còn ca ngợi sự hào phóng của Trung Quốc và dùng quyền phủ quyết để ngăn ASEAN không đưa tuyên bố chung phản đối Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông.

Theo ông Lee Morgenbesser, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith Australia, khoản đầu tư tài chính của Trung Quốc vào Campuchia hiện lớn hơn rất nhiều so với thập niên 90 và những năm 2000. Cụ thể, chỉ sau chưa đầy 1 tuần, Campuchia ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông, Trung Quốc đã hứa viện trợ 600 triệu USD cho Campuchia từ nay cho tới năm 2018.

Người phát ngôn đảng Dân dân cầm quyền (CPP) Sok Eysan cho biết chính phủ Campuchia đánh giá cao khoản hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD từ Bắc Kinh.

"Chúng tôi hoan nghênh các khoản hỗ trợ từ Trung Quốc để phát triển và xây dựng đất nước", ông Eysan cũng khẳng định không nên nhớ tới việc Trung Quốc từng ủng hộ Khmer Đỏ.

"Chúng tôi không nghĩ nhiều về điều đó bởi chế độ diệt chủng Khmre Đỏ đã kết thúc do đó không cần phải nhắc mọi người nhớ lại điều đó. Lịch sử đau thương không nên nhắc lại", phát ngôn viên Eysan nói thêm.

Trong khi CPP và Thủ tướng Hun Sen vẫn nhắc nhở người dân Campuchia về vai trò của mình trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Chủ tịch Trung Quốc lại không muốn nhắc tới sự hỗ trợ cho lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ cho đến khi lực lượng này bị đánh đuổi năm 1979.

Cụ thể, trong một bài viết của ông Tập được đăng trên Nhật báo Rasmei Kampuchea hôm 13/10, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng chỉ tập trung vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và tránh nhắc tới chế độ Khmer Đỏ. Ông Tập đã ca ngoại sự ủng hộ của cho Campuchia đối với "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc trong khi thế giới lại đang chỉ trích Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông.

"Chúng ta không thể quên rằng trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và bị nhiều nước xem là kể thù thì Campuchia vẫn đi đầu trong việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Trung Quốc và Campuchia là bạn tốt và bạn thân của nhau. Các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi, hai nước đều hỗ trợ lẫn nhau", bài viết của ông Tập nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, việc Campuchia ủng hộ Trung Quốc trong các "lợi ích cốt lõi" trên Biển Đông là lý do giúp Thủ tướng Hun Sen nhận được thêm nhiều khoản hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh.

Campuchia trang hoàng đường phố chào đón ông Tập sang thăm.

"Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã liên tục ủng hộ CPP. Kể từ những năm 1990, thời điểm các nhà lãnh đạo CPP chuyển sang hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh đã xem CPP là người bạn nước ngoài đáng tin cậy nhất. Yếu tố chính trị trong nước cũng đóng vai trò quan trọng khi mà trong cuộc bầu cử năm 2018 tới, sự ủng hộ từ người dân trong nước với Thủ tướng Hun Sen đang giảm dần thì sự ủng hộ từ Trung Quốc trở nên vô cùng đáng giá", học giả John Ciorciari tại Trường Chính sách công Gerald R Ford thuộc Đại học Michigan nhận định.

Trong khi đó, hôm 13/10, phát ngôn viên phe đối lập đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), ông Yim Sovann đã từ chối bình luận về việc liệu đảng này có quan tâm đến sự thay đổi lớn trong chính sách hướng tới Trung Quốc và không quan tâm đến phương Tây của CPP hay không.

"Quan điểm của CNRP là duy trì quan hệ với tất cả các nước trên thế giới nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia. Chúng tôi không muốn đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan tới những việc mà chính phủ Campuchia đang làm với Trung Quốc. Khi CNRP lên nắm quyền, chúng tôi có những chính sách riêng nhằm xây dựng quan hệ với tất cả các nước. Chúng tôi không coi bất cứ nước nào là kẻ thù. Chúng tôi cần hợp tác với tất cả các nước", ông Sovann nói.

Tuy nhiên, theo Phnom Penh Post, trong bối cảnh nhiều câu hỏi đặt ra về việc lợi ích riêng của CPP sẽ ảnh hưởng tới quá trình tổ chức một cuộc bầu cử tự do vào năm 2018, phe đối lập sẽ hy vọng Thủ tướng Hun Sen quan tâm tới giá trị của thể chế dân chủ để làm hài lòng phương Tây thay vì chỉ tập trung làm bằng lòng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

"CPP vẫn quan tâm tới các mối quan hệ với Mỹ và EU. Rõ ràng so với quá khứ, các nhà tài trợ phương Tây hiện đang giảm dần khoản hỗ trợ cho Campuchia nhất là khi Bắc Kinh trở thành nguồn hỗ trợ tài chính thay thế cho CPP", ông Ciorciari chia sẻ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-campuchia-thoi-gian-va-tien-bac-chua-lanh-moi-vet-thuong-post211456.info