Trung Quốc cắt giảm lãi suất khiêm tốn trong bối cảnh rủi ro đồng Nhân dân tệ ngày càng tăng

Ngày 21/8, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm khi các nhà chức trách tìm cách tăng cường nỗ lực kích thích nhu cầu tín dụng, nhưng đã gây bất ngờ cho thị trường bằng cách giữ nguyên lãi suất 5 năm trong bối cảnh có nhiều lo lắng hơn về đồng Nhân dân tệ đang suy yếu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực bảo vệ đồng Nhân dân tệ bị suy yếu trong bối cảnh dòng tiền chảy ra khỏi thị trường trái phiếu và chứng khoán của nước này. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực bảo vệ đồng Nhân dân tệ bị suy yếu trong bối cảnh dòng tiền chảy ra khỏi thị trường trái phiếu và chứng khoán của nước này. Ảnh: Reuters

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm giảm thấp hơn dự kiến

Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn nhưng bất chấp kỳ vọng của thị trường bằng cách giữ nguyên một lãi suất khác khi các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với đà tăng trưởng kinh tế chậm lại, khủng hoảng tiền mặt trong lĩnh vực bất động sản và đồng tiền suy yếu.

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm (LPR), tham chiếu cho hoạt động cho vay của ngân hàng ở Trung Quốc, đã giảm 10 điểm cơ bản xuống 3,45%, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) công bố ngày 21/8. Lãi suất tương đương kỳ hạn 5 năm, được theo dõi chặt chẽ vì mối quan hệ của nó với hoạt động cho vay thế chấp, được giữ ổn định ở mức 4,2%.

Bắc Kinh đã chịu áp lực phải giảm lãi suất và thúc đẩy nhu cầu sau một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng. Mặc dù đã dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đã bị cản trở bởi tình trạng bất động sản chậm lại, xuất khẩu giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý II/2023 so với quý trước đó.

Trước đó, các nhà kinh tế được thăm dò đã dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm 15 điểm cơ bản cho cả lãi suất 1 năm và 5 năm.

Đồng Nhân dân tệ, đang tiến gần đến mức thấp nhất của tháng 10 năm ngoái, đã mất điểm sau thông báo ngày 21/8, giảm tới 0,3% xuống còn 7,3051 Nhân dân tệ/USD. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm một điểm cơ bản, xuống 2,55%, mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Quyết định chính sách cũng ảnh hưởng đến chứng khoán Trung Quốc, với chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm tới 1,7% trong phiên giao dịch buổi sáng, mặc dù một loạt cải cách được công bố vào thứ Sáu tuần trước nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Chỉ số CSI 300 chuẩn của Trung Quốc đối với các cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm tới 0,5%.

Thông báo lãi suất hôm nay, diễn ra vài ngày sau khi Bắc Kinh bất ngờ cắt giảm cơ sở cho vay trung hạn (MLF) 1 năm 15 điểm cơ bản, xuống còn 2,5%, được theo dõi chặt chẽ như một thước đo quỹ đạo chính sách của chính phủ nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế. PBoC cũng đã tăng cường nỗ lực vào tuần trước để chống lại sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh dòng tiền chảy ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu.

Tuần trước, PBoC và các cơ quan quản lý tài chính cũng đã gặp gỡ các giám đốc điều hành ngân hàng và một lần nữa đề nghị các ngân hàng tăng cường cho vay. Điều đó làm tăng kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất cho vay cơ bản vào ngày 21/8.

Chiến lược “tối ưu hóa” lĩnh vực bất động sản

LPR một phần được thiết lập bởi các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, các ngân hàng này sẽ công bố kết quả quý II trong tháng này do lợi nhuận của họ chịu áp lực từ việc giảm lãi suất. Trong khi tỷ lệ cơ sở cho vay trung hạn (MLF) đóng vai trò định hướng cho LPR và được các thị trường coi như tiền thân của những thay đổi trong tương lai đối với tiêu chuẩn cho vay.

Đồng Nhân dân tệ, đang tiến gần đến mức thấp nhất của tháng 10 năm ngoái, đã mất điểm sau thông báo ngày 21/8, giảm tới 0,3% xuống còn 7,3051 Nhân dân tệ/USD. Ảnh: Reuters

Đồng Nhân dân tệ, đang tiến gần đến mức thấp nhất của tháng 10 năm ngoái, đã mất điểm sau thông báo ngày 21/8, giảm tới 0,3% xuống còn 7,3051 Nhân dân tệ/USD. Ảnh: Reuters

“Kết quả đáng thất vọng từ việc cắt giảm MLF sang LPR củng cố quan điểm của chúng tôi rằng PBoC khó có thể chấp nhận mức giảm đáng kể cần thiết để phục hồi nhu cầu tín dụng” - các nhà kinh tế tại Capital Economics Ltd. cho biết. “Kết quả cuối cùng là mặc dù việc nới lỏng tiền tệ sẽ mang lại một số cứu trợ cho các công ty và hộ gia đình đang mắc nợ, nhưng nó sẽ không đủ để tạo ra một mức sàn cho tăng trưởng. Thay vào đó, chìa khóa sẽ là mức độ hỗ trợ tài chính”.

Dữ liệu yếu kém gần đây đã khiến một số ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới trong năm xuống dưới 5%, ngụ ý rằng chính phủ có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra vào đầu năm nay.

Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài hai năm, bắt nguồn từ việc nhà phát triển Evergrande vỡ nợ vào cuối năm 2021, đã có những dấu hiệu trong những tuần gần đây khiến Country Garden, công ty xây dựng nhà ở thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất đất nước đang lâm vào khủng hoảng, đồng thời lan sang các sản phẩm quản lý tài sản.

Một số nhà phân tích cho rằng các ngân hàng Trung Quốc có thể đã bị hạn chế về khả năng hạ lãi suất cơ bản ngay cả khi cắt giảm lãi suất chính sách vào tuần trước, nhằm mục đích giảm chi phí tài chính ngân hàng và khuyến khích họ cho vay nhiều hơn.

PBoC cho biết trong một báo cáo hàng quý được công bố vào tuần trước rằng, các ngân hàng Trung Quốc đã trải qua tình trạng biên lãi suất bị thu hẹp và khả năng sinh lời thấp hơn trong những năm gần đây do cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường tín dụng và lãi suất cho vay giảm kể từ đại dịch. Theo PboC, các ngân hàng cần duy trì “lợi nhuận và biên lãi ròng hợp lý” để có thể phục vụ nền kinh tế thực và ngăn ngừa rủi ro tài chính.

Các ngân hàng cũng có thể bị hạn chế vì lãi suất thế chấp trung bình đang ở mức thấp kỷ lục. Mức trung bình đã giảm xuống 4,11% trong tháng 6, theo báo cáo của PBoC tuần trước.

Năm ngoái, LPR 5 năm đã bị cắt giảm tổng cộng 35 điểm cơ bản — nhiều hơn mức giảm 20 điểm cơ bản được thấy trong tỷ lệ MLF và sâu hơn mức cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với LPR một năm.

Becky Liu - người đứng đầu chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Standard Chartered Plc. cho biết: “Việc thiếu khả năng hạ thấp tỷ lệ LPR do các ngân hàng quyết định, ngay cả khi tỷ lệ MLF giảm mạnh như vậy cho thấy nhiều biện pháp hơn để giảm chi phí nợ của các ngân hàng sẽ trở nên cấp bách hơn”.

Bà Liu dự đoán sẽ có nhiều hành động hơn trong thời gian tới, bao gồm một số kết hợp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, giảm lãi suất tiền gửi và cắt giảm lãi suất cho vay lại.

Còn Bruce Pang - kinh tế trưởng và trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle Inc cho biết, các hành động ngày 21/8 cũng gửi đi một tín hiệu “rằng các nhà chức trách không muốn thị trường bất động sản trở nên quá nóng”.

“Tín hiệu bây giờ là vẫn sẽ có các biện pháp kiểm soát chính sách đối với lĩnh vực bất động sản, chỉ là chúng sẽ được tối ưu hóa” - Pang nói và cho biết thêm, các nhà chức trách cũng đã đưa ra cơ chế hạ lãi suất thế chấp mới, giảm bớt nhu cầu điều chỉnh LPR.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/Bloomberg)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trung-quoc-cat-giam-lai-suat-khiem-ton-trong-boi-canh-rui-ro-dong-nhan-dan-te-ngay-cang-tang-134391.html