Trung Quốc: Chống lạm phát

Lạm phát đang công phá nhiều nền kinh tế, nhưng đáng lo ngại hơn cả là bệnh dịch này không còn dừng lại ở Mỹ hay ở châu Âu mà nay đã tràn sang cả Trung Quốc - nơi tăng trưởng kinh tế là hi vọng, động lực của kinh tế toàn cầu.

small_3722.jpg Đầu tuần, NH Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, tạm dừng ở ngưỡng 12,5%. Với quy định mới có tính hành chính này, PboC hi vọng sẽ chặn bớt cung tiền đổ ra thị trường khi các NHTM phải dồn tiền nhiều hơn cho đạt chuẩn dự trữ. Đây là lần thứ 7 trong năm, PboC Trung Quốc dùng công cụ chính sách tiền tệ kiểm chế giá. Chặn đà tăng giá Phải tới ngày 25/9, quyết định trên mới có hiệu lực, và dù trước đó Bắc Kinh đã hạ thuế đánh vào thu nhập lãi suất từ 20% xuống 5%, nhưng những tin tức đó đã nhanh chóng tác động tới khu vực chứng khoán. Các nhà đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế tới các nhà đầu tư cá lẻ trong nước đều phản ứng, cho rằng: PboC đang thí tốt để giảm bớt các căng thẳng từ lạm phát. Ngay khi PboC loan tin quyết định mới, TTCK Thượng Hải lại một phen chao đảo bởi giới đầu tư lo rằng các NH sẽ thắt chặt hơn các hoạt động tín dụng. Bắc Kinh đang làm mọi giá để hóa giải lạm phát, tuy nhiên với việc nâng tỷ lệ dự trữ một cách lối mòn cho thấy nước này đang lúng túng trong cuộc chiến kiềm chế sự leo thang của giá cả. Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ý lo ngại, kỷ nguyên lạm phát hiện hữu ở nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới này. Andy Xie, cựu chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley cảnh báo nếu không có những cú hích mới, liệu pháp tiền tệ này nếu có chặn được lạm phát e rằng cũng sẽ đẩy kinh tế Trung Quốc trở lại thời kỳ trì trệ năm 1997-1998. Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số đo lạm phát ở Trung Quốc được tính cỡ 5,6%, nhưng giới quan sát quốc tế ước tính con số này đã cỡ 6,02%, mức lạm phát cao nhất trong vòng 33 tháng qua. Bắc Kinh đang lo ngại cơn bão lạm phát sẽ tàn phá công lao bao năm cải cách. PboC bó cẳng Nhìn nhận khả năng ngăn chặn lạm phát của PboC, các chuyên gia kinh tế cho rằng PboC đang dần hết "room" cho các liệu pháp kiểm soát tăng giá của mình. Trung tuần tháng 7 vừa qua PboC đã nâng thêm một lần lãi suất, nhưng xem chừng giải pháp này không được khuyến khích bởi Trung Quốc đang muốn duy trì tỷ lệ ngoại hối thấp, NDT yếu để đảm bảo tăng trưởng XK. Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế, cùng thương giới tin rằng tỷ lệ lãi suất sẽ không có thay đổi nhiều từ nay tới hết năm. Zhao Quingmin - người đứng đầu Phòng nghiên cứu NH Xây dựng Trung Quốc cũng đồng tình với những nhận định như vậy, và tin rằng chỉ có giải pháp nâng tỷ lệ dự trữ tiền gửi là khả thi hơn cả. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu suất của giải pháp nâng dự trữ, PboC đang tính thêm việc tung thêm trái phiếu kho bạc. Đầu tuần qua, PboC cũng đã mua 10 tỷ NDT (cỡ 1,3 tỷ USD) vốn từ NHTM thông qua loại hình trái phiếu này. Tuy nhiên, kế hoạch hút tiền này có hiệu quả tới đâu còn chờ phản ứng của thị trường, bởi tới lúc này đây khi nhiều giải pháp của PboC đã được tung ra song cung tiền trên thị trường Trung Quốc vẫn được xem là rất cao. Tính từ đầu năm tới hết tháng 7, các NHTM nước này đã rót vốn vào thị trường cỡ 2,77 nghìn tỷ USD (369,33 tỷ USD), tương đương với cỡ 90% lượng vốn đổ ra của năm trước.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29154-trung-quoc-chong-lam-phat