Trung Quốc có ảnh hưởng không thua kém Mỹ ở Trung Đông

Có một quốc gia hành động thận trọng và chắc chắn có ảnh hưởng không thua kém gì Mỹ ở vùng Vịnh và Trung Đông, đó là Trung Quốc.

Djibouti là căn cứ quân sự đầy đủ đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Djibouti là căn cứ quân sự đầy đủ đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Những tuần gần đây, người khổng lồ châu Á này đang tăng tốc thiết lập hiện diện quân sự nhanh hơn bao giờ hết.

Trang tin Arab News mới đây có bài phân tích của Tiến sĩ Manuel Almeida, chuyên gia phân tích về Trung Đông.

Theo nội dung bài viết, ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu ở Trung Đông, gắn liền với vấn đề Iraq, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự mờ nhạt của Trục châu Á và một chiến lược khu vực không có sức ảnh hưởng. Hoặc nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ trong thời gian ngắn.

Tháng 7/2017, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Trung Quốc đã đưa vào sử dụng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti.

Mặc dù được dán nhãn là một căn cứ hậu cần, được thiết kế để hỗ trợ hải quân Trung Quốc tham gia các sứ mệnh nhân đạo và chống cướp biển, nhưng thực chất căn cứ này nằm ở vị trí chiến lược tại cửa ngõ của Biển Đỏ dẫn đến kênh đào Suez.

Mới đây, các ngân hàng Trung Quốc đã cho Oman vay 3,5 tỷ USD, khoản tiền rất cần thiết cho việc kiểm soát thâm hụt ngân sách năm nay của Oman và tiếp tục kế hoạch thắt lung buộc bụng sau khi giá dầu sụt giảm.

Tăng cường viện trợ tài chính của Trung Quốc đóng vai trò then chốt - cùng với Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống Nhất (UAE) - hỗ trợ chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Ai Cập hồi tháng 11 năm ngoái.

Năm 2016, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Ảrập, với 32% (gần 30 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mỹ, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba ở các nước Ảrập, chiếm 6,9 tỷ USD.

Vào tháng 8 này, theo báo chí Iran, đặc phái viên của Trung Quốc đã tới Iran và đệ trình kế hoạch Trung Quốc sẽ can dự vào Syria lên ông Ali Akbar Velayati, Cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei.

Hồi tháng 3/2017, một nhóm quân đội Trung Quốc đã được triển khai ở Syria để huấn luyện và tư vấn cho quân đội nước này.

Tuy nhiên, tại Syria, ưu tiên ban đầu của Trung Quốc về sự ổn định và những người Duy Ngô Nhĩ theo chủ nghĩa thánh chiến (một nhóm người thiểu số ở Tân Cương) trở về Trung Quốc gây rối, sau này các ưu tiên đã phát triển rộng hơn sang các vấn đề chiến lược địa chính trị và các cân nhắc về kinh tế.

Vì khả năng thất bại của chế độ Bashar Assad đã giảm đáng kể nên suy đoán về vai trò trung tâm của Trung Quốc trong việc tái thiết Syria đã tăng lên.

Nga, Iran và thậm chí là cả các nhà nước Hồi giáo - từ Syria và Iraq tới Libya và Yemen - đã có những bước phát triển đột phá trong những năm gần đây trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình, gây ảnh hưởng tới nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất của khu vực trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Vấn đề đối với Nga và Iran là họ hiện đang nắm giữ cuộc khủng hoảng Syria, cuộc chiến còn lâu mới được giải quyết xong.

Với năng lực đầu tư hạn chế vào nền kinh tế Syria, sự tham gia của Trung Quốc là một chiếc phao cứu sinh - và các khoản đầu tư này đi cùng với giá trị gia tăng khiến cho các tội ác chiến tranh quy mô lớn do chế độ Bashar Assad thực hiện dường như không còn là một mối quan ngại chính nữa.

Sự sẵn sàng của Trung Quốc, như các chuyên gia Trung Quốc đã xác nhận, đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định của Syria.

Đối với Iran, Trung Quốc từ lâu đã coi Iran là một phương tiện để chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Sau này Iran đã trở thành một phần thiết yếu trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, và thỏa thuận hạt nhân đã tháo gỡ những trở ngại còn lại cho phần tiếp theo của kế hoạch này.

Tháng 2 năm ngoái, trong một sự kiện mang tính biểu tượng cao, đoàn tàu chở hàng đầu tiên đã rời ga miền Đông Trung Quốc đến Tehran qua Kazakstan và Turkmenistan, chỉ trong vòng hai tuần.

Cũng sau thỏa thuận hạt nhân, Trung Quốc đã hoàn toàn tán thành việc Iran trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau nhiều năm theo đuổi. SCO được coi là có vị thế quan trọng ở Trung Á và là đối thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, khi Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở khu vực Trung Đông, có thể nước này cũng sẽ nhìn nhận khu vực này với quan điểm vượt ra ngoài việc cạnh tranh quyền lực với Mỹ. Điều này có thể dẫn đến một số câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tìm được điểm nào phù hợp với các chính sách của Iran trong khu vực hay không vì Iran hiện là xuất phát điểm của tình trạng mất ổn định trong khu vực.

Theo tác giả Almeida, báo cáo về chính sách đầu tiên của Trung Quốc đối với Ảrập, được phát hành năm ngoái, bắt đầu bằng việc ca ngợi các mối quan hệ lâu dài của Trung Quốc với các quốc gia Ảrập. Bản báo cáo nhấn mạnh các mục tiêu chung như bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Chính sách cách mạng của Iran từ năm 1979, chủ yếu là lật đổ chính phủ các nước láng giềng, xây dựng lực lượng dân quân trung thành xuyên quốc gia và ủng hộ các nhóm chiến binh (Shiite và Sunni) đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc có thể áp đảo được hay không?

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/trung-quoc-co-anh-huong-khong-thua-kem-my-o-trung-dong/56346.html