Trung Quốc công bố gói giải cứu lớn cho thị trường bất động sản

Hôm thứ Sáu (17/5), Trung Quốc đã công bố những biện pháp mạnh mẽ nhất để giải cứu thị trường bất động sản, nới lỏng các quy định thế chấp và kêu gọi chính quyền địa phương mua những ngôi nhà chưa bán được khi chính quyền ngày càng lo ngại về lực cản tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực này.

Gói hỗ trợ này cũng bao gồm yêu cầu trả trước thấp hơn cho người mua nhà và 300 tỷ USD (42 tỷ USD) tài trợ của ngân hàng trung ương để giúp các công ty được chính phủ hỗ trợ mua lượng tồn kho dư thừa từ các nhà phát triển bất động sản. Những bất động sản đó sau đó sẽ được chuyển đổi thành nhà ở giá rẻ.

Trong khi các nhà đầu tư cổ phiếu vui mừng với tin tức này, với chỉ số bất động sản của Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải tăng 6,2% và chỉ số của Bloomberg về cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng 9,6% vào thứ Sáu (17/5) – thì vẫn chưa rõ liệu kế hoạch vượt qua cuộc khủng hoảng bất động sản có thành công hay không. Khoản tài trợ do ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố chỉ là một phần nhỏ so với những gì một số nhà phân tích cho là cần thiết để giải quyết sự mất cân đối giữa cung và cầu về nhà ở và nhiều người mua tiềm năng đang chờ giá giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, thông báo mới đã nhấn mạnh sự tập trung đổi mới của chính quyền vào việc thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ việc tăng thuế của Mỹ đến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục. Vấn đề hiện đang là liệu các nhà chức trách có thể tập hợp sự kết hợp phù hợp giữa hỏa lực tài chính và điều chỉnh chính sách để củng cố niềm tin mà không quay trở lại tình trạng đầu cơ quá mức như những thập kỷ trước hay không.

Zhu Ning, giáo sư tài chính của Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải cho biết: “Điều này khá giống với việc cứu trợ các tổ chức tài chính trải qua cuộc Đại khủng hoảng tài chính…Nhưng cuối cùng, trừ khi chính quyền trung ương vào cuộc và mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản, còn lại khá khó khăn hoặc quá sớm để chúng tôi tin rằng ngành này đã thoát khỏi nguy hiểm”.

Các gói hỗ trợ

Ngân hàng trung ương cho biết, chương trình cho vay lại ước tính sẽ mang lại tổng cộng 500 tỷ nhân dân tệ được cấp tín dụng cho việc mua nhà ở. Con số này thấp hơn so với ước tính của các nhà phân tích, trong đó yêu cầu nguồn vốn từ 1.000 - 5.000 tỷ nhân dân tệ tùy thuộc vào quy mô và tốc độ chính phủ xử lý lượng nhà ở tồn kho.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) nhấn mạnh với các quan chức trong cuộc họp hôm thứ Sáu (17/5) rằng “lĩnh vực bất động sản có liên quan đến lợi ích của quần chúng và vấn đề lớn hơn là phát triển kinh tế”.

Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy “ba dự án lớn” liên quan đến nhà ở giá rẻ, cải tạo đô thị và cơ sở hạ tầng công cộng. Đồng thời ông cũng cho biết chính quyền địa phương nên mua lại hoặc thu hồi các lô đất đã bán nhưng không sử dụng, như một biện pháp để giảm bớt căng thẳng về dòng tiền của các nhà phát triển bất động sản.

Hôm thứ Sáu (17/5), Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã cắt giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu cho người mua nhà lần đầu xuống 15%. Người mua nhà thứ hai hiện cần phải trả trước 25%, với cả hai động thái đều thể hiện mức cắt giảm 5 điểm phần trăm.

Mỗi thành phố vẫn sẽ cần đưa ra quyết định về lãi suất thế chấp, sau khi mức tối thiểu trên toàn quốc bị bãi bỏ. Các địa phương có thể quyết định xem có còn giữ mức sàn lãi suất thế chấp hay không.

Theo Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle, Trung Quốc cũng có thể xem xét các công cụ tài chính bao gồm trái phiếu chính phủ đặc biệt và trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt. Nhưng điều đó có thể làm trầm trọng thêm mức nợ chính phủ, vốn đã tăng vọt lên 56% tổng sản phẩm quốc nội tính đến năm ngoái.

Giảm lãi suất thế chấp

Trung Quốc bắt đầu hạ sàn lãi suất thế chấp trên toàn quốc vào năm 2022 và cho phép các địa phương tự đặt ra lãi suất tối thiểu. Các biện pháp như vậy đã khiến lãi suất trung bình đối với các khoản thế chấp mới được cấp giảm xuống 3,69% trong quý đầu năm nay - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 2009, nhưng vẫn không thể kích thích nhu cầu mua nhà.

Theo ngân hàng trung ương, hơn 40% thành phố đã hạ sàn lãi suất thế chấp hoặc loại bỏ nó vào cuối tháng 3.

Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ cho biết: “Việc nới lỏng chính sách chỉ là sự nới lỏng không đáng kể các hạn chế tín dụng”.

Biên lãi ròng của các ngân hàng Trung Quốc sụt giảm

Biên lãi ròng của các ngân hàng Trung Quốc sụt giảm

Các động thái này được cho là sẽ tiếp tục siết chặt lợi nhuận của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Suy thoái bất động sản kéo dài đã làm giảm biên lãi ròng và đẩy nợ xấu tăng cao.

Biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,69% vào cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1,8% được xem là cần thiết để duy trì khả năng sinh lời hợp lý.

Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co. có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Tác động sẽ phụ thuộc vào việc người tiêu dùng có yên tâm hay không. Nếu không thực hiện tốt thì nó khó có thể kích thích nhu cầu và tạo ra sự thay đổi cơ cấu”.

Duy Bắc / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trung-quoc-cong-bo-goi-giai-cuu-lon-cho-thi-truong-bat-dong-san-post345444.html