Trung Quốc đàm phán với châu Âu cùng lên Mặt Trăng

Hành động gần đây của Trung Quốc với cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy rõ tham vọng khám phá Mặt Trăng của quốc gia này.

Theo tiết lộ với truyền thông của tổng thư ký cơ quan vũ trụ Trung Quốc Tian Yulong, các đại diện của nước này và cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang thảo luận về khả năng hợp tác xây dựng một nơi ở cho con người trên Mặt Trăng.

ESA gọi đó là "ngôi làng trên Mặt Trăng" (Moon Village).

Mô hình ý tưởng ngôi làng trên Mặt Trăng

Kế hoạch xây dựng một khu định cư hợp tác quốc tế trên Mặt Trăng này được ESA công bố vào năm ngoái. ESA mô tả nó sẽ là một nơi ở dự phòng cho loài người.

Và ngôi làng sẽ là một bước nối tiếp Trạm Không gian Quốc tế (ISS) mà dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2024.

Làng Mặt Trăng sẽ giống như một bệ phóng quốc tế tiềm năng cho các nhiệm vụ trong tương lai tới sao Hỏa. Nó đóng vai trò như một điểm dừng chân cho việc thám hiểm vũ trụ.

Làng Mặt Trăng là một phần trong mô hình không gian thế hệ 4.0 của Tổng Giám đốc ESA Johann-Dietrich Worner, một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực vũ trụ khi thăm dò vũ trụ không còn là độc quyền của chính phủ mà mở cửa cho cả các tổ chức tư nhân.

Dự án Không gian thế hệ 4.0 thu hút được sự hợp tác của nhiều nước trên thế giới, ngoài 22 quốc gia thành viên của ESA còn có nhiều nước bên ngoài EU cùng hỗ trợ.

ESA không phải là cơ quan duy nhất hướng ánh mắt lên Mặt Trăng. Google Lunar XPRIZE cũng đã lập một đội quân của mình để tranh chấp ở Mặt Trăng.

Công ty kiến trúc Foster + Partners ở Anh cũng thiết kế một phiên bản riêng của họ về một nơi ở trên Mặt Trăng, với một mái vòm cây xanh được nối liền với nhau, có khả năng che chắn dân cư khỏi các bức xạ và những mảnh vỡ từ không gian.

Ấn Độ, Nga, Nhật Bản cùng cơ quan hàng không của Trung Quốc cũng đang trong cuộc đua này.

Trung Quốc được cho là đang nuôi tham vọng khám phá mặt còn lại của Mặt Trăng, tham vọng độc quyền tài nguyên Mặt Trăng.

Bụi Mặt Trăng do những nhà do thám đầu tiên mang về chứa rất nhiều titanium, platinium và các khoáng chất quý giá.

Quan trọng hơn, Mặt Trăng còn chứa helium 3, một chất do gió mặt trời mang tới. Chúng có thể tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất năng lượng trong tương lai.

Helium 3 là đồng vị phi phóng xạ rất hiếm trên Trái Đất, vì bầu khí quyển và từ trường địa cầu ngăn cản chất này từ Mặt Trời đến bề mặt Trái Đất. Trung Quốc đang muốn tìm cách khai thác đồng vị helium 3 trên Mặt Trăng.

Các nhà khoa học Trung Quốc nhận định, nguyên liệu quý giá Helium 3 trên Mặt Trăng với trữ lượng khổng lồ có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của con người trong ít nhất 10.000 năm.

Khánh Đăng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/trung-quoc-dam-phan-voi-chau-au-cung-len-mat-trang-3334213/