Trung Quốc đang chuẩn bị can thiệp quân sự vào Syria?

Đầu tuần này, một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc đã tới thăm Damascus để thảo luận về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Syria và Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, ông Guan Youfei, Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự quốc tế thuộc Ủy ban Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã có buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Syria, Fahad Jassim al-Freij.

“Quân đội Trung Quốc và Syria đã có một mối quan hệ bằng hữu truyền thống và Bắc Kinh sẵn sàng duy trì, tăng cường trao đổi cũng như hợp tác với quân đội Syria”, ông Guan cho biết.

Tân Hoa Xã cho hay, Bắc Kinh và Damascus cũng thảo luận về việc hợp tác đào tạo nhân sự và đạt được đồng thuận về việc hỗ trợ nhân đạo của quân đội Trung Quốc cho Syria.

Sau khi Trung Quốc thông qua luật cho phép các lực lượng vũ trang của nước này tiến hành hoạt động chống khủng bố ở nước ngoài, rất nhiều chuyên gia dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria. Tuy nhiên, điều này đến nay vẫn chưa xảy ra.

Trung Quốc muốn gia tăng kinh nghiệm chiến đấu cho binh lính. Nguồn: Reuters

Vasily Kashin, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Viễn Đông, cho rằng, “huấn luyện nhân sự” có nghĩa là đào tạo các nhân sự công nghệ cho quân đội Syria ở Trung Quốc.

“Trước đây, Trung Quốc đã cung cấp các trang thiết bị ngụy trang, các phương tiện và vũ khí hạng nhẹ cho quân đội Syria. Giờ đây, Bắc Kinh có thể bắt đầu huấn luyện binh lính cho Damascus nhưng tôi nghĩ rằng khả năng Trung Quốc can thiệp vào Syria là khá hạn chế. Bắc Kinh đang quan sát tình hình Syria một cách thận trọng. Có thể, bây giờ Trung Quốc muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến ở Syria”, ông Kashin phân tích.

Bắc Kinh có một mạng lưới quan hệ khá phức tạp ở Trung Đông. Mặt khác, Trung Quốc lại là một đối tác quan trọng của Iran. Cùng lúc đó, Bắc Kinh lại có quan hệ đầu tư và thương mại lớn với Saudi Arab.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang “đau đầu” về nhóm phiến quân có nguồn gốc từ Khu Tự trị Tân Cương, đang sinh sống ở Syria. Nhóm phiến quân này sẽ tạp ra một nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc nếu họ quay trở về quê hương.

“Cuộc đối thoại mới đây giữa Trung Quốc và Syria đơn thuần là về hợp tác quân sự. Đây là một bước đi quan trọng cho cả hai quốc gia”, ông Kashin nói.

Theo Vladimir Evseyev, nhà phân tích đến từ Viện nghiên cứu Cộng đồng Các quốc gia độc lập, Bắc Kinh đang dần dần vươn ra khỏi biên giới quốc gia bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự của mình. “Trước đó, Trung Quốc đã phê chuẩn việc các lực lượng quân sự có thể chiến đấu chống khủng bố ở nước ngoài. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng đang xem xét nơi nào có thể triển khai các lực lượng của mình”, ông nói.

Một lý do khác khiến Trung Quốc quan tâm đến Syria là sự cần thiết phải tăng kinh nghiệm chiến đấu cho binh lính nước này. Chuyên gia Evseyev nhận định: “Các lực lượng quân sự Trung Quốc thiếu trầm trọng kinh nghiệm chiến trường. Điều này không có nghĩa là các huấn luyện viên quân sự hay các lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc có thể được cử đến Syria, song quân đội nước này vẫn đang quan sát chặt chẽ mọi hành động của Nga ở Syria. Đối với Trung Quốc, Syria là một nơi hoàn hảo để tăng cường kinh nghiệm chiến đấu và thử nghiệm vũ khí của mình”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-dang-chuan-bi-can-thiep-quan-su-vao-syria-post206742.info