Trung Quốc đe Philippines đừng chơi với lửa ở Biển Đông

Đại sứ Trung Quốc tại Anh nhắc lại quan điểm gác lại tranh chấp, cùng hợp tác khai thác trong khi chờ giải pháp cuối cùng về Biển Đông.

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Financial Times và The Telegraph ngày 9/6, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cho hay, đang có nhiều cuộc thảo luận về việc Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết của Tòa thường trực quốc tế (PCA) tại Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) hay không.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh

"Những người ủng hộ phương án Trung Quốc cần chấp nhận phán quyết cho rằng, nếu Bắc Kinh tiếp tục từ chối phán quyết của PCA sẽ là hành vi phá hoại hệ thống, trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc và đẩy hòa bình, ổn định của khu vực vào thế bị đe dọa ngay lập tức", Lưu Hiểu Minh viết và khẳng định Trung Quốc không đồng ý với điều này.

"Vụ kiện của Philippines trong thực tế là một nỗ lực đơn phương để hợp pháp hóa các đảo và rặng san hô chiếm đóng bất hợp pháp trong quần đảo Trường Sa.

Công chúng Anh không biết rằng, thực tế có hơn 40 hòn đảo và rặng san hô ở Trường Sa "của Trung Quốc" đang bị chiếm đóng bất hợp pháp bởi Philippines và một số nước khác. Họ đã xây dựng sân bay và triển khai vũ khí ở đó.

Trung Quốc đã phản ứng bằng sự kiềm chế tối đa, nỗ lực cho các cuộc đàm phán và tham vấn. Chúng tôi đã kêu gọi gác lại tranh chấp, cùng hợp tác khai thác trong khi chờ giải pháp cuối cùng về vấn đề này", Đại sứ Trung Quốc tại Anh bịa đặt.

Có thể thấy Trung Quốc đang ra sức dọa nạt lẫn mua chuộc các quốc gia có liên quan và không liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông trước phán quyết của PCA.

Trong ngày 11/6, tổ chức thanh niên Akbayan Youth ở Philippines đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte cương quyết từ chối đàm phán song phương với Trung Quốc và tuân thủ đúng phán quyết sắp tới của PCA.

Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Rafaela David của Akbayan Youth lập luận rằng việc Trung Quốc kêu gọi Philippines từ bỏ vụ kiện là “biểu hiện mới nhất về sự bắt nạt của nước này” và vụ kiện là “hy vọng còn lại cuối cùng” để bảo vệ cái gọi là tính toàn vẹn lãnh thổ của Philippines.

Trước đó, ông Duterte, dự kiến chính thức nhậm chức vào ngày 30/6, đã đưa ra những tuyên bố bị cho là có phần tự mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông cũng như quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, giới quan sát nhận định vẫn chưa thể đánh giá chính xác về phương hướng chính sách ngoại giao và an ninh quốc phòng của nhà lãnh đạo này.

Trung Quốc đừng hy vọng "một tay che cả bầu trời"

Trung Quốc dùng đủ chiêu trò với các nước mong giành được lợi thế trước phán quyết của PCA nhưng dường như không thành công.

Mặc dù được Trung Quốc xác định là "bạn vàng", nhưng Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng ủng hộ phán quyết của PCA và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ.

Ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee phát biểu trên chương trình The Nation thuộc mạng truyền hình TV3 rằng ông mong pháp quyền sẽ thắng thế và khẳng định Trung Quốc nên chấp nhận phán quyết của PCA.

Cách đây vài ngày, ông Brownlee đã cảnh báo quy mô bồi đắp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông khiến một số quốc gia bất an và kêu gọi Bắc Kinh có lời giải thích thấu đáo, theo Đài RNZ.

Đối với ASEAN, theo thông tin từ Giám đốc hợp tác liên khu vực thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Derry Aman, ASEAN có thể ra tuyên bố chung về Biển Đông sau khi có phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý.

“Là tổ chức dẫn đầu khu vực với nhiều lợi ích ở Biển Đông, sẽ không bình thường nếu ASEAN không đưa ra quan điểm chung”, tờ The Jakarta Post dẫn lời ông Derry phát biểu. Tuy nhiên, ông Derry cũng nhấn mạnh cơ chế hoạt động của ASEAN đòi hỏi tất cả 10 quốc gia thành viên đạt được sự đồng thuận trước khi công bố một lập trường thống nhất về Biển Đông.

Về câu hỏi liệu vấn đề tuyên bố chung có được nêu ra trong cuộc họp đặc biệt giữa các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc diễn ra ở Vân Nam từ ngày 13 - 14/6 hay không, ông Derry cho biết các thành viên trong khối vẫn đang tích cực thảo luận để tiến tới đồng thuận.

An Nhiên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trung-quoc-de-philippines-dung-choi-voi-lua-o-bien-dong-3310954/