Trung Quốc điều tàu chiến và quân tới ngoài khơi Syria

Truyền thông Israel dẫn các nguồn tin hải quân phương Tây ngày 6/9 cho biết một tàu đổ bộ của Trung Quốc mang tên Tỉnh Cương Sơn cùng 1.000 lính thủy đánh bộ đã đến Biển Đỏ trên đường tới vùng Địa Trung Hải ngoài khơi Syria.

Tàu đổ bộ của Trung Quốc. (Nguồn: best-news.us)

Một số nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã bí mật triển khai nhiều tàu chiến đến vùng biển đối diện với Syria. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần triển khai lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Trung Đông trong lịch sử hải quân nước này.
Cùng ngày, người phát ngôn lực lượng hải quân Nga cho biết việc nước này tăng cường tàu chiến tại Địa Trung Hải nhằm đối phó mọi diễn biến bất ngờ nào, sau khi tàu khu trục trang bị tên lửa Smetlivy của Nga lên đường đến Địa Trung Hải.
Từ ngày 4/9, Moskva đã thông báo điều 6 tàu chiến tới tăng cường cho đội tàu của Nga ở Địa Trung Hải.
Trước đó, theo AFP và Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cuộc khủng hoảng Syria cần được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị thay vì một cuộc tấn công quân sự.
Tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), ông Tập Cận Bình nêu rõ: "Giải pháp chính trị là con đường đúng đắn duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria, và một cuộc tấn công quân sự không thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Chúng tôi hy vọng các nước cất nhắc kỹ trước khi hành động."
Tổng thống Obama đã từ chối nhượng bộ trước sức ép của các nhà lãnh đạo G-20 muốn Mỹ từ bỏ kế hoạch không kích Syria, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc đang phủ bóng lên các nỗ lực vực dậy nền kinh tế thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G-20. Một nguồn tin hội nghị nói: "Đã diễn ra một cuộc thảo luận dài với sự chia rẽ rõ ràng trong Nhóm (G-20)", trong khi các quan chức Nhật Bản cho hay các nhà lãnh đạo đã "thẳng thắn trao đổi quan điểm" về vấn đề Syria.
Trong khi đó, theo AFP và THX, Nga đã lên tiếng cảnh báo việc Mỹ nhắm tới mục tiêu kho vũ khí hóa học của Syria trong bối cảnh Washington D.C xem xét sử dụng vũ lực trừng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Với mối quan ngại riêng, chúng tôi nhận thức được thực tế rằng các cơ sở hạ tầng quân sự đang bảo vệ tính toàn vẹn và an toàn của kho vũ khí hóa học Syria đang là mục tiêu tiềm tàng trong các cuộc tấn công quân sự"./.

(Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/trung-quoc-dieu-tau-chien-va-quan-toi-ngoai-khoi-syria/20139/214754.vnplus