'Trung Quốc hãy hành xử như Mỹ mới là nước lớn'

Chuyên gia trong nước và quốc tế bàn về các vấn đề pháp lý trong vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông của Philippines.

Trong hai ngày 17 và 18/8, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra hội thảo quốc tế về “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn biển Đông”.

Hội thảo thu hút gần 100 học giả trong nước và quốc tế nhằm làm rõ quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật pháp quốc tế, việc tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc (TQ).

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học về Biển Đông. Ảnh: SGGP

Tại hội thảo, GS Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã cho rằng, TQ là quốc gia can thiệp thô bạo vào hiện trạng Biển Đông bằng việc xây dựng 7 đảo đá nhân tạo với quy mô lớn, đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

“Việc xây dựng đường băng, trạm ra-đa, hệ thống tên lửa, nhiều nhà chứa máy bay... là những hành động quân sự hóa. Các nước trong khu vực đối mặt với thách thức rất lớn nếu xảy ra chiến tranh tại đây”- GS A. Thayer nói.

Theo nghiên cứu của vị GS này, việc cải tạo các đảo do TQ chiếm đóng lên tới 95%, trong khi các nước trong vùng tranh chấp chỉ cải tạo 5%. Bên cạnh đó, TQ còn can thiệp vào an ninh hàng không, đường biển... Khiến vai trò của ASEAN đang bị đe dọa.

GS Jeong Gab Yong, giảng viên Đại học Youngsan (Hàn Quốc), cho rằng TQ tuyên bố chủ quyền, quyền tài phán và quyền lịch sử trên biển Đông nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về việc thiết lập “vùng nước lịch sử”.

"TQ đính kèm bản đồ “đường 9 đoạn” vào thư ngoại giao của mình năm 2009. Nhưng, “đường 9 đoạn” này là mơ hồ, không nói rõ liên quan thực thể nào. TQ không thể lấy “đường 9 đoạn” để đưa ra yêu sách về kinh tế. TQ cần áp dụng luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, cần từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” tự nguyện và ngay lập tức"- GS Jeong Gab Yong nhấn mạnh.

Trung Quốc hãy như Mỹ: Từng bị kiện và phải chấp nhận thua kiện

GS Erik Franckx, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Vrije Universiteit Brussel (Bỉ), thành viên PCA, cho rằng kết luận của PCA là kết luận cuối cùng, các nước liên quan cần phải tôn trọng.

Mỹ trước đây cũng từng bị kiện và dù không tham gia phiên tòa nhưng cuối cùng vẫn phải thừa nhận phán quyết của tòa.

“Điều này thể hiện ngay cả cường quốc cũng không thể đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài, nhất là một quốc gia nằm trong thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Trung Quốc” - GS Erik Franckx nói.

Giáo sư Erik Franckx (Bỉ) trả lời báo chí tại Hội thảo.

Bà Amy Searight, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ cho rằng vụ kiện của Philippines tạo tiền đề tốt cho Việt Nam noi theo, đặc biệt là khi Việt Nam có nhiều lợi thế.

"Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu với Tổng thống Obama rằng TQ không có ý định quân sự hóa tại vùng biển có tranh chấp. Do đó, Mỹ cho rằng đó là một cam kết của TQ vì vậy việc TQ không tôn trọng cam kết này là điều bất lợi", bà Amy nói.

Bà tiếp thêm: "Việt Nam có thể sử dụng luật pháp quốc tế, ảnh hưởng kết quả vụ kiện để gây áp lực với TQ. Theo tôi, để giải quyết tranh chấp trong khu vực, các nước ASEAN cần kiên định, đoàn kết, cùng nhau đòi hỏi về trách nhiệm, về đạo đức, buộc TQ tôn trọng phán quyết của luật pháp quốc tế".

Cùng quan điểm với bà Amy, GS Koichi Sato, Đại học J. F. Oberlin (Tokyo - Nhật Bản) nhận định: "Tôi cho rằng có 2 bài học mà các nước trong khu vực cần áp dụng. Ở vụ giàn khoan 981, Việt Nam đã sử dụng cuộc chiến truyền thông và tâm lý tốt khi mời phóng viên quốc tế chứng kiến việc tàu chấp pháp của TQ tấn công các tàu Việt Nam.

GS. Koichi cho rằng, việc sử dụng dư luận quốc tế đã gây áp lực, buộc TQ rút giàn khoan trước 1 tháng. Còn Philippines sử dụng cuộc chiến pháp lý, dùng luật quốc tế gây áp lực lên chính phủ TQ.

"Phán quyết của PCA là một thắng lợi lớn, phản bác toàn bộ yêu sách của TQ. Thực tế, dù các nước ASEAN không đủ tiềm lực quân sự nhưng ASEAN sử dụng chiến tranh truyền thông, tâm lý, pháp lý để buộc các nước lớn phải tôn trọng" - vị chuyên gia Nhật Bản kết luận.

Kim Hoa (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tinh-hinh-bien-dong-van-de-bien-dong/trung-quoc-hay-hanh-xu-nhu-my-moi-la-nuoc-lon-3316717/