Trung Quốc hung hăng, Úc mưu tính gì ở Biển Đông?

Sách trắng về quốc phòng vừa được chính phủ Úc công bố ẩn chứa thông điệp trung tâm nhất là nước này sẽ tăng cường vũ trang, sẽ chi rất nhiều tiền cho vũ trang và sẽ coi tiềm lực quân sự là sự đảm bảo đáng tin cậy nhất cho an ninh của mình.

Phần lớn số tiền 195 tỷ đô la Úc được dành cho việc tăng cường tiềm lực hải quân, cho 12 tàu ngầm, nhiều tàu chiến và tên lửa mới. Cũng dễ hiểu vì nước này ở giữa đại dương, không có biên giới chung trên bộ với bất cứ ai. Đáng được chú ý hơn ở trong văn kiện này là những mối nguy cơ an ninh buộc chính phủ Úc phải dùng việc tăng cường vũ trang để đối phó được nêu đích danh chứ không chung chung phản ánh lo ngại thực sự chứ không thổi phồng hay chính trị hóa. Nó lý giải động cơ và mục đích ở phía sau chủ ý tăng cường tiềm lực hải quân không chỉ để bảo vệ bờ biển và vùng biển mà còn để có thể hoạt động quân sự ở những nơi xa hơn.

Bên cạnh những nguy cơ an ninh mà gần như quốc gia nào ở khu vực chau Á - Thái Bình Dương hiện đều phải đối phó như khủng bố, khí hậu trái đất, cướp biển, thiên tai, tỵ nạn, an ninh mạng, buôn người, buôn bán ma túy, dịch bệnh, ....., văn kiện này của chính phủ Úc chỉ rõ, Úc cảm thấy bị đe dọa an ninh trực tiếp bởi diễn biến tình hình căng thẳng và phức tạp, luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra xung đột ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, hàm ý ám chỉ Trung Quốc và Triều Tiên.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đặt radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ở khu vực Đông Bắc Á có chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản và có vấn đề chương trình hạt nhan và tên lửa của Triều Tiên. Vừa mới đây thôi, bất chấp mọi nghị quyết cấm và những biện pháp trừng phạt của LHQ, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa, thậm chí còn tuyên bố đã thử nghiệm thành công cả bom nhiệt hạch và phóng tên lửa đẩy đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Chuyện ở nơi đây động chạm trực tiếp đến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn đều là đồng minh chiến lược hoặc đối tác quan trọng của Úc, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Úc và tác động trực tiếp đến chính sách của Úc.

Ở khu vực Đông Nam Á có chuyện Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước. Ở nơi đây, Trung Quốc còn quyết liệt và thô bao hơn, còn ngang ngược hơn và bất chấp cả luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và ổn định, tự do đi lại hàng hải và hàng không ở khu vực cách Úc không xa. Một khi Trung Quốc hay ai đó khác bất chấp luật pháp quốc tế và ỷ vào sức mạnh thì chỉ với tiềm lực quân sự được nâng cao và với mối quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ và những đồng minh khác, Úc mới có thể chủ động bảo toàn được lợi ích của mình ở những khu vực này.

Bên cạnh những lo ngại có cơ sở ấy về an ninh, cuốn Sách trắng này cũng còn bao hàm tham vọng lớn của Úc. Đó là tham vọng “có chân và có phần” trong cuộc chơi chính trị an ninh ở khu vực. Dù trong khuôn khổ quan hệ song phương với Mỹ và với Nhật Bản hay đa phương như với cả Nhật Bản và Ấn Độ thì cũng đều là sự chuẩn bị của Úc cho việc tham gia vào cuộc chơi ấy. Có tham gia thì mới có vai trò, vị thế và ảnh hưởng. Muốn gây dựng vai trò chính trị và chính trị an ninh khu vực thì phải hiện diện ở khu vực về chính trị cũng như quân sự, phải được ngồi vào bàn đàm phán dàn xếp mọi chuyện ở khu vực, phải có thế và lực về quân sự, riêng lẻ cũng như trong liên quân với Mỹ và đồng minh.

Cuốn Sách trắng này vừa xác định định hướng chiến lược lại vừa chuẩn bị dư luận bên trong cũng như bên ngoài cho việc thực hiện tham vọng lớn nói trên. Nó không đề cập gì đến nhân tố quyết định nhất đối với tính khả thi của việc biến tham vọng lớn thành hiện thực là phải khôn khéo và thực dụng như thế nào trong quan hệ với tất cả các đối tác trong khu vực và với Mỹ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/trung-quoc-hung-hang-uc-muu-tinh-gi-o-bien-dong-664142.html