Trung Quốc khó rút khỏi UNCLOS để né phán quyết 'đường lưỡi bò'

Bắc Kinh có thể rút khỏi UNCLOS để tránh né thực thi phán quyết của Tòa trọng tài về "đường lưỡi bò", nhưng nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

"Phương án Trung Quốc không là thành viên của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc đã được tính đến, tuy nhiên có ba lý do khiến Bắc Kinh không dễ thực hiện", Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ trong Tọa đàm Những khía cạnh pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) ngày 21/7.

Tàu Trung Quốc ngăn chặn một tàu của Philippines ở Biển Đông. Ảnh: AP

Tiến sĩ Ngân cho hay, lý do thứ nhất, theo Điều 317 của UNCLOS, khi Trung Quốc rút khỏi cơ chế này, cần đến một năm thì tuyên bố mới có hiệu lực, điều đó có nghĩa trong khoảng thời gian đó, Bắc Kinh vẫn phải có nghĩa vụ thực thi phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra hôm 17/7.

Thứ hai, thực tế Trung Quốc đã vận dụng rất nhiều quy định của UNCLOS để hưởng lợi, chẳng hạn như trước khi có UNCLOS, các quy định của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chỉ tồn tại dưới dạng tập quán, sau đó Công ước cho phép các quốc gia mở rộng ranh giới thềm lục địa ra ngoài giới hạn 200 hải lý, thậm chí lên đến 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Trung Quốc đã vận dụng quy định này để mở rộng tối đa vùng biển của mình.

Lý do cuối cùng là Bắc Kinh đang có đại diện nắm giữ vị trí ở một số thiết chế thành lập theo UNCLOS, họ có một thẩm phán của Tòa luật biển, các đại diện tại Ủy ban Đáy đại dương. Do đó nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thì nước này phải cân nhắc quyền lợi này. Hơn thế nữa, họ cũng phải tính đến hình ảnh một cường quốc trong quan hệ quốc tế và chịu áp lực từ dư luận trên thế giới.

Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) hôm 12/7 đã ra phán quyết với vụ Philippines kiện Trung Quốc. Tòa cho rằng Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông, "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với UNCLOS, không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc. Tòa cũng khẳng định Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough, gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo và các hành động của Trung Quôc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.

Hồi cuối tháng 6, trong khi dư luận quốc tế "nóng lên" trông đợi phán quyết của Tòa trọng, tờ Japan Times dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Trung Quốc thông báo với các nhà ngoại giao của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng họ sẽ rút khỏi UNCLOS nếu phán quyết bất lợi.

Theo Giáo sư Julian Ku thuộc Đại học Luật Hofstra, Mỹ, khi Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS vào năm 1996, họ đã đồng ý hoàn toàn với việc tuân thủ việc giải quyết tranh chấp theo điều 296, trong đó quy định "Bất cứ quyết định nào do tòa án có thẩm quyền đưa ra đều là quyết định cuối cùng và phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ".

Ông Ku chỉ ra rằng bản chất "ràng buộc" của phán quyết do tòa án quốc tế đưa ra đã được Trung Quốc nhất trí khi phê chuẩn UNCLOS, và họ không có cớ gì để bác bỏ điều này.

Dưới góc nhìn rộng hơn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuận, nguyên trưởng khoa nghiên cứu, Đại học Luật Hà Nội, đánh giá kể cả khi Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, điều đó cũng không có nghĩa là nước này được "giải thoát" khỏi nghĩa vụ phải tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài vì tuyên bố của Tòa đưa ra trong lúc Bắc Kinh vẫn là thành viên.

Theo bà Thuận, trong khi các nước trên thế giới có quan điểm thống nhất yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp, việc Bắc Kinh bác bỏ và cho hay sẽ không thực hiện có thể xem là động tác "làm mình làm mẩy" lúc này. Về lâu dài Trung Quốc sẽ phải tuân thủ vì đến nay lịch sử cho thấy không có nước nào trên thế giới dám phớt lờ phán quyết của tòa.

"Vấn đề là Bắc Kinh sẽ thực hiện ở mức độ khía cạnh nào và thời điểm nào bởi họ cần cân nhắc áp lực của cộng đồng quốc tế, thái độ giữa các nước lớn với nhau", tiến sĩ Thuận nói.

Theo vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/trung-quoc-kho-rut-khoi-unclos-de-ne-phan-quyet-duong-luoi-bo-253842.html