Trung Quốc lập căn cứ khắp Thái Bình Dương?

Giới chức quốc phòng Nhật Bản, Mỹ và Australia đã bày tỏ sự lo ngại ngày càng lớn trước những động thái của Trung Quốc nhằm phát triển một loạt cơ sở cảng biển ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Theo họ, những cơ sở đó có thể sẽ trở thành căn cứ của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

(Ảnh minh họa).

Mỹ, Nhật Bản cùng với Australia đang có những bước đi cụ thể nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương tại Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương khai mạc hồi giữa tuần và trong các dịp khác.
Cuối tháng 7 mới đây, một tàu tuần tra có trọng tải 1900 tấn từ New Zealand đã đến neo đậu tại bến cảng Vuna ở Nuku'alofa - thủ đô của Tonga. Bến cảng có thể đón tiếp những chiếc tàu, phà chở khách lớn này được phát triển dưới sự đầu tư và hỗ trợ hoàn toàn từ Trung Quốc. Bến cảng Vuna dài khoảng 120m và sâu 20m đủ để có thể đón tiếp những chiếc tàu chiến.
Bến cảng Vuna từng bị một cơn bão phá hủy nặng nề năm 1982 và nó đã bị để mặc như thế cho đến khi Trung Quốc xuất hiện. Trung Quốc đã cho Tonga vay một khoản ưu đãi lãi suất thấp đủ để nước này có thể tu bổ, sửa chữa lại bến cảng Vuna. Kết quả là bến cảng mới đã được hoàn thành hồi năm ngoái.
Ngoài ra, ở Tonga, Trung Quốc còn cung cấp, viện trợ tài chính cho các dự án sửa chữa đường xá, xây dựng khu trung tâm và thậm chí là dinh thự của nhà vua. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoản vay của Trung Quốc cho Tonga chiếm tới khoảng 30% GDP của quốc gia nhỏ bé này.
Một nguồn tin quân sự từ Australia cho rằng, Trung Quốc đang cố lôi kéo Tonga về phía mình bằng những sự giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính rộng rãi và trong tương lai, bến cảng Vuna có thể sẽ trở thành căn cứ cho các tàu quân sự của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin báo chí, trong đó có tờ Post-Courier của Papua New Guinea, một công ty của Trung Quốc đã trúng thầu dự án mở rộng cảng đánh cá ở Madang, phía đông bắc Papua New Guinea năm 2010. Ở Lae, phía nam Madang, một công ty khác của Trung Quốc đã giành được hợp đồng mở rộng cảng hàng hóa hồi năm ngoái. Năm 2011, Trung Quốc quyết định cho quốc đảo này vay một khoản vay lớn với lãi suất ưu đãi.
Giới chức ở tỉnh Papua, phía đông Indonesia, cho biết, một công ty Trung Quốc đã mua một phần cảng đánh cá ở Merauke của tỉnh này. Đây là cảng nằm gần với Papua New Guinea. Tàu thuyền đánh cá Trung Quốc có toàn quyền sử dụng cảng biển nói trên và nước này đang bàn bạc ké hoạch mở rộng, nâng cấp các cơ sở ở cảng biển đó.
Trung Quốc bắt đầu tăng cường sử dụng các cảng biển ở Nam Thái Bình Dương – một khu vực mà nước này đang xác lập được ảnh hưởng đáng kể. Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN hồi tháng 8 mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin đã thông báo, Trung Quốc sẽ cung cấp nguồn tài chính lên tới 3 tỉ Nhân dân tệ để giúp các nước ASEAN phát triển những thành phố cảng biển và các cơ sở đánh bắt cá.
Nếu Mỹ và các nước đồng minh phong tỏa những tuyến đường biển chính, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng họ có sẵn các tuyến đường thay thế khác nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, một nguồn tin từ trong liên minh Mỹ-Nhật đã nhận định như vậy về các hoạt dộng gần đây của Trung Quốc.
Trong tình huống khẩn cấp cần đối phó với Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng khu vực Nam Thái Bình Dương như là một vị trí ở xa có thể đe dọa quân đội Mỹ. Lực lượng Mỹ sẽ phát động các chiến dịch vào Châu Á từ đảo Guam và các căn cứ quân sự khác.
Trung Quốc đã giúp đỡ xây dựng và phát triển các cảng biển ở Sri Lanka, Pakistan và nhiều nước khác nằm dọc Ấn Độ Dương. Mạng lưới các cơ sở hàng hải mà Trung Quốc dựng lên ở đây còn được gọi là chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” bao vây quanh Ấn Độ. Ở thành phố cảng Gwadar của Pakistan, một công ty của nhà nước Trung Quốc mới đây đã giành quyền kiểm soát cảng này từ tay một công ty Singapore. Một cảng như vậy có thể đóng vai trò là một căn cứ hàng hải chiến lược cho Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc dường như đang nỗ lực thiết lập một “chuỗi ngọc trai” mới ở Thái Bình Dương - nơi Mỹ đang nắm quyền thống trị.
Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương khai màn hôm thứ Ba (3/9) với những nội dung chính tập trung vào biển đối khí hậu và những vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt. Hôm nay (6/9), ngày cuối cùng của cuộc họp, các quan chức cấp cao đến từ những nước cung cấp viện trợ cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại này được cho là sẽ phải chứng kiến sự đối đầu giữa Trung Quốc - nước đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, với 3 nước còn lại là Nhật Bản, Mỹ và Australia.

Kiệt Linh - (theo Bloomberg)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=17&newsid=1633415