'Trung Quốc nhập 1 triệu tấn thịt lợn nhưng vẫn hạn chế tăng đàn'

Ông Nguyễn Xuân Dương,Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khuyến cáo, việc mở cửa thị trường Trung Quốc thì chăn nuôi Việt Nam cũng chỉ đỡ khó khăn một phần, không nên vì thế mà nghĩ còn không gian thị trường lớn.

Lợn của Việt Nam trước nay chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc

Sau nỗ lực đàm phán xuất khẩu lợn chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, phía Trung Quốc đã đồng ý về mặt chủ trương và 2 bên đang tiếp tục tiến hành các thủ tục liên quan. Đây được cho là tin mừng lớn cho người chăn nuôi lợn trong bối cảnh ngành này đang "khủng hoảng" như hiện nay.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Trung Quốc vừa mới đồng ý về mặt chủ trương việc nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam theo con đường chính ngạch. Căn cứ theo sức mua thị trường, có thể Việt Nam sẽ xuất được 1 triệu tấn thịt lợn/năm. Tuy nhiên, vì mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương nên vẫn cần rất nhiều nỗ lực đàm phán và hoàn tất của cả 2 bên.

Ông Dương cho biết, để có thể xuất khẩu được chính ngạch, Trung Quốc đã đưa ra nhiều điều kiện, trong đó nổi bật là phải kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là lở mồm long móng, công tác giết mổ.

Bên cạnh đó, ông Dương thông báo, Trung Quốc cũng không cho Việt Nam xuất khẩu thịt sống theo mà phải cấp đông.

“Những điều kiện này chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được và phía Việt Nam đang phối hợp với cơ quan thú y của Trung Quốc sang kiểm tra về chất lượng của thịt lợn, hỗ trợ mình để làm sao hồ sơ hoàn thiện nhanh nhất có thể. Nếu chúng ta đáp ứng được thì Trung Quốc sẽ tháo dỡ lệnh cấm nhập trong năm nay”, ông Dương nhấn mạnh.

Tuy nhiên ông Dương cũng khuyến cáo, việc mở cửa thị trường Trung Quốc thì chăn nuôi Việt Nam cũng chỉ đỡ khó khăn một phần, không nên vì thế mà nghĩ còn không gian thị trường lớn.

“Do đó, Bộ NN-PTNN vẫn khuyến cáo là hạn chế việc tăng đàn, tập trung chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao hơn chứ không cần duy trì quy mô lớn”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Dương, nhiệm vụ thời gian tới phải tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, hạ giá thành sản phẩm. “Lợn hơi chỉ 35.000 - 38.000 đồng/kg mà vẫn có lãi thì mới phát triển được, chứ nếu mong 45.000 – 50.000 đồng/kg như trước thì không bao giờ có, đừng mong như vậy. Do đó người dân cần bình tĩnh, không được tăng đàn”, ông Dương khuyến cáo.

Ông Dương cũng thông tin, trước đây giá thịt lợn của Trung Quốc dao động ở mức rất cao, từ 60.000-65.000 đồng/kg nhưng hiện nay thịt lợn của họ chỉ ở mức 40.000-45.000 đồng/kg. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng đã mở cửa nhập khẩu thịt lợn ở một số nước khác. Tuy nhiên, nếu so sách về giá thì giá thịt lợn của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc nên cần phải rất tích cực để xuất thịt lợn sang Trung Quốc sớm.

Về giải pháp dài hạn, ông Dương cho rằng ngoài sản xuất theo chuỗi, các hộ chăn nuôi cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra các giống lợn chất lượng năng suất, phấn đấu trong tương lai giá lợn Việt Nam sẽ thấp nhất trong khu vực Asean.

Cùng với đó, ông Dương cho rằng các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng phối hợp với Bộ NN-PTNT để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường nhiều nước khác.

Theo Cục Chăn nuôi, từ tháng 2.2017 giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh, đến thời điểm tháng 3 và tháng 4.2017, giá giảm xuống mức 25.000 đồng/kg, thậm chí có những ngày giá còn xuống dưới mức 20.000 đồng/kg ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc. Giá lợn hơi như vậy là thấp nhất trong 10 năm qua. Với mức giá 18.000-20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng, mỗi con lợn có thể lỗ từ 1-1,5 triệu đồng.

Trong những ngày qua đã giải quyết được khoảng 200.000-250.000 tấn lợn, số lượng lợn còn lại khoảng 1,5 triệu con tương đương 200.000 tấn.

Cục Chăn nuôi cho biết sẽ tập trung vào 4 nội dung: Thứ nhất cần làm tốt công tác quản lý về số lượng cũng như về thông tin. Yêu cầu tất cả các tỉnh phải cập nhật thông tin hàng tuần, cảnh báo trên hệ thống mạng để tất cả người dân được biết và để cơ quan quản lý tính toán các phương án đáp ứng yêu cầu phát triển.

Mặt khác, sẽ rà soát tổng thể lại quy hoạch các tỉnh; tập trung phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm; tăng cường hợp tác thanh tra kiểm tra đối với các sản phẩm đầu vào của chăn nuôi, rà soát lại văn bản pháp lý có liên quan trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2017, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Hà Công Tuấn cho biết, bằng những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi đã thực hiện, trong những ngày vừa qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đồng/kg thịt lợn hơi.

Tại các siêu thị, so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, rất nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn cũng đã giảm giá bán 10-20%.

Ông Dương cũng khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết để lấy lại trạng thí cân bằng lại cung-cầu mặt hàng thịt lợn trong khoảng 2-3 tháng nữa trong bối cảnh vẫn còn từ 300.000-400.000 tấn lợn đủ điều kiện xuất chuồng.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/trung-quoc-nhap-1-trieu-tan-thit-lon-nhung-van-han-che-tang-dan-63888.html