Trung Quốc: Những vấn đề kinh tế-xã hội nổi bật (Kỳ 1)

(Toquoc)-Thành tựu kinh tế 60 năm phi thường, nhưng thách thức cũng hết sức to lớn.

(Toquoc) - Thành tựu kinh tế 60 năm qua phi thường, nhưng thách thức cũng rất to lớn trước môi trường kinh tế quốc tế hậu khủng hoảng thay đổi sâu sắc. Dưới đây là một số nét từ một cái nhìn tổng quan mà giới phân tích thế giới đề cập về tình hình kinh tế và xã hội Trung Quốc thời gian gần đây: “Công xưởng thế giới” - nâng cao tích lũy và năng lực cạnh tranh Trải qua 60 năm phát triển, Trung Quốc đã là một cường quốc thương mại và sản xuất khổng lồ, xây dựng được một nền công nghiệp hoàn chỉnh với 39 chuyên ngành, trong đó sản lượng của 210 loại sản phẩm công nghiệp đứng đầu thế giới. Cải tạo kỹ thuật là một động lực thúc đẩy quan trọng. Trung Quốc đã khắc phục được những hậu quả căn bệnh duy ý đầy tai hại của “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hóa”, phát triển ổn định nhờ sự cai trị thực dụng. Mùa xuân về trên cánh đồng chuyên canh rau Trung Quốc đã áp dụng hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung cho đến tận năm 1978 và sau 30 năm tiến hành chính sách cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 9,8%/năm, so khoảng 3% của các nước khác trên thế giới. Trung Quốc đã ghi dấu ấn lịch sử khi duy trì mức tăng trưởng chưa từng có nhờ việc khơi dậy các động lực thị trường một cách kiên quyết và khéo léo. Sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới bùng nổ, các doanh nghiệp Trung Quốc càng coi trọng việc cải tạo kỹ thuật. Ngân sách Trung ương đã cấp 20 tỷ NDT cải tạo kỹ thuật, chủ yếu dùng cho công nghệ mới, thiết bị mới, kỹ thuật mới và vật liệu mới. Hiện nay, trong việc đối phó khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đang xem xét việc dùng công nghệ thông tin để nâng cấp trình độ công nghiệp hóa. Những cải cách tài chính đã dẫn đến quá trình tái tư bản hóa và hình thành các tập đoàn gồm hầu hết các ngân hàng do nhà nước sở hữu. Các thị trường lao động và vốn dần dần nổi lên. Sự phát triển của Trung Quốc dựa vào tích lũy vốn nhanh chóng của các cá nhân, các thể chế tư nhân và của nhà nước, nhờ các thay đổi về hệ tư tưởng và thể chế trong thời kỳ cải cách. Một trong những nhân tố chính trong quá trình tăng trưởng nhanh về thương mại của Trung Quốc là sự hiện diện rất lớn của các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài phục vụ các thị trường xuất khẩu. Một số lượng lớn các công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp và chế biến sử dụng hàng hóa bán thành phẩm nhập khẩu và nguyên liệu thô để sản xuất hàng xuất khẩu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh sau năm 2001. Từ năm 2001-2006, Trung Quốc đã thu hút được 343,52 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự đi lên về kinh tế của Trung Quốc đã làm biến đổi hệ thống thương mại khu vực của châu Á và trong chừng mực nào đó, là hệ thống thương mại toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng thương mại nhanh là kết quả của các cơ chế điều tiết ưu đãi các nhà xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài và trở thành những động cơ phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là bờ biển phía Đông Trung Quốc. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đầu tư vào cơ sở hạ tầng được thúc đẩy rất lớn. Đầu tư vào đường sá, cảng biển, các mạng lưới điện, viễn thông và bất động sản đã làm biến đổi bộ mặt của các thành phố Trung Quốc. Quá trình phát triển với tốc độ cao đã biến Trung Quốc thành nước nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên năng động nhất trên thế giới. Về năng lượng, từ năm 2000-2007, nhu cầu của Trung Quốc tăng 65%, đóng góp 1/3 trong 12% tổng gia tăng toàn cầu về tiêu thụ dầu lửa trong cùng giai đoạn. Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào dầu lửa nhập khẩu làm Bắc Kinh ý thức một cách sâu sắc về an ninh năng lượng. Thị trường chứng khoán Trung Quốc phát triển nóng Trong nỗ lực thiết lập và phát triển nền kinh tế thị trường XHCN, Trung Quốc đã tiến hành một loạt những cải cách bao gồm những biện pháp cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, tách biệt các chức năng của chính phủ và các doanh nghiệp, làm hồi sinh các khu vực kinh tế phi nhà nước. Sự bùng nổ kinh tế chưa từng có trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đã làm biến đổi nền kinh tế trong nước của Trung Quốc. Cùng với tư nhân hóa, diễn ra quá trình lập thành các tổng công ty. Nhiều công ty trong nước đã nâng cấp công nghệ, tiếp thị và hệ thống quản lý nội bộ. Nhờ vậy, một loạt các công ty đa quốc gia của Trung Quốc ra đời có khả năng cạnh trên trường quốc tế và bắt đầu thách thức các công ty toàn cầu. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc thu hút 853 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ năm 1979-2008, đưa nước này lên vị trí hàng đầu trong số các nước đang phát triển về thu hút FDI. FDI hàng năm của Trung Quốc tăng từ 40,7 tỷ USD năm 2000 lên 92,4 tỷ USD năm 2008, trong khi con số này trong năm 1979 chỉ là 80.000 USD. Xuất khẩu và thu nhập của công ty tăng mạnh từ năm 1997 đến 2007, lương thực tế đã giảm, từ 53% xuống 43% GDP. Mặc dù dân chúng sống tốt hơn trước đây nhiều, phúc lợi của họ không theo kịp với sự tăng trưởng xung quanh họ. Trong thập kỷ qua, khi các nền kinh tế châu Á tăng trưởng, tiêu dùng trong nước vẫn gần như y nguyên hoặc thực tế đã giảm xuống liên quan đến GDP. Còn ở Trung Quốc nó giảm từ 45% xuống 35% nền kinh tế. Mặc dù chi tiêu đã tăng lên, tầng lớp người tiêu dùng đông đảo và giàu có mà sự tăng trưởng kinh tế có ý tạo ra vẫn chưa hoàn toàn trở thành hiện thực. Khu vực tư nhân thuần túy đã gia tăng tổng sản lượng công nghiệp của nó từ 37,7% năm 2001 lên 52,85% năm 2006. khối doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua khối doanh nghiệp nhà nước để trở thành động lực kinh tế chính của Trung Quốc. Mặc dù vậy, sau 3 thập kỷ cải cách, chính phủ Trung Quốc vẫn còn sở hữu 76% của cải của nước này, kiểm soát khu vực ngân hàng, giám sát các công ty thuộc sở hữu nhà nước chiếm 1/3 nền kinh tế. Ở một số nơi, việc tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội lâu bền sẽ đặc biệt khó khăn. Ý tưởng về một hệ thống lương hưu rộng lớn, dựa vào nhà nước, nhưng việc trợ cấp cho người về hưu sẽ đụng phải tình trạng dân số học đối địch: tỉ lệ sinh ở Trung Quốc đang giảm đi khi tuổi thọ đang tăng mạnh. Do chính sách một con, trong 3 thập kỷ qua số người phụ thuộc (cả trẻ em lẫn người già) tính trên mỗi người lao động đã giảm một nửa. Nhưng trong 3 thập kỷ tới, con số này sẽ tăng 50%. Khắc phục tốt khủng hoảng kinh tế, nhưng tạo một số bất cập Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế bắt nguồn trực tiếp từ cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay thứ cấp ở Mỹ đã gây ra khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng thủ phạm đích thực lại chủ yếu do sức sản xuất các mặt hàng công nghiệp thế giới vượt quá nhu cầu thực tế. Trung Quốc là một điển hình của sự dư thừa năng lực sản xuất. Người Mỹ mua trung bình 4,46 USD hàng hóa Trung Quốc cho mỗi 1 USD hàng hóa Mỹ bán sang Trung Quốc. Phong trào Đại nhảy vọt Trung Quốc có 20 nghìn tỉ nhân dân tệ tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, gần 2000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra, kinh tế các nước phát triển 6 tháng đầu năm nay cũng xuất hiện một số dấu hiệu ấm trở lại. Đây là nguyên nhân bên ngoài khiến kinh tế Trung Quốc trụ vững trước khủng hoảng. Kinh tế Trung Quốc đước đánh giá đã đi hết điểm ngoặt chữ “U”. Trong quý 2, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 7,9% so với cùng kỳ năm trước, sẽ đạt tăng trưởng GDP hơn 8%. Nếu như xuất khẩu giảm hơn 20% so với năm trước, nhiều chỉ số khác cho thấy kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng “sức khỏe tốt”. Đã có hơn 12 triệu việc làm mới được tạo ra. Thị trường bất động sản đã tăng mạnh trở lại. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, các biện pháp kích cầu trong nước do chính phủ Trung Quốc tiến hành một năm qua có thể trở thành động lực chủ yếu đem lại sự phục hồi kinh tế của nước này. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bề ngoài đã tìm lại được sự sung mãn, chủ yếu là do nguồn vốn đầu tư công khổng lồ và khoản tín dụng lên tới 7.370 tỷ nhân dân tệ mà các ngân hàng quốc doanh cung cấp. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đã được khởi công ở tất cả các địa phương lớn. Hơn 110 công trình xây dựng đường cao tốc đã động thổ trong quý I/2009. Từ nay đến năm 2012, mạng lưới đường sắt Trung Quốc sẽ tăng hơn 25% và năm tới Trung Quốc sẽ khánh thành 190 sân bay mới. Chính phủ đã bỏ ra rất nhiều công sức với các chính sách tài chính tích cực. 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã cho vay thêm hơn 7.000 tỉ nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc đã thi hành chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải, trong khi mở rộng quy mô cho vay, ban hành quy hoạch chấn hưng 10 ngành lớn như thông tin điện tử, chế tạo trang thiết bị, thực hiện giảm thuế 500 tỉ nhân dân tệ, thúc đẩy kinh tế phát triển bình ổn khá nhanh. Trung Quốc khởi động quá trình kích thích nội nhu không chỉ để đảm bảo sự ổn định, mà còn là nhu cầu điều chỉnh kinh tế và cải cách xã hội. Do đó, cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế tuy có ảnh hưởng nhất định đến Trung Quốc nhưng lại có tác dụng kích thích nội nhu của Trung Quốc phát triển, có thể giúp Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp chống khủng hoảng vào cải cách xã hội. Ô nhiễm tại nhà máy ở Sơn Tây Tuy vậy, một số nhà kinh tế Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về những biện pháp kích thích của chính phủ, cho rằng chúng đang thổi phồng rất nhiều vấn đề cơ cấu cũ. Giáo sư Xu Xiaonian thuộc Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu của Trung Quốc nói tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc), ngày 12/9, rằng tình hình của Trung Quốc không thể gọi là sự hồi phục, mà là “ống thuốc độc để giải khát” theo ngạn ngữ Trung Quốc. Theo giáo sư Xu, các biện pháp kích thích kinh tế sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề là Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều, nhưng lại tiêu thụ quá ít, “sự hồi phục đó không mang tính bền vững'”. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới nêu trên, Trương Hiểu Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho rằng việc đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước để đảm bảo sự tăng trưởng cân bằng hơn có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nhưng Trung Quốc chưa tìm được giải pháp vững vàng cho sự phục hồi kinh tế và vẫn là nước phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu trong số các quốc gia lớn trên thế giới. Các công trình này trong ngắn hạn cho phép thu hút hàng triệu lao động, dài hạn sẽ đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa đất nước và chuẩn bị cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại nay mai, nhất là ở các tỉnh nghèo. Nhưng việc có quá nhiều dự án, thiếu sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương đã ảnh hưởng tới chiến lược của Trung Quốc. Các ngân hàng bắt đầu lo ngại. Bóng ma nợ xấu đang quay trở lại. Mặc dù các kế hoạch nêu bật việc đầu tư vào các chương trình xã hội, phần lớn khoản chi tiêu này là về cơ sở hạ tầng; hữu ích vì nó sử dụng những công nhân không lành nghề. Chưa đến 4% chi tiêu của Trung Quốc là về giáo dục và y tế. Nước này thậm chí đã giảm thêm tiền thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm sử dụng nhiều lao động, điều sẽ tạm thời giảm bớt căng thẳng cho các nhà xuất khẩu nhưng sẽ chỉ gia tăng sự chú trọng vào thương mại. Ở Trung Quốc, các công ty vừa và nhỏ chiếm 70% GDP nhưng chỉ nhận được 20% các nguồn tài chính của đất nước, một xu hướng không thể được giải thích một cách đơn giản bởi sức mạnh vốn của các công ty lớn. Theo phân tích trên tạp chí có uy tín lớn Foreign Affairs (số 7 và 8 /2009), khủng hoảng kinh tế đã xé rách bộ mặt của sự thần kỳ kinh tế châu Á. Thay vì nổi lên là một Goliath trên sân khấu toàn cầu, khu vực này đang gục ngã. Sự tiêu dùng lu bù của phương Tây không có khả năng sớm trở lại, dẫn tới năng lực sản xuất công nghiệp vượt quá mức, những khó khăn tài chính đối với các doanh nghiệp, và tỉ lệ thất nghiệp tăng lên khắp châu Á. Cốt lõi các vấn đề của châu Á là thuộc về cơ cấu, chứ không phải thuộc về chu kỳ. Những chương trình kích thích của chính phủ, đặc biệt tại Trung Quốc, mặc dù có tầm quan trọng sống còn, phần lớn đã tập trung vào sự ổn định ngắn hạn, trong một môi trường mà ở đó chất lượng tiêu dùng cũng quan trọng như số lượng. Mô hình kinh doanh của châu Á đã thoái hóa và không rõ cái gì sẽ thay thế nó. Trung Quốc không là ngoại lệ./. Kỳ tiếp: Mô hình nào cho nền kinh tế Trung Quốc hậu khủng hoảng?

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Trung-Quoc-Nhung-Van-De-Kinh-Te-Xa-Hoi-Noi-Bat-Ky-1.html