Trung Quốc phóng tên lửa bí ẩn trên biển Bột Hải

Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 9/5, lực lượng tên lửa nước này vừa phóng thành công tên lửa đạn đạo trên vùng biển Bột Hải.

Tên lửa bí ẩn lộ mật

Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 9/5 cho biết: "Một tên lửa đạn đạo mới đã được thử thành công tại biển Bột Hải bởi lực lượng tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Loại tên lửa đạn đạo này được thiết kế để tăng cường năng lực hoạt động của lực lượng vũ trang, nhằm đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa đến an ninh quốc gia".

Dù thông báo vụ phóng thử thành công nhưng bộ này không tiết lộ loại tên lửa, thời điểm cũng như thông tin chi tiết về vụ phóng. Tuy nhiên, theo nguồn tin tình báo Mỹ có được, loại tên lửa Trung Quốc úp mở nói đến chính là DF-21D - vũ khí được Bắc Kinh gọi là "sát thủ tàu sân bay".

Trung Quốc diễn tập với tên lửa DF-21D.

Nếu thông tin Mỹ có được là chính xác thì động thái này rõ ràng không nhằm đối phó Triều Tiên mà biên đội tàu sân bay Mỹ hiện diện tại bán đảo Triều Tiên có thể mới là mục tiêu của Bắc Kinh. Đặc biệt, ngay trước khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói về vụ phóng này, Kênh truyền hình CCTV phát phóng sự về cảnh diễn tập DF-21D.

Hình ảnh được CCTV phát đi không chỉ giúp thế giới bên ngoài lần đầu tiên biết được cảnh phóng loại tên lửa được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay này, mà còn để lộ số lượng trang bị của một lữ đoàn tên lửa DF-21.

DF-21D không đáng ngại

Dù được Trung Quốc coi là sát thủ tàu sân bay nhưng theo nhận định của một số chuyên gia quân sự Mỹ, khả năng để DF-21D để đánh chìm tàu sân bay là rất khó, vì các tàu này đều là các mục tiêu di động. Với tốc độ 35 hải lý/h, có thể sau khi tên lửa đến nơi thì tàu sân bay đã không còn ở vị trí được xác định ban đầu.

Ngoài ra, vì tầm bắn của DF-21D vào khoảng 1.500km nên Trung Quốc cũng cần phải triển khai một mạng lưới radar rộng lớn, có thể dò được các mục tiêu trong bán kính ít nhất bằng hoặc lớn hơn như vậy. Điều này yêu cầu một khoản đầu tư lớn và cũng cần ít nhất một vài năm để hoàn thành.

Ngay cả khi hệ thống radar được triển khai, tên lửa chống hạm Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một vài vấn đề khác. Đầu tiên là hạm đội tàu sân bay tấn công của Mỹ luôn có ít nhất một tàu chiến trang bị tên lửa đánh chặn SM-3, được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa tấn công tầm ngắn. Điều này có nghĩa là DF-21D sẽ bị bắn hạ trước khi nó kịp vươn tới mục tiêu.

Bên cạnh đó, hệ thống định vị của DF-21D cũng có một điểm yếu đó là nó chỉ có thể tìm kiếm và khóa mục tiêu khi đầu đạn giảm tốc độ xuống Mach 2-3 ở độ cao trên 20km.

Hiện những tên lửa chống hạm khác vẫn thường bay ở tốc độ tương đương, tuy nhiên, chỉ ở khoảng cách vài mét so với mặt nước, làm nó có thể tránh được hệ thống radar phòng thủ của hạm đội tàu sân bay và chỉ phải đối mặt với tên lửa đánh chặn từ một hoặc 2 tàu chiến.

Tuy nhiên, với những tên lửa bay ở độ cao 20km, nó sẽ là mục tiêu lí tưởng của từ 5 đến 6 tàu chiến trong hạm đội, bao gồm cả các tàu khu trục hạm Aegis mang theo tên lửa SM-2 Block IV, có khả năng đánh chặn DF-21D.

Do đó, nếu xét về mức độ hiệu quả, DF-21D cũng không hơn những loại tên lửa chống hạm khác. Vì vậy, đánh chặn tên lửa này không phải là nhiệm vụ bất khả thi với biên đội tàu chiến Mỹ.

Clip Trung Quốc diễn tập với tên lửa DF-21D

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/trung-quoc-phong-ten-lua-bi-an-tren-bien-bot-hai-3335122/