Trung Quốc 'ra tay', Triều Tiên vẫn không chùn bước

Theo giới chuyên gia, dù lệnh trừng phạt mà Trung Quốc áp đặt khiến Triều Tiên bị thâm hụt tới 1,5 tỷ USD tương đương với 60% tổng doanh thu xuất khẩu của quốc gia này thì nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong năm 2016, Triều Tiên đã thu về 1,5 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu than đá, quặng sắt và hải sản sang Trung Quốc. Con số này chiếm 58,1% tổng doanh thu xuất khẩu của Triều Tiên. Trung Quốc cũng là nguồn thu ngoại tệ chính cho Bình Nhưỡng.

Trong nửa đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu 3 mặt trên của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 432,7 triệu USD, tương đương 48,8% doanh thu xuất khẩu của Bình Nhưỡng.

Than đá là mặt hàng chính Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nay cũng đã bị Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm kéo sang cả năm 2018.

Trong số 3 hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên sang Trung Quốc thì than đá có doanh thu cao nhất. Trong năm 2016, hoạt động xuất khẩu than đá sang Trung Quốc đã giúp Triều Tiên thu về 1,2 tỷ USD, bỏ xa doanh thu xuất khẩu quặng sắt (114,8 triệu USD) và hải sản (193 triệu USD).

Tuy nhiên hồi tuần trước, Bắc Kinh đã ra thông báo kéo dài thời gian cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên sang cả năm sau. Lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì cho tới khi Triều Tiên chịu từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân.

Theo bản báo cáo hồi năm ngoái của Reuters, chính phủ Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã chi từ 1,1 tỷ - 3,2 tỷ USD cho riêng hoạt động phát triển hạt nhân.

Chính phủ Mỹ thì cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nắm trong tay 60 vũ khí hạt nhân nhưng theo một số chuyên gia, con số này thực tế là ít hơn. Nếu Triều Tiên sở hữu 60 vũ khí hạt nhân, thì chi phí sản xuất đầu đạn sẽ rơi vào khoảng từ 18 – 53 triệu USD, theo CNBC.

Lệnh trừng phạt mới nhất được Trung Quốc áp đặt với Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) quyết định tăng cường cấm vận với Bình Nhưỡng hôm 6/8. Quyết định của LHQ được đưa ra sau khi Triều Tiên phóng thử thành công 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng Bảy.

Theo giới chuyên gia, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ khiến Bình Nhưỡng không có đủ nguồn tiền để phục vụ các chương trình quân sự và giới chức cấp cao.

"Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới khả năng kiếm tiền của Triều Tiên bởi ngay cả các mặt hàng phi chiến lược như hải sản nay cũng đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc", SCMP dẫn lời chuyên gia Cai Jian tại Đại học Phúc Đán.

Còn theo chuyên gia tại Đại học Cát Lâm, ông Sun Xingjie, phần lớn doanh thu từ xuất khẩu mà Triều Tiên thu được là để phục vụ chương trình quân sự và chu cấp cho gia đình quan chức. Do đó, "lệnh cấm của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại sẽ khiến ông Kim cảm thấy bị áp lực", ông Sun nói.

Tuy nhiên, chuyên gia các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney, ông Justin Hastings lại tỏ ra nghi ngờ trước việc Trung Quốc có thể duy trì lệnh cấm với Triều Tiên lâu dài.

"Thực tế, Trung Quốc sẽ chỉ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than đá, quặng sắt và hải sản của Triều Tiên trong thời gian ngắn. Khi đối mặt với nạn buôn lậu phổ biến như hiện nay, Bắc Kinh cũng sẽ sớm gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Do đó, tác động từ lệnh trừng phạt của Trung Quốc với Triều Tiên sẽ không phải là 100%. Kinh tế Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn chứ không thể lâu dài. Dù Trung Quốc có thay đổi chính sách đối với Triều Tiên thì Triều Tiên vẫn sẽ có cách thích nghi với hoàn cảnh hiện tại", ông Hastings chia sẻ.

Mặc dù, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ gia tăng thêm áp lực đối với Bình Nhưỡng nhưng theo hai chuyên gia Cai và Sun, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

"Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lợi ích quốc gia cốt lõi là an ninh và sự ổn định của chính quyền lãnh đạo. Đây là hai vấn đề mà ông Kim sẽ không bao giờ thỏa hiệp dù hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên có phải chịu áp lực lớn từ bên ngoài như thế nào", ông Cai nói.

Thậm chí, ông Sun còn cho rằng: "Lệnh cấm mới sẽ làm ông Kim cảm thấy mối đe dọa lớn từ cộng đồng quốc tế và khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên càng đẩy nhanh chương trình phát triển hạt nhân bởi đây là cách đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng".

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trung-quoc-ra-tay-trieu-tien-van-khong-chun-buoc-post234996.info