Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo Senkaku như thế nào?

Các chuyên gia an ninh Nhật đã nghĩ đến các kịch bản có thể xảy ra, nếu như thật sự bùng nổ chiến tranh giành các đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Ảnh; SDF tập trận

Đã có nỗi quan ngại về một tình trạng khẩn cấp có thể dẫn đến các cuộc tấn công kiểu du kích ở nhiều nơi thuộc Nhật Bản.

Một quan chức an ninh giấu tên gần đây cảnh báo: “Chúng ta chớ nên nghĩ nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp ở quần đảo Senkaku, người dân sống trên các đảo khác tại Nhật sẽ có thể sống bình thường được”.

Ông nói nếu xảy ra chiến tranh, rất có khả năng Trung Quốc sẽ tấn công các căn cứ Cục phòng vệ Nhật Bản (SDF) và căn cứ Mỹ.

Một quan chức an ninh khác cũng giấu tên, nêu chi tiết các địa điểm đối mặt với nguy hiểm nhiều nhất: “Các mục tiêu bị tấn công gồm căn cứ Mỹ và SDF ở các quần đảo Okinawa và Kyushu, nhất là đối với đơn vị tên lửa phòng thủ, cùng một số vị trí trọng yếu ở Tokyo”.

Viễn cảnh một cuộc tấn công vào lực lượng tên lửa phòng thủ sẽ có một tác động tâm lý lớn lên người dân Nhật, minh họa rõ khả năng đe dọa bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Một sĩ quan cảnh sát cấp cao lại nêu khả năng Trung Quốc kích động các cuộc biểu tình phản đối ở Nhật, để bùng ra một cuộc chiến tranh. Ông từng có kinh nghiệm là những cuộc biểu tình phản đối việc rước đuốc Olympic ở Nagano năm 2008 (trước khi Olympic mùa hè Bắc Kinh 2008 khai mạc).

Bên cạnh đó là các cuộc biểu tình gần quận Kudanshita ở trung tâm Tokyo. Đền Yasukuni không xa nhà ga Kudanshita, là ngôi đền gây tranh cãi: Trung Quốc cáo buộc ngôi đền thờ những tội phạm chiến tranh Nhật từng gieo họa cho dân tộc Trung Quốc

Chính phủ Nhật đã tiến hành nhiều bước phòng ngừa, chủ yếu là theo dõi bằng radar. SDF mở nhiều cuộc tập trận đề phòng chiến tranh du kích do điệp viên Triều Tiên chỉ huy.

Lực lượng cảnh sát quốc gia thì tăng cường “công tư hợp tác”, với các khách sạn và công ty vận tải, khi họ cần phải truy lùng các nghi can khủng bố”.

Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ áp dụng trên các khu vực hạn chế. Chúng cần được mở rộng và vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, rằng điệp viên địch có thể giả dạng làm khách du lịch để xâm nhập Nhật. Mà nếu không có sự phối hợp của quần chúng, chính quyền sẽ khó có thể nhanh chóng phát hiện nghi can.

Nhật đã có hệ thống báo động J-Alert. Đây là hệ thống kêu gọi cư dân tìm đến chỗ an toàn nếu xảy ra tình huống bị tấn công bằng tên lửa, hoặc bị quân địch xâm lược. Nhưng Nhật ít có chỗ trú ẩn như hầm ngầm và chưa có dấu hiệu sẽ có xây thêm các chỗ an toàn này.

Nếu những lo sợ nghiêm trọng nhất của các quan chức trở nên có thật, sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan an ninh sẽ là điều cốt yếu. Nhưng hiện quan hệ giữa Lực lượng cảnh sát quốc gia với Bộ Quốc phòng là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Họ thường bất đồng với nhau về cách tốt nhất đối phó chiến tranh mạng cùng các đe dọa khác.

Cũng phải chờ xem Hội đồng an ninh quốc gia Nhật (mới lập giống Mỹ) hoạt động hiệu quả hay không. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật kết luận: “Khi Trung Quốc càng tự tin vào sức mạnh quân sự, Nhật sẽ cần sẵn sàng đối phó với tất cả mọi việc”.

Bảo Vĩnh (theo Yomiuri Shimbun)

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/quoc-te/trung-quoc-se-danh-chiem-dao-senkaku-nhu-the-nao-68300.html