Trung Quốc: tài sản thế chấp “ma” và rủi ro tín dụng

Cung cách cho vay lỏng lẻo và giá trị tài sản thế chấp bị thổi phồng đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008. Hiện nay các ngân hàng Trung Quốc cũng đang đối mặt với rủi ro tương tự khi những khoản vay không có tài sản thế chấp thật sự đang tạo ra gánh nặng cho hệ thống tài chính.

Ở Trung Quốc ngay cả các tổ chức tín dụng nước ngoài như Ngân hàng HSBC, Công ty Tài chính IFC... cũng là nạn nhân của tình trạng lừa đảo tài sản thế chấp. Ảnh: Reuters

Luật sư Wang Chaoyu ở Thượng Hải không quên cảnh nhân viên Ngân hàng CITIC Trung Quốc đã nổi nóng như thế nào khi biết lô sắt thép bảo đảm cho món vay trị giá 3 triệu đô la Mỹ đã không cánh mà bay khỏi một nhà kho ở ngoại ô thành phố. Chỉ vài tháng trước, khoảng giữa năm 2013, ông Wang và cán bộ ngân hàng đã đến thăm nhà kho và xác nhận lô thép vẫn còn. Ông Wang, một luật sư ở Công ty Luật DHH ở Bắc Kinh, đại diện chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng CITIC, nhớ lại: “Lần đầu đến nhà kho tôi thấy sắt thép vẫn ở đó. Nhưng sau đó, ngân hàng liên hệ với tôi và nói “tài sản cam kết đã không còn nữa”.

Rắc rối bắt đầu từ năm 2012, sau khi CITIC cho Công ty Sắt thép Hanning Thượng Hải vay 3 triệu đô la; khi Hanning không trả được nợ, ngân hàng đã tịch biên lô sắt thép - theo một biên bản dàn xếp mà phóng viên điều tra của hãng tin Reuters đọc được. Rồi khi ngân hàng tịch thu tài sản thế chấp, cán bộ ngân hàng đã đến nhà kho và xác định 291 tấn thép thế chấp đã biến mất và như vậy khả năng thu hồi tiền cho vay cũng không còn.

Vụ tài sản thế chấp bỗng dưng biến mất này không phải là cá biệt ở CITIC mà là dấu hiệu của một vấn đề rộng lớn hơn đang đe dọa sức khỏe của hệ thống tài chính Trung Quốc: tài sản “ma” hoặc có dấu hiệu lừa đảo: khi các thanh tra ngân hàng kiểm tra tài sản thế chấp được ghi trong sổ sách thì hầu như chúng không còn nữa.

Trong một số trường hợp, tài sản thế chấp là “ma”, hoàn toàn không tồn tại. Ở một số trường hợp khác, tài sản thế chấp biến mất khi người vay gặp khó khăn tài chính và lặng lẽ đem bán mà chủ nợ không hay biết. Có nhiều trường hợp, một tài sản được cầm cố cho nhiều ngân hàng để vay nhiều khoản. Một luật sư nói rằng, ông biết có một đống sắt thép được thế chấp vay vốn ở 10 ngân hàng khác nhau.

Tình trạng tài sản thế chấp “ma” xảy ra và lan rộng do sự kết hợp giữa những người vay cố tình lừa đảo, nhân viên ngân hàng tham nhũng, công tác đánh giá rủi ro kém và hệ thống pháp lý nhiều lỗ hổng.

* * *

Hãng tin Reuters đã xem xét hàng chục hồ sơ tòa án liên quan tới tài sản thế chấp, đã phỏng vấn nhiều luật sư, cơ quan quản lý nhà nước và hơn 30 quan chức ngân hàng Trung Quốc, từ đó xác định tình trạng lừa đảo tài sản thế chấp - bao gồm nhà cửa đất đai, sắt thép và đồng nhôm - đang ám ảnh hoạt động tín dụng của hàng loạt doanh nghiệp. Các quan chức ngân hàng được Reuters phỏng vấn nói rằng người vay nợ sử dụng rất nhiều thủ đoạn lừa đảo, kể cả làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc biên nhận gửi hàng của các nhà kho không có thật. Nhìn chung, 23 trong số 30 quan chức ngân hàng được Reuters phỏng vấn cho rằng sự tồn tại của tài sản thế chấp “ma” là một vấn đề nghiêm trọng và dự báo có thêm nhiều trường hợp sẽ nổi lên khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Các quan chức này đến từ 13 ngân hàng Trung Quốc, trong đó có những ngân hàng lớn nhất nước.

Không có số liệu thống kê chính thức về vấn đề này. Nhưng bà Violet Ho, Giám đốc điều hành cấp cao về thực hành điều tra và tranh chấp ở Trung Hoa lục địa của Kroll - chuyên các vụ điều tra doanh nghiệp ở Trung Quốc - cho rằng lừa đảo tài sản thế chấp là “vấn đề rất lớn”.

Ngay cả khi ngân hàng tìm tới sự phân xử của tòa án, không có gì bảo đảm họ sẽ thu hồi được số tiền đã cho vay. Những bất cập về pháp lý liên quan tới tài sản thế chấp và sự phức tạp trong giao dịch kinh doanh của nhiều công ty vay nợ khiến cho các ngân hàng khó mà tiến hành “xiết nợ” khi người vay phá sản.

Không khó để lừa gạt các cán bộ ngân hàng và các luật sư khi họ đến kiểm tra thực tế tài sản thế chấp ở các nhà kho. Các kho này thường chứa hàng trăm kiện sắt thép đồng nhôm mà một kiểm soát viên không có chuyên môn khó mà xác định được lô hàng nào là tài sản bảo đảm cho món vay mà ngân hàng của họ đã duyệt.

* * *

Ngay cả tài sản thế chấp là bất động sản cũng có rủi ro. Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings từng lưu ý rằng, việc thẩm định giá trị bất động sản “sai lệch kinh khủng” là một nguyên nhân tại sao tài sản thế chấp có giá trị lớn trên sổ sách cũng không bảo vệ được các ngân hàng. Theo bà Grace Wu của Fitch, hơn 60% các khoản vay ở Trung Quốc sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp nhưng sự lao dốc đột ngột của thị trường nhà đất là nguy cơ lớn mà các ngân hàng phải đối mặt.

Trung Quốc không có một hệ thống đăng ký bất động sản toàn quốc công khai và nhất quán như ở các nước phát triển và đó là kẽ hở làm gia tăng các vụ lừa đảo bằng thế chấp tài sản “ma” hoặc dùng một bất động sản bảo đảm cho nhiều khoản vay. “Hoàn toàn thiếu vắng sự minh bạch thông tin”, bà Violet Ho của Kroll cho biết và lưu ý rằng ở Mỹ, người mua nhà dễ dàng xác định ai là người chủ thật sự của ngôi nhà nhờ vào một hệ thống đăng ký bất động sản công khai trên toàn quốc. “Bạn không thể làm chuyện đó ở Trung Quốc. Không có cách nào để xác thực thông tin nên người cho vay chỉ còn biết tin vào lời khai của khách hàng”, bà Ho nói thêm.

Tuy vậy, không phải lúc nào ngân hàng cũng là nạn nhân hoặc bị khách hàng lường gạt mà nhiều khi chính cán bộ ngân hàng đã tiếp tay cho những kẻ lừa đảo. Nhiều quan chức ngân hàng xác nhận tình trạng “lại quả” là rất phổ biến, trong đó cán bộ tín dụng của ngân hàng nhận tiền để làm ngơ trước phẩm chất kém cỏi của tài sản thế chấp, hoặc chấp nhận những tài liệu không rõ ràng, đáng ngờ, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Hai trong số 30 quan chức ngân hàng được Reuters phỏng vấn cũng thừa nhận họ từng nhận hối lộ để duyệt các khoản cho vay!

Năm 2015, một quan chức cao cấp là Yang Kun, Phó chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ 30 triệu nhân dân tệ liên quan đến các khoản cho vay của ngân hàng này. Một tòa án Thượng Hải năm 2015 kết án một doanh nhân 37 tuổi, tên là Lou Zhenshen, chủ một công ty thương mại, vì tội hối lộ cho một giám đốc chi nhánh của Ngân hàng CITIC khoản tiền mặt 50.000 nhân dân tệ và phiếu mua hàng siêu thị trị giá 10.000 nhân dân tệ. Theo cáo trạng, ông Lou đã dùng biên nhận gửi hàng vào kho giả mạo để vay vốn và dùng một tài sản thế chấp để vay vốn nhiều nơi. Ông Lou cũng bị cáo buộc đã hối lộ 200.000 nhân dân tệ cho một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Minsheng Trung Quốc. “Hối lộ, đưa tiền lại quả để được vay vốn là thông lệ ở Trung Quốc”, Giáo sư Gary Tian, Đại học Macquarie ở Sydney, Úc, nghiên cứu về tham nhũng và tín dụng ngân hàng ở Trung Quốc, nhận xét.

Hiện kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức chậm nhất trong hơn phần tư thế kỷ qua, tình trạng phá sản tăng nhanh và nhiều người vay tiền bị vỡ nợ. Các nhà kinh tế nhận xét, nguy cơ tài sản thế chấp “bốc hơi” hoặc lừa đảo sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc, gia tăng rủi ro về hỗn loạn tài chính. Giáo sư Xin Qingquan, khoa kế toán Đại học Trùng Khánh, nói rằng khi kinh tế chậm lại, ngân hàng sẽ gặp nhiều tình huống bi đát hơn.

Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đang cố gắng kiểm soát các hành vi sai trái của nhân viên ngân hàng, kể cả việc kiểm tra các khoản thu nhập “lậu” mà nhân viên ngân hàng nhận để phê duyệt các khoản vay. Gần đây, CBRC đã ban hành danh sách các quy định mới, có hiệu lực từ cuối năm nay, nhằm cải tiến việc giám sát hoạt động ngân hàng. Một số quan chức ngân hàng Trung Quốc nói rằng, động thái mới của CBRC có thể làm giảm việc người vay hối lộ cho quan chức ngân hàng, song một số người khác không tin rằng biện pháp mới sẽ có tác động sâu rộng vì quy định của CBRC vẫn dựa lên việc các ngân hàng tự giám sát và báo cáo hành vi sai trái lên cơ quan quản lý mà thiếu một cơ chế kiểm soát khách quan và hữu hiệu.

(Theo Reuters)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/161385/trung-quoc-tai-san-the-chap-ma-va-rui-ro-tin-dung.html/