Trung Quốc tìm kiếm chiến lược mới với ASEAN

Khi Trung Quốc kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước, họ cũng đồng thời suy nghĩ nghiêm túc về những chiến lược mới với ASEAN.

Khi Trung Quốc kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước, họ cũng đồng thời suy nghĩ nghiêm túc về những chiến lược mới với ASEAN nhằm ứng phó với bối cảnh chính trị khu vực năng động hơn, rõ nét hơn, vốn gồm cả những bất đồng ở Biển Đông và quần đảo Trường Sa cũng như việc mở cửa Tiểu vùng sông Mekong. Vào thời điểm này, Trung Quốc không còn đối thủ trong việc tiếp cận với khu vực. Gần đây, mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc không phải như người ta vẫn nghĩ, trong sâu thẳm, đã có những dấu hiệu cảnh giác và tự mãn. Trong khi cả hai bên vẫn trân trọng tình hữu nghị - vốn khó khăn mới gây dựng được, và những thỏa thuận chú trọng tới kinh tế thì những yếu tố để duy trì một quan hệ sâu sắc giữa hai phía đã hoàn toàn biến mất trong những ngày gần đây. Tệ hơn nữa, đã có một xu hướng mới trong việc bác bỏ một cách hiếu chiến, nhấn mạnh tới chủ quyền và chủ nghĩa dân tộc khi nói tới những tuyên bố về tranh chấp trên Biển Đông. Các bên đã quên họ từng cam kết tự kiềm chế. Sau lần đầu tiên Bắc Kinh dự cuộc họp của ASEAN tại Kuala Lumpur năm 1991, quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã có những tiến triển với tốc độ chưa từng có. Có một thời gian tạm lắng vào năm 1995 khi Trung Quốc và ASEAN bất đồng về Đá Vành Khăn vào tháng 3/1995, dẫn tới việc ASEAN ra tuyên bố chung đầu tiên lên án Trung Quốc. Một cuộc họp dàn xếp sau đó một tháng ở Huangzhan, Hàng Châu đã cho phép Bắc Kinh xem xét lại toàn bộ chính sách ngoại giao và có những đánh giá thực tế về ASEAN bằng cách thừa nhận sức mạnh tập thể và vai trò mở rộng của khu vực. Nói theo nghĩa đen thì sau cuộc gặp, Bắc Kinh ngừng coi ASEAN là một ông kẹ của Mỹ. Kể từ đó, Trung Quốc chịu khó xây dựng lòng tin với ASEAN, và việc này nhanh chóng dẫn tới những sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên. Bắc Kinh công khai tuyên bố và nồng nhiệt ủng hộ các ý tưởng cũng như nỗ lực của ASEAN trong và ngoài khu vực. Trung Quốc là đối tác đối thoại đầu tiên tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào năm 2003 đồng thời đề xuất ký hiệp ước thương mại tự do với ASEAN - bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2010. Hơn nữa, các khoản đầu tư và thương mại của Trung Quốc vào ASEAN đã trở thành động cơ phát triển lớn với khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 8 vào ASEAN và là thị trường lớn thứ 4 của khối này. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cũng đã mở rộng vai trò của Trung Quốc ở trong vùng. Những gói kích thích khổng lồ của Trung Quốc đã giúp ích cho các hoạt động kinh tế của ASEAN. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính của Bắc Kinh cho Ý tưởng Đa phương hóa ở Chiang Mai (Thái Lan), cùng với Nhật và Hàn Quốc đã giúp xúc tiến kế hoạch. Vào tháng 8, Quỹ đầu tư Trung Quốc-ASEAN về hợp tác đầu tư do Bắc Kinh thành lập để hỗ trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng, đã giải ngân 10 tỷ USD trong khoản tín dụng lâu dài trị giá 15 tỷ USD dành cho các nước thành viên ASEAN trong vòng từ 3 đến 5 năm. Sau nhiều tháng trì hoãn, tại hội nghị thượng đỉnh Cha-Am vào cuối tuần này, hai bên sẽ ký một biên bản ghi nhớ chung để lập trung tâm ASEAN-Trung Quốc tại Bắc Kinh. Sự hợp tác và những cam kết rõ ràng được dùng như một chuẩn mực cho sự thân tình của Trung Quốc với ASEAN - chủ đề ghen tị của các đối tác đối thoại khác. Những năm sắp tới nên là thời gian tốt đẹp nhất trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là, mối thân tình sẽ không áp dụng được cho trường hợp này khi một số quốc gia ASEAN còn nhiều việc phải giải quyết với Trung Quốc. Từ năm 1995 trở đi, ASEAN và Trung Quốc cùng tồn tại hòa bình bằng việc đặt những bất đồng gây tranh cãi về Biển Đông thành vấn đề thứ yếu. Tháng 11/2002, sau gần một thập niên nỗ lực, hai bên đã ký một tài liệu quan trọng: Tuyên bố của các bên liên quan về Biển Đông, gồm những chỉ dẫn đối với tuyên bố về khu vực tranh chấp. Trong tuyên bố, hai bên cam kết tăng cường hợp tác và tìm ra các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, có cả bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn tội ác xuyên biên giới, thúc đẩy giao tiếp và di chuyển an toàn trên biển ở những vùng tranh chấp. Đã 7 năm trôi qua, không có tiến bộ nào đạt được như các quy định được ghi trong tuyên bố. Do đó không phải là một văn bản mang tính ràng buộc về pháp lý, sẽ rất khó để bất kỳ bên nào tham gia ký kết nêu vấn đề. ASEAN, vốn đã nản lòng với thái độ của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, tới giờ vẫn giữ im lặng. Các nỗ lực làm mới trong 4 năm qua để đưa tuyên bố thành bộ luật ứng xử đều không thành công. Tuy nhiên, các thỏa thuận song phương về khai thác giữa Trung Quốc và một số nước tuyên bố chủ quyền như Philippines, Việt Nam và Malaysia vẫn nở rộ. Song, trục trặc đã xảy ra khi ASEAN và Trung Quốc bắt đầu hiện thực hóa và ưu tiên cho các hoạt động hợp tác bằng cách đưa ra những chỉ dẫn chung cho vùng lãnh hải giàu tài nguyên. Trung Quốc đề xuất rằng trước bất kỳ một cuộc họp ASEAN - Trung Quốc nào về Biển Đông, cần có những cuộc họp riêng giữa 4 nước ASEAN tuyên bố chủ quyền là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines và tiếp sau là những nước không có đòi hỏi gì. Sau đó, 10 nước thành viên ASEAN sẽ họp với Trung Quốc. ASEAN đã phản đối kế hoạch này. Sự bất đồng này đã ngăn cản bất cứ sự hợp tác nào trong tương lai. Một số nhà ngoại giao ASEAN đóng tại Bangkok cho rằng lập trường kiên quyết của Trung Quốc cho thấy thái độ cứng rắn của quốc gia này với ASEAN. Về phía các thành viên ASEAN, đặc biệt là những nước tuyên bố chủ quyền đã trở nên thực tế hơn. Đề xuất tiến hành một cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng ASEAN - Trung Quốc theo đề nghị của Bắc Kinh chỉ nhận được sự hưởng ứng lạnh nhạt, dù đã được Chủ tịch ASEAN phê chuẩn. Trong thời gian Thái Lan làm Chủ tịch ASEAN, bất đồng về Biển Đông không phải là trọng tâm trong chương trình nghị sự của ASEAN. Tuy nhiên, khi Chủ tịch ASEAN mới lên nắm quyền - Việt Nam, trong 73 ngày nữa, bất đồng tiếp diễn này sẽ được nêu lên và dẫn tới sự đa phương hóa. Trong nội bộ ASEAN, Hà Nội sẽ đưa bất đồng vào chương trình nghị sự tại hội nghị ASEAN tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, diễn ra lần lượt vào tháng 4 vào tháng 10 năm 2010. Bắc Kinh đã học được những bài học quý giá từ mối quan hệ với ASEAN rằng bất đồng về lãnh hải sẽ đặt cả khối này thành một tổng thể chống lại Trung Quốc, như vụ bãi Đá Vành Khăn. Giải quyết bất đồng vùng duyên hải khu vực là rất khó do thiếu đường ranh giới cố định và các bên thường xuyên đe dọa dùng vũ lực. Điều này giải thích lý do tại sao Bắc Kinh ngày càng chú ý nhiều hơn tới những nước không tuyên bố gì. Sự giá lạnh trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc xảy ra khi sự phát triển khu vực tiếp tục nêu bật vai trò cá thể của những nước lớn. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt trong cuộc xung đột Biển Đông, khủng hoảng Myanmar và tiểu vùng sông Mekong. Bất kỳ một cuộc xung đột nào ở trên biển đều không phải là điềm hay với vai trò quốc tế đang lên và sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Tiểu vùng sông Mekong, luôn nằm dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc, hiện đã mở cửa và sớm trở thành một khu vực mới của những cuộc ganh đua. Vào tháng 8 trong cuộc hội đàm cấp bộ trưởng Mỹ - Hạ lưu sông Mekong, Mỹ bất ngờ nêu sáng kiến liên kết sông Mississippi và Mekong cho việc hợp tác trong tương lai để với quản lý nguồn nước. Những sự hợp tác bất thường như vậy thường khiến Trung Quốc nghi ngờ và nước này coi rằng Mỹ đang muốn thâm nhập nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của họ với tiểu vùng sông Mekong. Bắc Kinh hiểu rõ rằng chiến lược mới với ASEAN sẽ gồm nhiều tầng và phải vượt qua địa hạt kinh tế đơn thuần mà không có lỗ đen ở Biển Đông. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ phải cân nhắc các cường quốc lớn khác, đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia, đồng thời cân nhắc cả tính sẵn sàng hội nhập của họ với ASEAN trên cùng một sân chơi bình đẳng mà TQ đã tham gia - với điều kiện không có bất kỳ "viên sỏi nào trong giày của họ". Hoài Linh (Theo Nation)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/200910/Trung-Quoc-tim-kiem-chien-luoc-moi-voi-ASEAN-874712/