Trung Quốc: 'Trò chơi vương quyền' trước thềm đại hội

(Kiến Thức) - Khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo ĐCS Trung Quốc vào cuối năm 2012, ông có ít đồng minh đáng tin cậy hoặc các trợ lý trung thành ở bên cạnh.

Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc là do các vị lãnh đạo hoặc ban lãnh đạo tiền nhiệm lựa chọn, với nhiều ủy viên trung ương giữ các vị trí quan trọng trong đảng và chính phủ.

Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ảnh: Huffington Post

Thế nhưng, chỉ sau 5 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thời thế đã thay đổi chóng mặt.

Thông qua các đợt cải tổ và cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài loại bỏ 200 quan chức cao cấp, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã thành công trong việc đưa các cộng sự trung thành của mình hoặc của các đồng minh thân cận vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền trung ương và cấp tỉnh cũng như các cơ quan quyền lực của ĐCS Trung Quốc. Nhiều người hiện đang ngấp nghé vào Ban chấp hành Trung ương và một số có thể vào Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc.

Giáo sư Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) của Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Thượng Hải, nói: "Đại hội Đảng lần thứ 19 sắp tới sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của những người thân tín của ông Tập. Chiến dịch chống tham nhũng đã khiến cho nhiều vị trí bỏ trống để các cộng sự trung thành với ông Tập lấp đầy, ngoài những vị trí mà các quan chức nghỉ hưu để lại”.

Quan chức cấp cao bị mất chức đây nhất là Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) , người từng được coi là nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo. Chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh của ông Tôn đã rơi vào tay ông Trần Mẫn Nhĩ, một cộng sự thân tín của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Ông Tôn Chính Tài đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng" và có thể sẽ mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị.

Kể từ đầu năm ngoái, 8 bộ và 4 cơ quan ngang bộ trực thuộc Quốc vụ viện (chính phủ Trung Quốc) đã có thủ trưởng mới, trong khi CCDI và 4 cơ quan trực thuộc BCH Trung ương có thêm ít nhất một cấp phó mới.

Ở cấp địa phương, 23 trong 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đại lục có các lãnh đạo đảng mới và 24 khu vực cấp tỉnh có tỉnh trưởng hoặc thị trưởng mới.

Hầu hết những người được bổ nhiệm vào 67 vị trí nói trên có nhiều khả năng được bầu vào BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc.

Trong số những người được thăng chức, có 15 người từng làm việc với ông Tập Cận Bình trong thời gian ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải hoặc Trường đảng Trung ương, trong khi 14 người khác từng làm việc với các đồng minh thân cận của ông Tập.

Hai nhân vật có triển vọng nhất là Trần Mẫn Nhĩ và Thái Ký (cố vấn của TBT Tập Cận Bình), người vừa được đề bạt làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh hồi tháng 5/2017, chỉ 7 tháng sau khi được bổ nhiệm là Thị trưởng thủ đô Trung Quốc. Ông Thái Ký đã làm việc dưới quyền Tập Cận Bình gần 17 năm, kể từ thời gian ở Phúc Kiến. Cả hai nhân vật nói trên đều gần như chắc chắn lọt vào Bộ Chính trị và một số nhà phân tích còn cho rằng Trần Mẫn Nhĩ thậm chí còn lọt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCS Trung Quốc.

Các cộng sự thân tín khác của ông Tập Cận Bình từng giữ vị trí lãnh đạo tỉnh trên khắp Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải, Giang Tô, Sơn Tây, Giang Tây, Hồ Nam, Vân Nam và tỉnh Hải Nam.

Kinh nghiệm lãnh đạo cấp tỉnh được đánh giá cao trong đảng và là một bàn đạp để vào BCH Trung ương. Nhà phân tích Cheng Li, giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Brookings, cho biết 76% trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đã từng là lãnh đạo tỉnh.

Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở London, cho biết việc kiểm soát các lãnh đạo tỉnh có thể giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các chính sách cải cách.

Rất nhiều cải cách kinh tế do chính quyền trung ương của ông Tập đã vấp phải thái độ ù lì hoặc thậm chí phản kháng ở cấp địa phương, nơi các quan chức và các nhóm lợi ích cố gắng bảo vệ đặc quyền đặc lợi của họ.

Giáo sư Steve Tsang nói: "Ông Tập có ý định để lại dấu ấn của mình và do đó tiến hành thay đổi thực sự. Nhưng ông ấy không thể làm điều đó bằng cách giành quyền kiểm soát ở BCH trung ương đảng hay chính quyền trung ương. Để thực hiện cải cách của mình, ông cần những người ủng hộ tại các địa phương, đặc biệt là những lãnh đạo chủ chốt”.

Ngoài các tỉnh, các cộng sự thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng được thăng cấp làm lãnh đạo lên các cơ quan nội các then chốt về kinh tế, thương mại, tư pháp, giáo dục và internet.

Trong một cuộc cải tổ vào cuối tháng 2, ông Hà Lập Phong (He Lifeng), một cộng sự thân tín của ông Tập trong suốt thời gian ông này công tác ở Phúc Kiến từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 2000, được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước – cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng bằng cách đưa một cộng sự thân tín đứng đầu ủy ban này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thắt chặt sự kiểm soát của mình đối với chính sách kinh tế, một lĩnh vực có truyền thống thuộc về Thủ tướng Quốc vụ viện.

Học giả Steve Tsang nhận định giống như những người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, ông Tập Cận Bình đã đặt các đồng minh và những người được ông đỡ đầu vào các vị trí chủ chốt để đảm bảo có được sự hỗ trợ tối đa trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.

Minh Châu (Theo SCMP)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/trung-quoc-tro-choi-vuong-quyen-truoc-them-dai-hoi-914223.html