Trung Quốc trước sự giàu có đang tập trung trong tay một nhóm người

(Toquoc) – Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại gay gắt trên con đường hướng tới phân phối thu nhập, cải thiện an sinh, bảo đảm công bằng xã hội.

Sự mở rộng nhanh chóng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, sự chênh lệch chất lượng cuộc sống cũng như thu nhập giữa nông thôn - thành thị là một trong những mâu thuẫn gay gắt nhất của thời đại chúng ta. Nó không chỉ diễn ra ở những nước đang phát triển, mà cả những nước đã phát triển, cũng như những nền kinh tế mới nổi. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng buộc phải công khai thừa nhận thực trạng này. Thị trường vốn là chiến trường, có rất ít chỗ cho “gương mặt người”. Bữa ăn trưa 5.000 VNĐ cho mỗi người làm công ở một số xí nghiệp ở Việt Nam với thực phẩm kém chất lượng, hay mức lương 1,2-1,5 triệu VNĐ/công nhân không đủ trang trải chi phí cuộc sống ở thành phố gần đây được báo chí nước ta đề cập nhiều là ví dụ cho thấy một phần những bất cập trong sự vận động xã hội nước ta hiện nay. Nông dân Trung Quốc Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bùng phát tháng 9/2008 làm nổi bật vai trò nhà nước điều tiết và tái phân phối thu nhập xã hội để làm dịu vết thương của tầng lớp cần lao. Trong vòng ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu vĩ đại trong phát triển và chấn hưng đất nước, nâng cao mức sống của 1,3 tỷ người, chiếm ¼ nhân loại. Đó là điều phi thường và hiếm có. Tuy vậy, khẩu hiệu “làm giàu là vinh quang” và “phát triển bằng mọi giá” cũng có mặt trái của nó. Một bài phóng sự trên báo Pháp Le Monde có tựa đề “Bắc Kinh giàu có, Bắc Kinh nghèo khổ” minh họa cho điều mà giới truyền thông Trung Quốc đề cập trong những ngày vừa qua: chưa bao giờ, từ ngày cải cách kinh tế, sự chênh lệch giàu và nghèo, thành thị và nông thôn ở Trung Quốc lại lớn như thế. Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XI, ngày 5/3/2010, thẳng thắn thừa nhận “trong phát triển kinh tế-xã hội vẫn tồn tại một số mâu thuẫn và vấn đề nổi cộm… Áp lực việc làm tiếp tục tăng; nền tảng nông nghiệp và tăng thu nhập bền vững cho nông dân vẫn chưa vững chắc; … những vấn đề nổi cộm trong y tế, giáo dục, nhà ở, phân phối thu nhập, quản lý xã hội đang bức xúc cần giải quyết… Cần giữ gìn công bằng chính nghĩa, để toàn thể nhân dân được chia sẻ thành quả của cải cách và phát triển”. Báo Thời báo Thượng Hải gần đây bình luận, khoảng cách thu nhập ngày càng bị nới rộng đe dọa ổn định xã hội và cản trở chi tiêu dùng. Ngày càng có nhiều phàn nàn cho rằng mức tăng thu nhập bình quân chậm hơn nhiều so với mức tăng doanh thu tài chính công cũng như mức tăng chi phí sinh hoạt và sự giàu có đang tập trung trong tay một nhóm người. Chẳng hạn, một thư ký làm việc ở một doanh nghiệp nhỏ có thu nhập dưới 40.000 NDT (860 USD) mỗi năm, trong khi công việc tương tự tại một công ty thuộc một ngành độc quyền sẽ có mức lương cao gấp ba lần. Số phận của những lao động nhập cư càng làm nổi rõ tình trạng bất công xã hội. Do không có hộ khẩu, khoảng 230 triệu lao động nhập cư tại Trung Quốc hiện nay không được hưởng các dịch vụ xã hội, con cái của họ không được đi học và khi nhà đất bị trưng thu thì họ không được đền bù gì cả. 13 tờ báo chính thức của Trung Quốc mới đây đã đăng chung một bài xã luận kêu gọi chính phủ bãi bỏ chế độ hộ khẩu. Nhưng lãnh đạo các thành phố không ủng hộ chủ trương này do quan ngại số người đổ vào thành phố tăng sẽ gây bất ổn cho các dịch vụ xã hội, vốn đã quá tải và không có lợi cho sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - tiêu chí đánh giá thành tích công tác của lãnh đạo địa phương. Một vấn nạn khác là hạ nhiệt thị trường bất động sản không dễ dàng được giải quyết do các nhóm đặc quyền đặc lợi. Khu vực nhà cửa giống như “con ngỗng đẻ trứng vàng”. Khi một căn hộ trị giá hàng triệu NDT được bán, chính quyền địa phương có thể thu được 300.000 NDT tiền thuế và các loại phí khác. Lợi nhuận bán đất thậm chí còn nhiều hơn; những năm gần đây, các thành phố lớn đã bán đất với số tiền là 100 tỷ NDT mỗi năm. Mức thu nhập cao chót vót ở các ngành độc quyền như viễn thông, năng lượng đào sâu thêm khoảng cách thu nhập, gây khó khăn hơn cho vấn đề công bằng xã hội. Một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng điều quan trọng là phá bỏ những lĩnh vực độc quyền, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia; khi các bên khác nhau có cùng cơ hội cạnh tranh, khoảng cách thu nhập giữa khu vực độc quyền với các ngành khác có thể được thu hẹp. Người dân thành thị Trung Quốc có mức thu nhập gấp 3,33 lần nông dân Mức thu nhập của người dân thành thị Trung Quốc hiện nay cao gấp 3,33 lần so với thu nhập của vùng nông thôn, nơi sinh sống của 900 triệu người. Tỷ lệ này là 1,82 lần vào năm 1983. Thu nhập bình quân đầu người ở thành thị năm 2009 là 17.175 Nhân dân tệ (2.500 USD), trong khi nông thôn, chỉ là 5.153 NDT. Đây là mức chênh lệch lớn nhất kể từ khi Trung Quốc tiến hành mở cửa kinh tế ba thập kỷ trước. Trải qua 30 năm cải cách mở cửa, nông thôn Trung Quốc đã đứng trên một khởi điểm mới, đạt được những đột phá quan trọng. Nhiều chính sách được áp dụng như bỏ thuế nông nghiệp, giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân, thúc đẩy đi sâu cải cách tổ chức chính quyền cơ sở, xúc tiến cải cách thể chế quản lý giáo dục nông thôn, nhà nước thực hiện bước ngoặt lớn từ “thu” đến “cho” đối với nông dân… Trong thời gian khủng hoảng kinh tế vừa rồi, chính quyền trung ương trợ cấp 45 tỷ NDT cho người dân nông thôn trong việc mua sắm đồ điện gia dụng, xe ô tô, xe máy, mua sắm máy móc nông nghiệp… Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 1/3 vừa rồi cho biết chính phủ trung ương sẽ phân bổ 28,6 tỉ NDT để hỗ trợ nông dân, trong đó 18,6 tỉ NDT được dành để trợ giá cho nông dân tại các khu vực trồng gạo, ngô và bông, 10 tỉ NDT còn lại được dành để hỗ trợ nông dân mua máy móc, nông cụ. Mục đích của gói hỗ trợ này là nhằm cải thiện sản xuất nông nghiệp và ổn định sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc. Cải cách nông nghiệp Trung Quốc bước vào giai đoạn then chốt, đòi hỏi phải giải quyết những mâu thuẫn mới. Phát triển nông nghiệp bước vào giai đoạn căng thẳng mới giữa cung và cầu, sự lệ thuộc vào tài nguyên và thị trường nước ngoài ngày càng cao. Cung ứng sức lao động nông thôn thiếu hụt mang tính kết cấu, thôn trang thiếu lao động, tuổi già nông thôn gia tăng. Khi Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển “lấy công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp, lấy thành thị lôi kéo nông thôn”, việc thiết lập chế độ bình đẳng giữa thành thị và nông thôn càng không dễ thực hiện. Quản lý xã hội chưa theo kịp kết cấu xã hội nông thôn đang thay đổi loại hình, khó khăn trong việc điều hòa lợi ích nhiều mặt của các bên. Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh nhiệm vụ của chính phủ là giải quyết khoảng cách giàu - nghèo, nông thôn - thành thị, trong đó có vấn đề bức xúc đăng ký hộ khẩu cho người lao động nhập cư. Sống tại một nước có nền kinh tế trên đường "trỗi dậy" như Việt Nam, chúng ta hiểu rằng muốn phân chia phần bánh lớn, phải làm ra cái bánh lớn đã. Trung Quốc đang hối hả làm ra cái bánh lớn. Bây giờ nước bạn ở vào giai đoạn phân chia cái bánh sao cho công bằng nhất có thể được. Đó vừa là quá trrình nhận thức, vừa là đời sống thực tiễn, mà ở đó lợi ích các tập đoàn, các giai tầng xã hội đan xen và cọ xát dữ dội. Đối với một đất nước có dân số bằng 1/4 nhân loại, thật không dễ dàng gì! Cứ suy từ ta, một đất nước có 85 triệu dân thì thấy sự khó dễ, đúng sai./. Nguyễn Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/Trung-Quoc-Truoc-Su-Giau-Co-Dang-Tap-Trung-Trong-Tay-Mot-Nhom-Nguoi.html