Trung Quốc tự tin nắm được thực lực Mỹ

Trung Quốc ra báo cáo liên quan tới thực lực cũng như xu hướng triển khai sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tiếp tục rót tiền

Ngày 25/11, một viện nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc đã công bố “Báo cáo sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD). Báo cáo đã nêu chi tiết về lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực cũng như những hướng đi của cường quốc số một này. Đây được coi là báo cáo chuyên đề mang tính khởi xướng tại Trung Quốc.

Theo báo cáo, trong những năm qua, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở tuyến đầu và hoạt động quân sự ở châu Á-TBD. Dù chi tiêu quân sự tổng thể giảm đi, Mỹ lại gia tăng tỉ lệ chi tiêu quân sự ở khu vực châu Á-TBD, không ngừng mở rộng và hoàn thiện mạng lưới và triển khai quân sự ở khu vực này.

Đội hình do tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) của Mỹ dẫn đầu cùng các tàu chiến của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan

Năm 2013, Mỹ bắt đầu khởi động kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Dù ngân sách quốc phòng về tổng thể suy giảm nhưng Mỹ vẫn tăng cường đầu tư cho khu vực châu Á-TBD. Khi đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD, đầu tư vào các quốc gia mới nổi để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở khu vực này.

Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2017 của Mỹ lần đầu tiên liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chiến lược trên toàn cầu, yêu cầu ngân sách cho các hành động khẩn cấp ở nước ngoài tăng khoảng 5 tỷ USD so với năm tài khóa 2016, đồng thời tập trung tăng cường năng lực phòng vệ trên biển với các nước đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á.

Mỹ cũng lấy mối đe dọa Iran và Triều Tiên như là cái cớ để gấp rút triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-TBD.

Các biện pháp cụ thể rõ ràng được đề xuất trong bản ngân sách này bao gồm: Triển khai nhiều hơn nữa máy bay chiến đấu F-35 và tàu khu trục Aegis ở Nhật Bản, triển khai luân phiên máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon ở Singapore, thực hiện luân phiên quân đội Mỹ ở miền Bắc Australia, đưa lính thủy đánh bộ đến căn cứ ở Guam, tăng cường triển khai luân phiên ở Philippines…

Trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ 425 triệu USD cho “Sáng kiến an ninh trên biển Đông Nam Á” cũng như tiếp tục thực thi Chương trình bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi được luật quốc tế cho phép…

Gia cố sức mạnh

Mỹ hiện có hệ thống căn cứ quân sự trải khắp 5 châu lục, 4 đại dương ngoại trừ châu Nam Cực, phủ khắp hơn 50 quốc gia trên thế giới, với tổng số 587 căn cứ quân sự.

Theo báo cáo của Trung Quốc, 2 khu vực châu Á-TBD và Ấn Độ Dương có giá trị chiến lược hết sức quan trọng đối với Mỹ khi có tổng cộng 7 nhóm căn cứ quân sự ở 2 khu vực này, chiếm gần 50% tổng số căn cứ ở nước ngoài. Trong đó, tại Nhật Bản có 122 căn cứ và ở Hàn Quốc là 83 căn cứ.

Máy bay chiến đấu "chen chúc" trên boong tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ cùng các tàu chiến Nhật Bản

Căn cứ quân sự thường trực của Mỹ ở châu Á-TBD chia thành 5 nhóm khu vực có quy mô tương đối lớn: Nhóm căn cứ Đông Bắc Á gồm các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hợp thành; nhóm căn cứ Tây Nam Thái Bình Dương lấy Guam làm trung tâm; nhóm căn cứ Đông Nam Á, Australia lấy Philippines và Singapore làm trung tâm; nhóm căn cứ Hawaii lấy Hawaii làm trung tâm; nhóm căn cứ Alaska.

Trong đó, quân đội Mỹ đang tăng cường triển khai quân sự ở Okinawa và Guam, tìm cách biến nó thành đầu mối chiến lược cho sự hiện diện quân sự liên hợp của Mỹ ở châu Á-TBD.

Tuy quân đội Mỹ không thiết lập căn cứ vĩnh viễn ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, nhưng đã thông qua các phương thức như đồn trú luân phiên, chuyến thăm của tàu chiến và tập trận chung… để triển khai lực lượng quân sự.

Mỹ về cơ bản đã giành được quyền sử dụng căn cứ hải quân Changi của Singapore, trách nhiệm chủ yếu của căn cứ này là tiếp viện và bảo vệ cho Hạm đội 7.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trung-quoc-tu-tin-nam-duoc-thuc-luc-my-3324538/