Trung Quốc và mối lo 'thập niên mất mát'

Lo ngại sẽ đi theo vết xe đổ của Nhật Bản khi nước này trải qua 'thập niên mất mát' vào thập kỷ 1990 là lý do khiến Trung Quốc tăng cường kiểm soát các hoạt động thâu tóm tài sản nước ngoài của các công ty trong nước trong thời gian gần đây

Ông Lưu Hạc, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) kiêm Giám đốc Văn phòng tổng hợp của Tổ chỉ đạo các vấn đề kinh tế và tài chính Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Nguy cơ lặp lại thảm họa kinh tế của Nhật Bản

Hãng tin Bloomberg ngày 3-8 cho biết vào đầu năm nay, theo chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) kiêm Giám đốc Văn phòng tổng hợp của Tổ chỉ đạo các vấn đề kinh tế và tài chính Trung Quốc, đã thực hiện một báo cáo nghiên cứu nhằm đưa ra các chính sách giúp Trung Quốc tránh lặp lại thảm họa kinh tế của Nhật Bản vào thập niên 1990. Nhật Bản đã trải qua thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài suốt thập niên 1990, hay còn gọi là “thập niên mất mát” sau khi bong bóng tài sản vỡ tung vào những năm 1990-1991. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa thoát hẳn ra những hệ lụy từ “thập niên mất mát”.

Báo cáo của ông Lưu Hạc đề cập đến nhiều vấn đề từ Hiệp định Plaza giữa Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp nhằm giảm giá đồng đô la Mỹ so với đồng yen của Nhật và đồng mark của Đức bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối cho đến bong bóng bất động sản ở Nhật Bản và biến động nhân khẩu học khiến Nhật Bản trở thành nước có dân số già nhất ở châu Á.

Báo cáo cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ lặp lại kịch bản kinh tế của Nhật Bản vào thập niên 1980 khi nước này trở thành cỗ máy sản xuất của thế giới sau nhiều năm tăng trưởng cao ở mức gần con hai số. Vào lúc đó, các công ty Nhật Bản đã thâu tóm mọi thứ ở nước ngoài, từ câu lạc bộ golf Pebble Beach ở California cho đến hãng phim Columbia Pictures cũng ở California và Trung tâm thương mại Rockefeller ở New York. Báo cáo xem đây như là những sai lầm phải tránh lặp lại khi các công ty nắm giữ tiền tệ mạnh hơn so với đồng đô la Mỹ và có thể vay với chi phí thấp nhờ tài sản đất đai của họ được định giá cao.

Lo ngại về các khoản vay quá mức

Nguồn tin của Bloomberg cho biết nội dung cụ thể của báo cáo này không được công bố rộng rãi nhưng ít nhất, nó đưa ra một đề xuất quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang thực hiện: kiểm soát làn sóng thâu tóm tài sản toàn cầu của một số công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc nhảy lên mức kỷ lục 246 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Theo nguồn tin này, các lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận những vấn đề liên quan đến “thập niên mất mát” của Nhật Bản trong cuộc họp của Bộ ngày 26-4. Sau cuộc họp đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc rầm rộ đăng các bản tin dẫn lời của Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ổn định tài chính là vấn đề mấu chốt đối với tăng trưởng kinh tế.

Đến tháng 6-2017, truyền thông Trung Quốc đăng các bản tin chấn động cho biết Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) yêu cầu các ngân hàng phải cung cấp thông tin về các khoản vay phục vụ các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài của các tập đoàn tư nhân lớn của Trung Quốc bao gồm Dalian Wanda Group, Anbang Insurance Group, HNA Group, Fosun International và Zhejiang Luosen.

Sau đó, các cơ quan giám sát tài chính khác của Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các chỉ thị kiểm soát tình trạng cho vay quá mức, đầu tư chứng khoán và các sản phẩm quản lý tài sản (wealth-management products) có lãi suất cao.

Jim O'Neill, cựu Chủ tịch bộ phận quản lý tài sản của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc luôn luôn tìm cách tránh các sai lầm của nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. “Bạn sẽ thấy điều này trong nhiều nỗ lực liên tiếp nhằm ngăn chặn nguy cơ bong bóng bất động sản của Trung Quốc để giúp Trung Quốc không có kết cục sụp đổ bong bóng tài sản giống như kiểu của Nhật Bản. Có một số dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc không đầu tư theo cách thức hợp lý”.

Trao đổi với các phóng viên ngày 1-8, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Tiền Khắc Minh khuyến cáo các công ty Trung Quốc phải thận trọng trong hoạt động đầu tư ở nước ngoài trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, khách sạn và bất động sản.

Phát biểu này phản ánh mối lo ngại xung quanh việc các công ty tư nhân hàng đầu của Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động thâu tóm tài sản ở nước ngoài nhờ các khoản vay nhiều quá mức từ các ngân hàng nhà nước, gây đe dọa cho hệ thống tài chính Trung Quốc.

Giám sát chặt các khoản đầu tư ở nước noài

Ngoài việc ngăn chặn làn sóng đầu tư ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, báo cáo của ông Lưu Hạc cũng đề nghị xây dựng một đạo luật quốc gia mới nhằm nêu rõ những quy định về đầu tư tài sản ở nước ngoài.

Báo cáo đề xuất các cơ quan giám sát tài chính phải siết chặt giám sát các khoản đầu tư ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) để bảo đảm các rủi ro không bung vỡ. Báo cáo so sánh cách đầu tư ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc giống như các nhà đầu cơ nhỏ lẻ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng trên thị trường chứng khoán.

Báo cáo của ông Lưu Hạc ngay lập tức có hiệu ứng: hoạt động thâu tóm tài sản ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2017 đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù đang tìm cách giảm đòn bẩy tài chính trong nền kinh tế, Trung Quốc vẫn quyết tâm bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm này và đến năm 2020, nâng GDP và thu nhập đầu người ở Trung Quốc tăng gấp đôi so với năm 2010. Liệu Trung Quốc có thể vừa đạt được mục tiêu đó vừa kiểm soát rủi ro tài chính hay không còn là câu hỏi còn bỏ ngõ.

“Nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính rất quan trọng trong việc hạn chế nguy cơ căng thẳng tài chính hệ thống trong ngắn hạn. Nhưng điều chưa rõ là bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã thực sự chuẩn bị cho các hệ quả kinh tế dài hạn khi hệ thống tài chính tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều trong tương lai hay chưa”, Logan Wright, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc ở Công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Rhodium Group (Mỹ), nói.

Reuters đưa tin hôm 3-8, Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành các quy định hướng dẫn đầu tư ở nước ngoài áp dụng cho các công ty nhà nước Trung Quốc “nhằm củng cố quản lý tài chính ở các khoản đầu tư nước ngoài của các công ty nhà nước, ngăn ngừa các rủi ro tài chính và cải thiện tính hiệu của các khoản đầu tư ở nước ngoài”.
Tân Hoa xã cho biết các quy định này yêu cầu các công ty nhà nước Trung Quốc phải bổ nhiệm một người trong ban lãnh đạo chịu trách nhiệm quản lý tài chính của các khoản đầu tư ở nước ngoài. Các quy định cũng yêu cầu các công ty nhà nước thẩm định tính khả thi thương mại và rà soát tài chính của các tài sản nước ngoài trước khi ra các quyết định đầu tư.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163290/trung-quoc-va-moi-lo-thap-nien-mat-mat.html