Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VN bị 'xẻ thịt' thành showroom ô tô

Chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép nhưng trong khuôn viên của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đã mọc lên một nhà xưởng.

Chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép nhưng trong khuôn viên của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) có địa chỉ tại tổ 6 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã mọc lên một nhà xưởng có diện tích 1.800 m2.

Vụ việc đã khiến nhiều người dân bức xúc về vấn đề quản lý đô thị của cấp chính quyền cũng như việc quy hoạch, “xẻ thịt” kinh doanh của ban lãnh đạo Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

Chưa có giấy phép vẫn ngang nhiên xây dựng

Ngày 21/7/2017, Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm (Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội) đã lập biên bản tại hiện trường công trình nhà xưởng trong khuôn viên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có địa chỉ tại tổ dân phố số 6, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tờ trình lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam

Theo đó, công trình này đã xây dựng mà chưa được cấp phép từ cơ quan chức năng. Cụ thể, công trình đã dựng 22 cột khung sắt chữ I, 05 vỉ kèo sắt cao 8m trên diện tích 1.800 m2.

Biên bản cũng nêu rõ phải dừng toàn bộ quá trình xây dựng công trình không phép, đồng thời phải tự tháo dỡ những hạng mục, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn cho các công nhân xây dựng như bình thường.

Sau khi đã nhắc nhở và đôn đốc nhiều lần, ngày 22/7/2017, UBND phường Phú Đô đã ra văn bản đình chỉ việc xây dựng của công trình trên.

Như vậy, vì sao một công trình có thể ngang nhiên xây dựng gần hoàn thiện mới được các cấp chính quyền vào cuộc ? Vì sao một công trình không phép được xây dựng trên diện tích hàng ngàn m2 vẫn có thể qua mắt được lực lượng chức năng? Để làm rõ những vấn đề đang làm người dân tại phường Phú Đô nhức nhối, nhóm PV đã có buổi làm việc với Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

“Xẻ thịt” Trung tâm đào tạo để kinh doanh

Trả lời báo chí, ông Trương Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cho biết.

Hiện tại có việc xây dựng một công trình nhà xưởng trong khuôn viên cổng phụ của Trung tâm. Cụ thể, công trình được xây dựng do chủ đầu tư là Công ty TNHH dịch vụ và XNK Á Châu thực hiện.

Theo đó, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cho phép Công ty TNHH dịch vụ và XNK Á Châu xây dựng với mục đích kinh doanh (sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô).

Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp các văn bản hợp tác cũng như hợp đồng giữa hai bên thì Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam không cung cấp được.

Ông Tùng cũng cho biết thêm, việc sử dụng đất trong khuôn viên Trung tâm là tận dụng quỹ đất chưa sử dụng, khu vực xây dựng nhà xưởng trong vòng 5 năm nữa mới có dự án xây khách sạn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Trong tờ trình lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam mà ông Trương Hải Tùng cung cấp cho cơ quan báo chí cho biết thêm về việc hợp tác, cho thuê mặt bằng với Công ty TNHH dịch vụ và XNK Á Châu sẽ có giá trị 1,5 tỷ đồng/năm. Đồng thời, Trung tâm sẽ toàn quyền sử dụng số tiền này cho các mục đích duy trì hoạt động.

Nhà xưởng rộng 1.800 m2 dự tính sẽ được sử dụng làm Showroom ô tô.

Được biết, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam là một đơn vị đóng vai trò quan trọng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, trong việc đào tạo bóng đá trẻ, bóng đá nữ; là nơi luyện tập, thi đấu cho các đội tuyển bóng đá quốc gia và quốc tế. Thế nhưng hiện nay, một phần đất của Trung tâm đang bị “xẻ thịt” cho những hoạt động kinh doanh.

Hơn nữa trong các lĩnh vực về giấy tờ, hợp đồng, các biện pháp phòng cháy chữa cháy… chưa được đơn vị này thực hiện đầy đủ. Vì sao, một đơn vị doanh nghiệp có thể thực hiện một cách “thần tốc”, bỏ mặc luật pháp và hình ảnh của bóng đá Việt Nam? Liệu những hoạt động sau này của Công ty TNHH dịch vụ và XNK Á Châu có ảnh hưởng đến việc luyện tập của các cầu thủ, có ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo bóng đá Việt Nam?

Hiện nay dư luận đang bức xúc về màn thể hiện nhạt nhòa của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong kỳ Sea Games 29, trong khi đó Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, một đơn vị nòng cốt của thể thao nước nhà lại chuyển hướng sang kinh doanh mà không tập trung cho đào tạo bóng đá. Liệu niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam có nên tiếp tục đặt nơi các cầu thủ, nơi ban lãnh đạo?

PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Theo Môi trường và Đô thị Việt Nam

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/trung-tam-dao-tao-bong-da-tre-vn-bi-xe-thit-thanh-showroom-o-to-p53791.html