Trung tâm Kiểm định đạn dược T263: Nối dài tình yêu thầm lặng

'... Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ/ Suốt đêm ngày ta bế trên vai...'! Từ ngày đặt chân vào môi trường quân ngũ, chúng tôi rất thích bài hát 'Cô gái Sài Gòn đi tải đạn' của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, với những ca từ thật dễ thương. Và rồi, khi đến Trung tâm Kiểm định đạn dược T263, được chứng kiến công việc của những người chăm lo 'sức khỏe' cho vũ khí, đạn dược, chúng tôi thực sự cảm thấu...

Bên trong "bệnh viện" đạn dược

Trung tâm Kiểm định đạn dược T263 (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị kỹ thuật chiến lược cấp 1 của Bộ Quốc phòng, trực thuộc Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật. Chúng tôi đến Trung tâm vào dịp cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật của đơn vị đang ra sức thi đua chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Trung tâm và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Khác với những đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khung cảnh bên trong doanh trại Trung tâm khá trầm lắng, bởi đây là một đơn vị đặc thù. Sự đặc thù thể hiện ở tính chất nhiệm vụ rất thầm lặng nhưng cũng rất áp lực. Nhiệm vụ kiểm định vũ khí, đạn dược đòi hỏi phải thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học công phu, tỉ mỉ để có kết luận chính xác tuyệt đối về tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ số an toàn. Những phần việc quan trọng này đều được tiến hành trong các phòng thí nghiệm...

Hiểu được sự ngạc nhiên và tò mò của chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Kiểm định đạn dược T263 ví von rằng, Trung tâm giống như một “bệnh viện” và đội ngũ cán bộ, nhân viên là những người “thầy thuốc” chuyên kiểm tra, chăm lo “sức khỏe” cho vũ khí, đạn dược của các đơn vị Quân đội ở phía Nam. Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một đơn vị kiểm định ban đầu với cơ sở vật chất thiếu thốn, kỹ thuật còn mang tính thủ công; đến nay, Trung tâm đã có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đủ điều kiện thực hiện các phương pháp thí nghiệm theo các tiêu chuẩn khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Ngoài thí nghiệm kiểm định chất lượng thuốc phóng, Trung tâm còn kiểm định các loại thuốc nổ, ngòi nổ, bộ lửa, hỏa cụ, đo đạc thuật phóng...; kiểm định các loại phương tiện đo, các loại dưỡng kiểm tra súng pháo, khí tài, đạn dược; phục vụ sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ sản xuất; cải tiến, sửa chữa vũ khí, đạn dược của các đơn vị. Ngoài ra, Trung tâm còn đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận tải hàng hóa, tiếp nhận, quản lý, cấp phát xăng dầu, quân trang cho các đơn vị thuộc Cục Quân khí ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm định đạn dược T263 làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: VĂN MẠNH

Những năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm nghìn mẫu đạn dược, tiến hành kiểm định, phân loại, phát hiện các mẫu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, thông báo kịp thời cho các đơn vị; kiểm định hàng chục nghìn phương tiện đo kiểm, thiết bị kiểm tra kỹ thuật; vận chuyển khối lượng lớn đạn dược, xăng dầu, hàng hóa... bảo đảm an toàn tuyệt đối. Định kỳ, Trung tâm tổ chức các đoàn công tác cùng những trang thiết bị chuyên dụng, cơ động kiểm tra kỹ thuật, đo sơ tốc áp suất đạn pháo, đạn phản lực, đạn ĐKZ... cho các đơn vị, kho xưởng, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ sửa chữa kỹ thuật; tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, các hội đồng nghiệm thu sản phẩm quốc phòng...

“Hai ca, ba kíp" và tình yêu nghề nghiệp

Tính chất nhiệm vụ thầm lặng nhưng áp lực công việc thì rất lớn. Thường xuyên, liên tục hết ngày này qua tháng khác tiếp xúc với hóa chất, thuốc súng, ngòi nổ... trong những bộ đồ chuyên dụng đòi hỏi các “bác sĩ” của vũ khí, đạn dược phải có bản lĩnh thép, ý chí thép và đặc biệt là tình yêu nghề. Môi trường đặc thù ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình. Họ là những người say mê nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng để làm chủ các ứng dụng khoa học và trang thiết bị hiện đại. Trung tâm hiện có nhiều “cây sáng kiến” giàu tiềm năng, đã đoạt nhiều giải thưởng trong Quân đội. Thiếu tá QNCN Hồ Văn Thản, Tổ trưởng bảo quản mẫu là một ví dụ. Anh đã hai lần được nhận Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quân". Thiếu tá QNCN Trần Hải Đăng, nhân viên bảo quản mẫu cũng là một “cây sáng kiến” mới nổi. Liên tục những năm qua, anh và đồng đội đã cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao, trong đó cá nhân Thiếu tá QNCN Trần Hải Đăng được trao Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội...

Đại tá Nguyễn Minh Vượng, Chính trị viên Trung tâm Kiểm định đạn dược T263 rất hào hứng khi nói về tình yêu nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Vào thời kỳ cao điểm, mẫu kiểm định ở các đơn vị dồn về với số lượng lớn, Trung tâm phải làm việc “hai ca, ba kíp”, liên tục cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ. Những vất vả, khó khăn, áp lực... của nhiệm vụ thầm lặng này không phải lúc nào cũng có thể nói ra. Vì thế, tình yêu ấy còn là sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ từ gia đình, người thân, đồng chí, đồng nghiệp, cấp trên...

Chăm sóc “sức khỏe” cho vũ khí, đạn dược, họ đặt trọn niềm tin và tâm huyết vào chất lượng của mỗi sản phẩm được tiếp nhận, từ đó xử lý kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất... “Quả pháo ơi trên đường xa đi có mỏi/ Suốt đêm ngày có đói hay chăng...”! Đó là tình yêu nối dài từ truyền thống đến hiện tại và tương lai, bắt đầu từ mỗi công việc thầm lặng ở nơi không có sự ồn ào. Đó cũng là lý do để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ở đây, ai cũng yêu thích bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, bởi nó mang những thông điệp rất đặc thù và đáng yêu...

HÀ THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/trung-tam-kiem-dinh-dan-duoc-t263-noi-dai-tinh-yeu-tham-lang-776738