Trung tâm kiểm nghiệm, chứng nhận đa lĩnh vực đầu tiên ở phía Bắc

Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm nghiệm, chứng chứng nhận chất lượng VTNN và sản phẩm nông nghiệp đa lĩnh vực đầu tiên ở phía Bắc.

Để tăng cường công tác kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng vật tư và sản phẩm nông nghiệp (VTNN); giám sát tốt chất lượng hàng hóa; đồng thời đánh giá được thực chất các nguy cơ độc hại tiềm ẩn trong đất, nước, VTNN tạo ra nông sản không an toàn…, Trung tâm Kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và VTNN Vĩnh Phúc được thành lập. Đây là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm nghiệm, chứng chứng nhận chất lượng VTNN và sản phẩm nông nghiệp đa lĩnh vực đầu tiên ở phía Bắc.

Năng lực cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị

Bà Âu Thị Kim Phượng, GĐ Trung tâm Kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và VTNN (trước đây là Trung tâm Thổ nhưỡng nông hóa) cho biết, đây là đơn vị trực thuộc Sở NN- PTNT Vĩnh Phúc.

Hoạt động kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học tại Trung tâm

Trung tâm có chức năng: Theo dõi về độ dày, diễn biến độ phì nhiêu của tầng đất canh tác phục vụ SXNN, hướng dẫn các giải pháp sử dụng đất và phân bón có hiệu quả phục vụ SX nông, lâm nghiệp, thủy sản; Nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc bảo vệ, cải tạo, bồi dưỡng nâng cao độ phì của đất; Phân tích đất, nước nông nghiệp; Kiểm định, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, phân bón, TĂCN và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm đã được đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm với diện tích khu nhà thí nghiệm riêng biệt hơn 1.000 m2, được chia thành các phân khu thử nghiệm, tránh nhiễm chéo các phép thử: khu thử nghiệm hóa học; khu thử nghiệm giống cây trồng, khu thử nghiệm vi sinh vật.

Khu nhà thí nghiệm còn được đầu tư hệ thống xử lý khí thải, hệ thống xử lý nước thải phòng thí nghiệm, đảm bảo khí thải và nước thải phòng thí nghiệm trước khi thải ra môi trường đã được xử lý an toàn. Đây là vấn đề tồn tại, bức xúc của nhiều phòng thí nghiệm không được đầu tư đồng bộ, hoạt động phòng thí nghiệm gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Đặc biệt hệ thống thử nghiệm vi sinh vật được đầu tư cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp III: Được lắp đặt bằng hệ thống vách ngăn Panel không thấm nước, chịu nhiệt, chịu lực, chống cháy và chịu các loại hóa chất ăn mòn, dễ vệ sinh, đảm bảo điều kiện tiệt trùng; được lắp đặt hệ thống điều hòa AHU điều hòa không khí, có trang bị hệ thống lọc HePA H13, Hc14 lọc không khí đảm bảo không khí luôn trong sạch, tiệt trùng...

Ảnh: Văn Nguyễn

Nhờ có sự đầu tư căn bản về cơ sở vật chất, thiết bị và đào tạo, Phòng thử nghiệm đã được Văn phòng Công nhận chất lượng thuộc Bộ KH- CN cấp Chứng chỉ công nhận Phòng Thử nghiệm tiêu chuẩn Việt Nam (VILAS) theo chuẩn mực ISO/IEC 17025: 2005 cho 2 lĩnh vực hóa học và sinh học từ tháng 10/2011; Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp GCN đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm; Cục Trồng trọt chỉ định Phòng thử nghiệm phân tích đất, phân bón, kiểm nghiệm giống cây trồng, tổ chức chứng nhận hợp quy chất lượng giống cây trồng; Cục Chăn nuôi chỉ định Phòng thử nghiệm TĂCN.

Tổng số chỉ tiêu phân tích, kiểm nghiệm được công nhận, chỉ định là 94 chỉ tiêu. Trong đó: Phân tích mẫu đất: 11 chỉ tiêu, phân tích mẫu nước 9 chỉ tiêu; phân tích mẫu phân bón 17 chỉ tiêu; phân tích mẫu TAWCN 15 chỉ tiêu; mẫu thực phẩm 3; kiểm nghiệm giống cây trồng là 24 chỉ tiêu: phân tích mẫu vi sinh vật 15 chỉ tiêu.

Năng lực con người

Để vận hành hàng loạt các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc kiểm nghiệm, đánh giá đất và VTNN, Trung tâm rất chú trọng đến nhân lực.

Ảnh: Tân Yên

Trung tâm đã đào tạo được đội ngũ nhân viên phân tích Phòng Thử nghiệm có trình độ chuyên môn cao, đầy đủ các vị trí theo yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO/IEO 17025:2005, ISO 7457:2004; ISO/IEC GUIDE 65:1996; ISO/IEO 17065:2012. Tổng số nhân viên được đào tạo chuyên sâu có trình độ đại học là 16 người, gồm kỹ sư hóa, hóa phân tích, kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng, kỹ sư quản lý đất đai, kỹ sư trồng trọt, kỹ sư chăn nuôi, kỹ sư công nghệ sinh học.

Do được tuyển dụng trình độ đại học nên việc tiếp thu công nghệ kỹ thuật cao rất nhanh và hiệu quả. Trong thời gian ngắn đã được đào tạo tại các Viện, Phòng thử nghiệm chuyên ngành và được cấp các loại chứng chỉ (mỗi nhân viên có ít nhất từ 3 - 8 chứng chỉ về chuyên môn): Chuyên gia đánh giá trưởng; Người lấy mẫu (15 lượt người); Thử nghiệm viên (21 lượt người); Người kiểm định đồng ruộng (4 lượt người); Đào tạo quản lý phòng thí nghiệm (8 lượt người); Đào tạo hệ thống QLCL ISO/IEC 17025:2005; hệ thống QLCL TCVN ISO 7457: 2004, ISO/IEC GUIDE 65:1996 (22 lượt người).

Tay nghề nhân viên thử nghiệm còn được đánh giá thông qua thử nghiệm thành thạo liên phòng với các tổ chức uy tín như: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, Trung tâm kỹ thuật 3 TP.HCM...

Ông Nguyễn Tiến Phong , GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá, Trung tâm Kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và VTNN đã đáp ứng được việc kiểm soát đầu vào SXNN trên địa bàn tỉnh và quốc gia. Đã có khả năng cung cấp tốt dịch vụ công trong hoạt động phân tích thử nghiệm như: Phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón, mẫu TĂCN, kiểm nghiệm mẫu giống cây trồng; Đánh giá để loại bỏ được nguy cơ độc hại tiềm ẩn trong đất, trong VTNN, trong các sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm...

VN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/trung-tam-kiem-nghiem-chung-nhan-da-linh-vuc-dau-tien-o-phia-bac-post195946.html