Trung tâm Sài Gòn 60 năm trước

Nhiều khi ngồi suy nghĩ thơ thẩn chẳng biết bộ mặt sinh hoạt của khu trung tâm Sài Gòn khoảng 60 năm trước ra sao? Có gì khác và giống bây giờ?

Thời may, tìm đọc được một bài báo in trên tạp chí Thời Nay năm 1960 của Khánh Giang với tựa đề “Một buổi sáng Chủ nhật vòng quanh Sài Gòn”, xin được trích đoạn giới thiệu cùng bạn đọc để biết... Chút hoài niệm và vui vậy mà.

“Mới đi đến công trường Diên Hồng là tôi (Khánh Giang) đã thất vọng. Ở đây xe cộ nhiều quá nên mọi nơi đều có lối đi riêng cho người đi bộ. Nhưng hại một điều là những lối đi riêng này rất ít. Đứng từ nhà hàng Hòa Bình cạnh nhà ga xe lửa (khu Công viên 23/9 - LVN), tôi muốn băng qua “bồn binh” trước chợ và thẳng đến đường Lê Lợi nhưng không biết phải làm thế nào cho tiện và cho gần…”.

“Đến đầu đường Lê Lợi là một cảnh tượng hỗn độn vừa vui mắt hiện ra đủ sắc như trên màn ảnh “si cốp” nổi bật nhất là màu áo sặc sỡ của mấy cô, mấy cậu. Tôi không biết hồi trước loại áo dài hoa hòe sặc sỡ làm khổ con mắt của các bậc cha mẹ ra sao, chứ hiện nay thì nội thứ màu áo dài “nylon mousse” của mấy cô đủ làm khổ cho đôi mắt cận thị của tôi không ít”.

Sài Gòn ở phía gần Quốc hội (Nhà hát lớn bây giờ), nơi mà tác giả mô tả là có một dãy tiệm kem, tiệm giải khát...

“Đến góc nhà thuốc Nguyễn Văn Cao (góc Lê Lợi-Phan Bội Châu) là làn sóng người cuồn cuộn dọc theo lề đường. Có những bà mập hạng “boa lua” khệ nệ ôm cả gói đồ to hơn thân bồ liễu của bà, mỗi khi bước đến đâu tất cả đều nhường lối một cách cung kính. Có những chàng thanh niên “hào hoa phong nhã” vô tư đưa mắt nhìn thiên hạ. Có những thiếu nữ khép nép đi cạnh người yêu hoặc vui tươi yêu đời cười nói ríu rít. Cũng có những ông đứng tuổi mặt trầm ngâm, đi bách bộ chậm chạp như người thư thả nhứt trên đời. Dọc theo lề đường, các gian hàng “chợ trời” bán đủ loại vật dụng, từ những thứ hàng vải đắt tiền đến những thứ nhỏ nhặt nhứt như một bàn chải đánh răng hay vài viên long não. Tất nhiên với phong trào may mặc đang thạnh hành hiện nay, các gian hàng vải của người Ấn là bán đắt hàng nhất. Nhiều gian hàng vải cho đặt cả máy phóng thanh trước cửa và rót vào tai khách hàng những lời quảng cáo nặc mùi “sơn đông””.

“Qua khỏi các gian hàng bán vải thì đến các gian hàng sách. Quả thật thanh niên ta ngày nay ham đọc sách một cách kinh khủng. Vì chỉ cần thoáng nhìn qua một nhà sách chật hẹp nào đó, các bạn cũng thấy người ta chen lấn nhau đặc nghẹt trước các tủ sách xếp đặt bừa bãi, vô trật tự. Trên một cái bàn hẹp đặt giữa nhà, cả một đống sách nằm ngổn ngang. Có những cuốn triết học về thần tượng nằm la liệt với các loại sách hình trẻ con, những cuốn sách khảo cứu về văn học uyên thâm nằm chung với các loại thanh niên nam nữ cần biết…”.

“Đi lần về phía Quốc hội (Nhà hát lớn bây giờ), một dãy tiệm kem, tiệm giải khát đặc biệt và đông đúc không kém các hiệu giải khát ở Ba Lê. Người ta ngồi chụm năm, chụm ba quanh bàn vừa “đớp” bia vừa cắn đậu phộng bàn tán chuyện đời. Riêng các quán kem có âm nhạc là náo nhiệt hơn cả. Nơi đây đã trở thành nơi hẹn hò của giới nam thanh nữ tú Sài thành…”.

“Bên kia đường, rạp xi nê (rạp Vĩnh Lợi cũ, bây giờ không còn) cho máy phóng thanh bắn vào tai những bản nhạc chát chúa. Trước rạp là cả một rừng nào xe máy, xe gắn máy, Vespa chất san sát bên nhau. Nhìn đám xe này người ta cũng đoán được là trong rạp khán giả chen lấn ra sao, máy lạnh có chịu nổi với sức nóng nặc mùi mồ hôi của khán giả hay không?...”.

“Đến một ngõ quanh, quang cảnh trở nên vắng lặng hơn. Công chúng Sài Gòn hình như chỉ thích bách bộ có một bên đường Lê Lợi thôi. Dọc theo bức tường của bộ công chánh dưới tàn cây mát rượi, các hàng sách lộ thiên chưng bày ngay dưới đất đủ các loại sách. Từ những quyển Sélection lâu đời, những quyển tạp chí Pháp cũ nát đến những quyển truyện tiểu thuyết ối đọng trong các nhà sách và tuôn ra bán sôn, tất cả được sếp đặt ngay ngắn có phần hấp dẫn hơn các nhà sách lớn nhứt”.

Đó là một buổi sáng Chủ nhật của trung tâm Sài Gòn vào năm 1960 - người xưa đâu tá, chỉ còn những con chữ để hoài niệm!

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/trung-tam-sai-gon-60-nam-truoc-675116.html