Trung tâm thương mại đìu hiu, chợ vỉa hè đuổi vẫn 'bám'

Từ khi “lột xác” thành các trung tâm thương mại, chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Cửa Nam - vốn là những khu chợ nổi tiếng đông đúc sầm uất ở Hà Nội - bỗng chốc trở nên ế ẩm, vắng khách, thậm chí phải “chuyển đổi mục đích” sang cho thuê phòng đám cưới, hát karaoke... Mới đây, khi UBND TP.Hà Nội có chủ trương dẹp lòng, lề đường và buôn bán hàng rong, nhưng xu hướng bán - mua vẫn không hề thay đổi. Các chợ mới trong trung tâm thương mại vẫn “vắng như chùa Bà Đanh”.

Cảnh đìu hiu ở chợ Mơ.

Chợ mới đìu hiu, chợ tạm vỉa hè sôi động

Khảo sát của PV, khu vực chợ truyền thống nằm dưới tầng hầm TTTM Hàng Da rất vắng vẻ, thưa thớt. Các quầy hàng chỉ lác đác một vài người mua hàng. Vắng khách, chủ hàng ngồi túm tụm buôn chuyện, tán gẫu với nhau. Nhiều ki - ốt đến 11h vẫn đóng cửa im ỉm. "Các tiểu thương vẫn duy trì được gian hàng ở đây một phần đã có mối làm ăn với các nhà hàng từ trước hoặc đã quen với một số khách, bây giờ bảo chuyển đi cũng chẳng đi đâu, chuyển nghề cũng không biết làm gì khác đành duy trì việc bán hàng kiếm được đồng nào hay đồng đó", một tiểu thương bán quầy quần áo H.L tầng một chợ Hàng Da cho hay. Tương tự, tại chợ Mơ truyền thống nằm dưới tầng hầm Khu TTTM chợ Mơ cũng lác đác vài vị khách. Nhiều quầy hàng đã đóng cửa, treo biển bán hoặc cho thuê ki-ốt.

Anh Hiếu, tiểu thương buôn bán ở khu vực thực phẩm chợ Mơ cho biết, tình trạng vắng khách và các quầy hàng đóng cửa đã diễn ra nhiều năm qua. Từ khi vào kinh doanh trong chợ Mơ mới, quầy của anh chỉ hoạt động cầm chừng và đủ chi trả cho chi phí thuê mặt bằng (650.000 đồng/tháng), đóng thuế (200.000 đồng/tháng), tiền vệ sinh (200.000 đồng/tháng) và tiền điện nước, khoảng hơn 1.000.000 đồng/tháng.

Ông Phùng Mạnh Tuấn - Trưởng ban Quản lý chợ Mơ cho biết: “Từ khi chuyển về chợ Mơ mới vào năm 2014 đến nay đã có 535 điểm kinh doanh tạm ngừng hoạt động trên tổng số 1.129 điểm kinh doanh (chiếm khoảng 47%)”.

Ngoài chợ Hàng Da, chợ Mơ, các chợ Cửa Nam, Ô Chợ Dừa… từng là một trong những khu chợ lâu đời, sầm uất nhất Hà Nội. Nhưng khi các khu chợ được xây dựng, chuyển đổi thành TTTM thì các khu chợ truyền thống tại đây đã rơi vào tình cảnh đìu hiu thậm chí “biến mất” hoàn toàn. Khác với phần lớn chợ dân sinh khác trên địa bàn, các chợ trong TTTM đều sạch sẽ, ngăn nắp, phân khu rõ ràng. Bên trong chợ, có hệ thống điều hòa không khí, đèn chiếu sáng hiện đại, công tác vệ sinh, an ninh... bảo đảm. Thế nhưng, những điều đó lại không thu hút được người dân vào mua hàng bởi sự bất tiện. Theo chị Linh - một tiểu thương cho biết, việc người dân không thích vào chợ trong các TTTM mua sắm có nguyên nhân từ nhiều phía. Trước hết là từ chính việc bố trí các khu chợ này thường nằm ở các góc khuất. Cổng vào chợ Hàng Da nằm khuất phía sau chợ, rất khó tìm. Muốn vào các chợ trong TTTM, bắt buộc người mua phải gửi xe trả phí và đi bộ xuống tầng hầm rất mất thời gian. Bên cạnh đó, vì phải chi trả chi phí cao nên các mặt hàng trong chợ có cao hơn giá các hàng bên ngoài. Thêm vào đó, các vị trí đẹp, dễ tiếp cận tại các TTTM trên được dùng để cho các đơn vị thuê làm văn phòng, trung tâm tiệc cưới, spa, quán càphê. Tòa nhà 8 tầng chợ Ô Chợ Dừa hay tòa nhà 13 tầng ở chợ Cửa Nam trước đây hiện là cửa hàng kinh doanh karaoke, phòng tập thể hình và văn phòng cho thuê...

Bị dẹp vẫn kiên quyết bám trụ vỉa hè

Đã gần 20 năm gắn bó với việc kiếm sống tại chợ Hàng Da nhưng kể từ khi có chợ mới, chị N.T.C (50 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cũng chỉ có thể cầm cự được 2 năm rồi phải “bỏ của chạy lấy người”. Theo chị, trước kia, giá thuê 1m2 là 60.000 đồng/tháng, cộng thêm với giá các dịch vụ khác, mỗi tháng chị chỉ mất khoảng 500.000 - 600.000 đồng. Vậy nhưng, khi chợ được xây dựng lại thì chi phí tăng lên khoảng 2.000.000 đồng/tháng. Các chi phí này đều được tính vào giá hàng hóa, đã vậy, khách lại chỉ còn 5 - 10% vì thế không thể trụ được. Cô C cũng cho hay, sau khi rời chợ, cô không biết đi đâu, về đâu đành ngồi bán hàng ở vỉa hè. “Bây giờ chính quyền không cho ngồi thì cô đành ngồi nhờ một góc của quán phở để bán hoặc cùng lắm đành làm xe bán hàng rong chứ thuê chỗ ngồi trong chợ là điều không thể”, chị C tâm sự.

Chợ “cóc” họp ngay dưới lòng đường.

Ông chủ quầy rau củ ở ngõ 459 cạnh TTTM chợ Mơ thừa nhận cũng đã nhiều năm kinh doanh tại chợ Mơ cũ và hiện có ki-ốt trong TTTM chợ Mơ. Hằng tháng, anh vẫn trả tiền thuê đều đặn để duy trì vì không thể bán hay cho thuê được nhưng đành “đắp chiếu để đấy” vì không thể buôn bán được. Bất đắc dĩ, mất tiền thuê ki-ốt trong chợ rồi mà vẫn phải “mò” ra vỉa hè mới bán được.

Khi được hỏi về việc kinh doanh trên vỉa hè trong những ngày đang phát động chiến dịch "làm sạch" vỉa hè, nhiều chủ hàng cho biết: “Nếu chính quyền dẹp mạnh tay tôi rút vào trong nhà. Thời gian đầu tôi xuống bán trong chợ TTTM nhưng không có khách, nhiều hôm phải đổ hàng đi vì thối hỏng trong khi bán ở cạnh chợ thì thuận lợi, khách mua quen rồi”. Nhiều người dân sống ở khu vực xung quanh TTTM chợ Mơ, chợ Hàng Da cũng bày tỏ việc mua sắm ở các khu chợ tạm bên ngoài thuận tiện và phù hợp hơn với thói quen của họ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, sống gần chợ Mơ chia sẻ: “Mua bán trên vỉa hè dễ hơn chứ vào trong chợ mua mớ rau mà mất tới 5 nghìn gửi xe thì ai xuống”.

Cũng đề cập tới vấn đề các tiểu thương thay vì kinh doanh trong các khu chợ hiện đại lại lựa chọn kinh doanh ngoài vỉa hè, tại các khu chợ cóc, chợ tạm. Trưởng ban Quản lý chợ Mơ Phùng Mạnh Tuấn chia sẻ: “Vấn đề bây giờ là mọi việc nó phải có theo cung cầu của cuộc sống, chẳng ép ai được. Các tiểu thương chọn vỉa hè, chợ cóc chợ tạm vì tiện, rẻ hơn, quan trọng hơn là có khách hàng. Dù chợ dưới này hệ thống nền, thoát nước, nước sạch tốt. Khi các tiểu thương mới về, TTTM cũng tạo điều kiện không thu thuế, phí trong vòng 3 tháng. Khi các tiểu thương nghỉ, đóng cửa cũng có mời gọi, cũng trao đổi, mong muốn các hộ kinh doanh ra để lấp đầy nhưng nhìn chung là không thể giải quyết tận gốc được”. Liên hệ với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hoành Dũng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Trương Định, khẳng định trên địa bàn không còn tình trạng chợ cóc, chợ tạm. Tuy nhiên khi PV đề cập đến chợ tạm tại ngõ 459, đường Bạch Mai, cạnh TTTM chợ Mơ, ông Dũng cho biết đây là một ngõ có các hộ gia đình kinh doanh tại nhà (!). Khi được hỏi về việc có nắm được việc những tiểu thương bỏ chợ Mơ ra ngoài kinh doanh, lãnh đạo phường Trương Định cho biết đây là vấn đề của các hộ kinh doanh với đơn vị quản lý trực tiếp chỉ khi nào xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chính quyền mới can thiệp.

NGUYỄN HUYÊN - HÀ LIÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/trung-tam-thuong-mai-diu-hiu-cho-via-he-duoi-van-bam-654522.bld