Trước bão số 2: Nghệ An còn hơn 500 tàu thuyền chưa vào bờ, Hà Tĩnh sơ tán hơn 1.000 người

Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An vẫn còn hơn 500 chiếc thuyền, 4.000 lao động chưa vào bờ trú ẩn trước cơn bão số 2 sắp tới; trong khi ở Hà Tĩnh, hơn 6.000 tàu thuyền đã neo đậu an toàn, sơ tán hơn 1.000 người.

Ngày 16.7, tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn ở cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, cấm biển từ ngày 16.7

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, đến 4h ngày 16.7.2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 240km về phía Đông Đông Nam.

Trong 12 đến 24h tiếp theo, dự báo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, duy trì cấp bão với gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 10-11 khi đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Đến 4h ngày 17.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Từ tối và đêm 16.7, trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 7-9, giật cấp 10-11.

Do ảnh hưởng của bão số 2 từ chiều và đêm ngày 16.7 đến ngày 18.7 ở Nghệ An sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Theo ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản; tính đến 6h30 ngày 16.7, có 386 phương tiện với 2.601 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An; 132 phương tiện với 1.614 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung; 3.394 phương tiện neo đậu tại bến. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của áp thấp nhiệt đới - Bão số 2, đang chủ động tìm nơi trú ẩn.

Ngày 16.7 nhiều tàu thuyền ở Nghệ An đã vào bờ trú bão số 2. Ảnh: H.Quân

Hiện tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, cấm biển từ ngày 16.7 và đồng thời lên kế hoạch bảo vệ các công trình thủy lợi, giao thông trọng điểm khi có bão lớn, lũ ống lũ quét.

Tuy nhiên, đến nay tại Nghệ An vẫn còn 500 tàu thuyền với hơn 4.000 lao động ở vẫn chưa về nơi trú ẩn an toàn. Các cơ quan chức năng đang tích cực kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh trước 17h ngày 16.7.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản, để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

Hà Tĩnh: Hơn 6.000 tàu thuyền đã neo đậu an toàn, sơ tán hơn 1.000 người

Để phòng tránh bão số 2, hiện Hà Tĩnh đã có hơn 6.000 tàu thuyền vào neo đậu an toàn, công tác sơ tán dân cũng đang khẩn trương triển khai.

Lúc gần 17h hôm nay, 16.7, ông Ngô Đức Hợi - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, hiện toàn bộ 6.102 tàu, thuyền với hơn 17.000 lao động của tỉnh Hà Tĩnh đã vào neo đậu an toàn tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tránh bão số 2. Cũng theo ông Hợi, việc sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng ven biển cũng được các địa phương chủ động triển khai, chính quyền các địa phương cũng đã yêu cầu tất cả lao động không được ở lại các chòi nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - cho biết, huyện đã cho sơ tán hơn 400 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu ở vùng thấp trũng, hoặc thường xảy ra sạt lở thuộc các xã Xuân Hội, Cương Gián, Xuân Viên, Xuân Lĩnh, Xuân Lam lên khu vực cao hơn, hoặc cho lên các trường học cao tầng. Cũng theo ông Nam, việc sơ tán phải hoàn thành trước 17h cùng ngày.

Trước đó, trong cuộc họp triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 2, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu 17h chiều ngày 16.7, tất cả các tình huống ứng phó bão phải được kiểm soát, nhất là các địa phương ven biển. Tất cả các hệ thống cống của các hồ đập phải được vận hành, kiểm soát tình huống. Các địa phương phải kiểm tra cụ thể tận cơ sở.

Trong ngày 16.7, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng tăng cường lực lượng xuống địa bàn giúp nhân dân phòng chống bão. Đến các cảng cá giúp dân neo đậu tàu thuyền. Đồng thời lên các phương án để di dời nhân dân ở các vùng ven biển lên nơi an toàn.

Các đồn, trạm biên phòng ở vùng núi cũng đang triển khai các phương án đối phó khi bão vào và sau bão có khả năng xảy ra lũ quét. Ban chỉ huy các đồn biên phòng tổ chức lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng để giúp nhân dân chằng néo nhà cửa, sắp xếp vận chuyển tài sản về nơi an toàn.

Hiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã sẵn sàng lực lượng 100 % quân số, 9 phương tiện tàu ca nô cứu nạn để ứng cứu có yêu cầu; thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống ở các đơn vị và địa bàn trên 2 tuyến biên phòng ở ven biển và miền núi.

Hồng Quân - Trần Tuấn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/truoc-bao-so-2-nghe-an-con-hon-500-tau-thuyen-chua-vao-bo-ha-tinh-so-tan-hon-1000-nguoi-683793.bld