Trước khi được Apple 'lăng-xê', cảm biến vân tay trên smartphone thế nào?

Apple đã tạo ra nhiều xu hướng trên smartphone, trong đó có cảm biến vân tay. Trước khi được 'lăng-xê', cảm biến vân tay phát triển thế nào?

Đã có cách đây 10 năm trên các máy Windows Phone

Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên về chiếc smartphone đầu tiên trang bị cảm biến vân tay đến từ Toshiba, chứ không phải bất kỳ một ông lớn nào trong lĩnh vực di động.

Toshiba Portégé G500 có cảm biến vân tay ở phía sau khi trượt máy lên.

Tại thời điểm năm 2007, Toshiba Portégé G500 ra mắt trong hình dáng gọn gàng với màn hình 2,3 inch kết hợp bàn phím T9 dạng trượt, chạy Microsoft Windows Standard 5.0 đi kèm tính năng cảm biến vân tay.

Máy quét vân tay của G500 khi ấy thuộc dạng trượt nên người dùng phải trượt ngón tay qua máy đọc để nhận diện. Cảm biến vân tay của G500 cung cấp tính năng khóa/mở khóa điện thoại cũng như cung cấp chức năng phím tắt mở nhanh ứng dụng tùy ý. Ngoài ra máy quét vân tay của G500 còn đóng vai trò thanh cuộn để cuộn trang.

Sau phát súng tiên phong của Toshiba, các nhà sản xuất điện thoại bắt đầu bước vào cuộc đua cảm biến vân tay dù chưa quá nồng nhiệt.

Các smartphone tích hợp máy quét vân tay lần lượt ra đời như: HTC P6500 (2007), Acer M900 (2009), LG GW820 eXpo (2009), Motorola ES400 (2010)… đều chạy nền tảng Windows Mobile.

Cảm biến vân tay chung với cụm camera trên Motorola ES400.

Đến năm 2011 thì Motorola mới chính thức giới thiệu Atrix 4G – một trong những smartphone Android đầu tiên được trang bị máy quét vân tay – nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do tính năng bảo mật này chưa được hỗ trợ trọn vẹn bởi Android, cũng như khả năng hỗ trợ cảm biến vân tay từ ứng dụng của bên thứ ba hầu như không thể.

Có vẻ như chỉ đến khi Apple bắt đầu để ý đến tính năng bảo mật vân tay và lần đầu áp dụng trên iPhone 5s với tên gọi Touch ID vào năm 2013 thì “cuộc cách mạng” cảm biến vân tay mới thực sự bùng nổ trên smartphone. Và mọi thứ bắt đầu trên những chiếc smartphone cao cấp của những năm sau đó như Samsung Galaxy S5 (2014), Sony Xperia Z5 (2015), LG G5 (2016)…

Hầu như mọi chiếc smartphone đầu bảng của năm 2016 đều được ưu ái trang bị cảm biến vân tay giống như một “chứng chỉ” cần thiết để thể hiện rõ đẳng cấp của chúng.Và hiện tại tính năng bảo mật vân tay đang dần được phổ cập đến các máy tầm trung: Samsung Galaxy J7 Prime, Huawei GR5 2017…

Vân tay một chạm thành mốt

Kể từ khi xuất hiện trên smartphone, cảm biến vân tay đã có quãng đường phát triển khá dài. Công nghệ cảm biến vân tay được phân ra nhiều loại dựa trên cách thức máy quét nhận diện vân tay người dùng.

Hiện tại hầu hết các smartphone đều tích hợp cảm biến vân tay điện dung sử dụng các bảng mạch tụ điện nhỏ để ghi nhớ đầy đủ chi tiết vân tay.

Tiến thêm một bước, Qualcomm đã phát triển công nghệ Sense ID - cảm biến vân tay dạng siêu âm - dành cho smartphone bằng cách tích hợp thêm máy quét siêu âm vào bộ phận cảm biến nhằm tăng độ chính xác, bảo mật. Le Max Pro (2016) chính là smartphone đầu tiên hỗ trợ công nghệ cảm biến vân tay siêu âm Sense ID từ Qualcomm.

Le Max Pro dùng cảm biến vân tay dạng sóng âm, đặt phía dưới camera.

Không dừng lại ở đó, Synaptics mới đây đã công bố bộ cảm biến vân tay quang học dành cho smartphone. Lợi thế của cảm biến vân tay quang học thế hệ mới là có thể được tích hợp dưới lớp kính của màn hình smartphone mà không cần tiêu tốn thêm không gian riêng để đặt máy quét như cảm biến vây tay điện dung hiện tại. Nếu được áp dụng, thì máy quét vân tay quang học cho phép nhà sản xuất tạo ra thiết kế smartphone viền mỏng hơn hoặc thậm chí không viền mà không phải loại tính năng này khỏi thông số kỹ thuật.

Ngoài ra, cảm biến vân tay quang học có khả năng chống trầy xước, không thấm nước cũng như có lớp bảo mật để nhận biết ngón tay thật/giả… Theo một số thông tin bên lề, thì Galaxy S8 dự kiến sẽ được trang bị cảm biến vân tay quang học nhằm tập trung cho viền siêu mỏng.

Về cách thức thao tác, cảm biến vân tay hiện tại được chia thành nhiều loại: dạng ấn, trượt, chạm… Hầu hết các smartphone chạy Windows tích hợp cảm biến vân tay trước kia hay thậm chí một vài smartphone gần đây như Galaxy S5 vẫn dùng cảm biến dạng trượt vuốt. Nghĩa là người dùng phải lần lượt trượt/vuốt ngón tay qua máy quét để thực hiện thao tác xác thực.

Tuy nhiên, vì sự bất tiện trong thao tác nên loại cảm biến dạng trượt vuốt đã dần được thay thế bởi cảm biến dạng chạm (1 chạm). Với cảm biến dạng chạm, người dùng chỉ cần đặt trọn ngón tay lên bề mặt của cảm biến vân tay để tương tác.

Các máy tầm trung của Vivo, Huawei, Oppo và nhiều hãng khác đều đã trang bị cảm biến vân tay một chạm.

HTC One A9, Samsung Galaxy J7 Prime… và hầu hết smarthphone hiện nay hỗ trợ cảm biến vân tay dạng chạm. Không chỉ đa dạng về công nghệ lẫn cách thao tác, cảm biến vân tay trên smartphone luôn không ngừng cải thiện tốc độ tương tác, giảm độ trễ để tránh gây phiền hà cho người dùng.

Kết

Cũng như nhiều công nghệ khác đang được tích hợp trên smartphone, cảm biến vân tay đang được “trọng dụng” vì người dùng rất quan tâm đến bảo mật nội dung trên smartphone. Nhìn vào những ưu điểm của cảm biến vân tay, công nghệ này giúp smartphone thêm lớp bảo mật an toàn hơn và thao tác mở khóa nhanh hơn so với các phương thức truyền thống.

Sau khi cảm biến vân tay được phổ biến trên các smartphone giá tầm trung, phương pháp bảo mật bằng mắt đang được dự báo sẽ lên ngôi.

Thảo Trần

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/truoc-khi-duoc-apple-lang-xe-cam-bien-van-tay-tren-smartphone-the-nao-148780.ict