Trước thềm đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể: Tăng cường tuyên truyền để tránh hiểu sai về di sản

Tối nay, 2/4, Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra tại Nam Định. Để chuẩn bị cho buổi lễ, từ nhiều ngày qua, Nam Định đã tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về di sản.

Sau nhiều thăng trầm, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với ý nghĩa là di sản của đông đảo cộng đồng người Việt ở nhiều vùng miền trong cả nước, việc UNESCO ghi nhận danh hiệu này đối với Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ của người Việt là một niềm vui lớn đối với người yêu di sản nói riêng và người Việt nói chung.

Nam Định được xem là vùng đất trung tâm Thờ Mẫu Tam phủ với các trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp...và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu.

Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền Trần (Nam Định)

Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là lễ hội và nghi lễ Chầu văn. Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được địa phương khôi phục và phát huy. Hằng năm, tại các di tích thờ Mẫu, lễ hội thường được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch với các nghi lễ như: tế, rước kiệu và các hoạt động văn hóa dân gian như: hát chầu văn, múa lân, sư, rồng, cờ người. Trong số các lễ hội tại các di tích thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu nhất là lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). Đây là lễ hội tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Nữ thần (Mẫu) và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Cùng với quần thể kiến trúc, lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

Việc tổ chức lễ đón bằng ghi danh của UNESCO dành cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định là niềm tự hào của cả nước và nhân dân Nam Định.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Việc tổ chức Lễ đón bằng ghi danh của UNESCO dành cho Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định là niềm tự hào của cả nước nói chung và và nhân dân Nam Định nói tiêng. Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức vào tối ngày 2/4/2017. Trước Lễ đón nhận này, tỉnh đã tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về di sản.

Theo ông Trần Lê Đoài, Sở VHTTDL đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền để công chúng có thông tin đầy đủ, hiểu biết khoa học về di sản, gắn với quảng bá hình ảnh quê hương Nam Định, tạo cơ hội phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Từ ngày 15/3 đến hết ngày 10/4 tại các khu vực tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO, khu vực tổ chức Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, Vụ Bản); Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, Ý Yên); các đầu mối giao thông của tỉnh, trung tâm các huyện: Vụ Bản, Ý Yên, Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc xây dựng các cụm tranh cổ động, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, bảng điện tử, bồn hoa… Trước và trong dịp tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO, các đơn vị truyền thông của tỉnh Nam Định từ huyện đến cơ sở đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục, bài viết, bản tin về giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và truyền thống văn hóa của quê hương Nam Định.

Bảo tàng Nam Định cũng chỉnh lý hoàn thiện trưng bày triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 20/3/2017.

Ngoài ra, Nam Định cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa của di sản, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về ý nghĩa, giá trị của di sản.

Theo ông Đoài, tỉnh đã tích cực phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng chương trình hành động bảo vệ di sản này sau khi được vinh danh. Trong nhiều chương trình hành động, Nam Định chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, một đạo lý, một tâm thức suy tôn phụng thờ người mẹ của người Việt Nam và vai trò của Di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương và cộng đồng./.

Bài, ảnh: Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/truoc-them-don-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-tang-cuong-tuyen-truyen-de-tranh-hieu-sai-ve-di-san-233780.html