Trường học quanh đỉnh Phja Dạ

(Dân Việt) - Đường lên Phja Dạ không ngã mới lạ, chứ ngã thì chuyện thường. Các thầy cô ngã, ngã đàng hoàng, có “sản phẩm” loại: Sưng, rách, gẫy… đều đặn hơn lương tháng.

Trường Bản Là (xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) với 4 điểm trường Khau Dề, Bản Là, Bản Lìn, Sán Xoáy nằm trên cung đường mòn dài chừng 25km quanh đỉnh Phja Dạ. Người dân gọi Phja Dạ là núi Tiên, tuyến đường ấy các thầy, cô đùa gọi là đường... lên trời.

Ngã trên đường lên trời

Xưa, thuở trước năm 2007, đi “lên trời” chỉ có cách đi bộ, rồi khát vọng xe máy đã khiến dân các bản đục đá, mở tuyến đường rộng chừng 50cm, chỉ đủ cái bánh xe và hai chân loạng choạng chống, ngoằn ngoèo nối bản nọ với bản kia. Vật bất ly thân khi đi là bộ dây xích, quấn vào bánh sau chống trượt. Vậy nhưng các thầy cô vẫn ngã... đều đặn hơn lương tháng.

Cô giáo Vi Thị Lệ và lớp học mầm non ở điểm trường Bản Là.

Kỷ lục ngã phải kể đến cô Hoàng Thị Vân ở điểm trường Bản Là, cô ngã nhiều cú… như phim. Lần cô ngã xuống vực, trúng ngay ngọn tre, mấy người dân nhìn thấy hét lên vì sợ, cô ôm ngọn tre bập bùng, lựa thế hạ xuống mỏm đá tai mèo phía dưới.

Lần khác cô ngã, xe trên đường, người lao xuống vực sâu hơn 20m, lại may, trời vừa chuyển rét, cô trang bị bộ quần áo bông bọc kín người. Bộ quần áo rách như xơ mướp, mặt cô cũng bị rách cả chục vết, vết dài nhất đến 4cm.

Tính đường về trường gần hơn trung tâm y tế, cô Vân dựng xe lên… chạy tiếp. Đến trường, cả cái vết rách 4cm trên trán cũng “khỏi cần khâu”, rửa sạch máu, băng tạm rồi lên lớp. Sau cú ngã ấy người cô sưng vù cả tháng, mất gần 3kg nghệ “là” lại cái mặt.

Kỷ lục thầy giáo làm ngã cô giáo thuộc về thầy giáo Nông Văn Vinh ở điểm trường Bản Là, cú cô Vân ngã xuống ngọn tre cũng do thầy Vinh “quẳng”. Thầy Vinh chở cô Nguyễn Thị Thùy, quăng cô Thùy lên ta luy dương, còn mình lộn xuống ta luy âm. Hôm chở cô Vi Thị Lệ, xuống dốc xe bó phanh, lộn ngược, cô Lệ “bay” qua đầu thầy Vinh, thật may, chân cô kẹp được đầu thầy, hai thầy, cô cùng cái xe xếp hàng dọc trên đường mà “không gãy gì”.

Cú ngã kinh hoàng nhất thuộc về thầy Hứa Văn Thủy ở điểm trường Khau Dề. Hôm ấy tháng 7.2009 thầy Thủy chở vợ, cô giáo Quan Thị Vui cùng 2 con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ đang bú mẹ về xã. Đến đoạn dốc quá trơn, thầy cẩn thận cho vợ con xuống, một mình dong xe đi mà vẫn bị lộn xuống vực. Vực sâu thẳng đứng, thầy Thủy rơi gần 20m thì mắc cây, xe vướng tảng đá lộn ra xa, qua người thầy Thủy. Trên bờ vực đứa con gái 5 tuổi ôm chân mẹ gào lên: “Bố ơi đừng chết”.

Trường Bản Là có 16 cô giáo, cô nào cũng từng mang xe vào trường rồi theo những cách khác nhau mà để xe lại giữa rừng, nhờ người mang về, trung thành với món đi bộ, dù có phải mất cả ngày để ra đến xã. Chỉ còn cô Vân sau những cú ngã rút ra được cái kinh nghiệm “không được sợ”, hỗ trợ thêm đôi guốc 12 phân đủ để chống chân, thế là phóng, cô cũng là người phụ nữ duy nhất đi xe máy trên cung đường Bản Là quanh đỉnh Phja Dạ.

Những bà mẹ phong trần

Chỉ có điểm trường Khau Dề tạm gọi là gần, đi bộ về xã chừng 3 giờ có mấy gia đình giáo viên, bố mẹ, con cái quây quần, ba điểm trường còn lại gần hai chục giáo viên “mãi vui đời độc thân”. Mấy cô giáo gửi chồng, con ở quê, vào bản dạy học. Chuyện vợ chồng, năm đôi lần gặp nhau dịp hè, Tết, hỏi các cô có sợ chồng xa mặt cách lòng không, có cô nói thật “không dám sợ nữa, cũng không được sợ nữa”.

Đường lên Phja Dạ không ngã mới lạ, chứ ngã thì chuyện thường. Các thầy cô ngã, ngã đàng hoàng, có “sản phẩm” loại: Sưng, rách, gẫy… đều đặn hơn lương tháng.

Chiều tối hết giờ dạy các cô giáo nháo nhác đi dò sóng điện thoại gọi về nhà cho chồng, con. Điểm trường Bản Là chỉ có 1 điểm sóng lạc, điện thoại phải treo chờ, không ít lần vừa thông máy thì sóng mất, có khi cả tối chực nghe tiếng con được một lần, rồi thút thít khóc.

Cô Nông Thị Nga ở điểm trường Bản Lìn kể có lần gọi cho đứa con 5 tuổi cả nửa giờ, cháu cứ hậm hực, cuối cùng nó bảo: “Mẹ hư lắm không về với con”. Con khỏe còn đỡ, nghe tin con ốm muốn “vứt tất cả” mà về - vẫn cô Nga nói. Nhưng rồi cũng không ai vứt hết mà bỏ về được, dẫu cả đêm không ngủ, mai vẫn lên lớp dạy học sinh.

Trường Bản Là năm học này có 4 cô giáo chuẩn bị làm mẹ. Hôm đầu năm học cô Hoàng Thị Hiên đến kỳ sinh, đưa ra huyện được 3 ngày thì đẻ. Chồng cô chở đi, nghe kể mà khiếp, may không ngã lần nào, nói dại chứ ngã thì… khó lường lắm. Hôm tôi vào gặp cô Nông Thị Bính lặc lè cái bụng bầu tháng thứ 5, cô Bính bảo cuối năm sẽ hẹn chồng vào đón, dìu nhau đi bộ ra huyện rồi về nghỉ đẻ. Một, hai ngày cũng mặc chứ xe máy thì … “mẹ ngã đủ rồi, không được bắt con ngã nữa, phải tội chết”.

(Còn nữa)

Xuân Trường

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/65939p1c28/truong-hoc-quanh-dinh-phja-da.htm