Trương Khiên, vị tướng 'bất tài' ở Tây Vực, viết nên huyền thoại về con đường tơ lụa 1600 năm

Con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á kỳ bí, gắn liền với hàng ngàn câu chuyện truyền thuyết xa xưa.

(Ảnh minh họa)

Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những “thương nhân lạc đà”, Con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.

Con đường tơ lụa là một di sản văn hóa và lịch sử của nhân loại (Ảnh dẫn qua: BBC)

Trong hơn 1600 năm, những lái buôn, thương gia, nhà sư và binh sĩ đã thực hiện một chuyến hành trình đến thủ đô Tây An cổ xưa của Trung Quốc để tận mắt chứng kiến vẻ lộng lẫy của nơi này, và họ đã du hành trên Con đường tơ lụa. Điều gì đã khiến một con đường giao thông trở nên đặc biệt và mang một tên gọi huyền bí đến thế?

Con đường tơ lụa gắn liền với hình ảnh của các thương gia đi trên những chiếc xe lạc đà, những người hành hương dũng cảm bất chấp những hiểm họa từ những tên cướp luôn rình rập trên tất cả những cung đường và những phiên chợ của Trung Đông bán đầy những món đồ quý báu ngoài trí tưởng tượng. Có thể nói rằng chỉ riêng việc nhắc đến Con đường tơ lụa cũng khiến bất kỳ nhà thám hiểm trung cổ nào phải tròn xoe mắt vì ngạc nhiên và thán phục. Con đường thông thương xuyên lục địa này là hành lang kết nối chính giữa Phía Tây và Phía Đông trong nhiều thế kỷ, bắt đầu và kết thúc tại thủ đô Tây An của Trung Quốc cổ đại.

Các loại gia vị được bày bán ở một khu chợ ở Tây An, Trung Quốc (Ảnh dẫn qua: BBC)

Tên của con đường bắt nguồn từ việc kinh doanh tơ lụa sinh lợi của Trung Quốc, khởi phát từ triều đại nhà Hán vào năm 206 trước Công nguyên. Tới năm 114 Trước Công nguyên, tuyến đường được mở rộng và sự giao dịch buôn bán trở thành nhân tố chính giúp đẩy mạnh những nền văn hóa đang thịnh vượng lúc bấy giờ như văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, đế quốc Persia, Châu Âu và A Rập. Việc giao lưu buôn bán đã thúc đẩy sự phát triển và hợp tác giữa các nước về nhiều lĩnh vực khác, trong đó đặc biệt quan trọng là ngoại giao và chính trị. Mặc dù tơ lụa chắc chắn là mặt hàng kinh doanh chính xuất nguồn từ Trung Quốc, nhiều hàng hóa quan trọng không kém được trao đổi mua bán bao gồm cả tôn giáo, triết học và công nghệ kỹ thuật đa dạng.

Bởi vì Tây An là điểm mở đầu và kết thúc của tuyến đường, các hoàng đế triều đại nhà Đường đã chọn nơi đây là địa điểm đóng đô, từ đó cai quản giang sơn nhờ vào vị trí đắc địa cùng cơ hội biết đến và có được những mặt hàng xa xỉ và thiết yếu được trao tay đổi chủ hàng ngày.

Di sản văn hóa

Nguồn gốc của Con đường tơ lụa nguyên sơ mà chúng ta biết đến được hình thành vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Một vị tướng tên là Trương Khiên được Hán Vũ Đế cử đi Tây Vực nhằm đặt mối quan hệ bang giao với Nguyệt Chi, một bộ tộc du mục. Vị Hoàng đế nhà Hán e ngại rằng người Hung Nô vốn từng có ý định xâm chiếm tỉnh Cam Túc của nhà Hán. Người Nguyệt Chi là những kẻ thù của Hung Nô và vì vậy hoàng đế hy vọng kết đồng minh với tộc người này, tấn công và đánh bại quân Hung Nô.

Con đường tơ lụa nối Châu Âu với Đông Phương trong sách cổ Châu Âu (Ảnh dẫn qua: BBC)

Không may mắn thay, Trương Khiên đã bị chính bộ tộc người Hung Nô bắt và giam giữ trên đường đi và bị nhốt trong tù suốt 10 năm trời. Trong suốt thời gian đó, ông đã kết hôn với một cô vợ người du mục và sinh hạ được một cậu con trai. Tuy nhiên, ông vẫn giữ ý định hoàn thành sứ mạng của mình và cuối cùng đã trốn thoát khỏi trại, tiếp tục chuyến hành trình về phương Tây xa xôi. Cuối cùng khi ông đặt chân đến đích cuối cùng vào năm 128 trước Công nguyên, ông đã vô cùng kinh ngạc khi tìm thấy những người Nguyệt Chi đang sống trong yên bình và không còn quan tâm đến việc trả thù người Hung Nô nữa.

Trở về, Trương Khiên đã tâu lại với Hoàng đế về những gì ông chứng kiến trên suốt hành trình của mình. Đế vương vô cùng hài lòng và thích thú với những chi tiết Trương Khiên thuật lại về những vương quốc ông chưa từng biết đến và Hoàng đế đã liên tục gửi người đi với sứ mệnh khám phá con đường tơ lụa huyền thoại. Thật ngạc nhiên, mỗi lần cho người đi là một lần quay trở lại với vô số những món hàng phương Tây xa hoa như lông thú, nước hoa và ngay cả ngựa. Đồng thời, nhu cầu đối với các sản phẩm phương Đông quý giá đặc biệt là tơ lụa cũng ngày càng gia tăng, từ đó dẫn đến những mối quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế có giá trị giữa hai miền Đông và Tây.

Mạng lưới con đường tơ lụa trở nên thịnh vượng trong suốt triều nhà Đường và những sản phẩm ngọc quý, quần áo được may tinh tế và gia vị các loại được trao đổi mua bán hàng ngày. Vào thời cực thịnh, con đường trải dài 4000 km, vươn xa đến biển Địa Trung Hải và thu hút những du khách nổi tiếng như vị vua vĩ đại của đế chế Macedonia có tên là Alexander Đại Đế và thương gia Marco Polo, những người đã viết nên tên tuổi mình trên con đường tơ lụa.

Con đường tơ lụa duy trì vị trí của nó trong hơn 1500 năm, nhưng nó đã tan rã vào thế kỷ thứ 15 khi đế quốc Ottoman thống trị tại thành phố Constantinople. Những kẻ thống trị kinh đô Ottoman thời đó mắng nhiếc những người Tây phương vì đã tiếp tục những cuộc thánh chiến liên miên, và đã trả thù bằng việc cấm vận buôn bán với Châu Âu.

Vào cuối thời nhà Minh, Trung Quốc một lần nữa bị bế quan tỏa cảng, kết thúc trao đổi văn hóa và tôn giáo hàng trăm năm giữa phương Đông và phương Tây.

Di sản thế giới

Mặc dù không hẳn được sử dụng là con đường chính thức trong nhiều thế kỷ nhưng tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của nó vẫn luôn luôn công nhận. Trung Quốc đã tổ chức các chiến dịch vận động để nó được công nhận quốc tế trong một số thập kỷ. Bắt đầu vào năm 1988, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO bắt đầu khảo sát vai trò của con đường giao thương này trong việc đẩy mạnh đa dạng văn hóa khắp bán cầu lục địa Á – Âu.

Con đường tơ lụa đóng vai trò lịch sử quan trọng (Ảnh: Internet)

Do mở rộng qua nhiều quốc gia và mốc ranh giới, quá trình trở thành Địa điểm di sản thế giới của Con đường tơ lụa khá dài. Từ lúc bắt đầu, vào năm 2008, Trung Quốc phát hiện ra 48 địa điểm trên Con đường tơ lụa có tầm quan trọng khá lớn. Nhưng vào năm 2011 UNESCO đề xuất rằng do quy mô rộng của con đường tơ lụa, việc xét duyệt nên được chia ra theo hành lang. Trong một kiến nghị chung từ Trung Quốc, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đoạn bao quanh từ miền trung Trung Quốc tới rặng núi Thiên Sơn được đề nghị và ủng hộ bởi ủy ban của UNESCO vào tháng 6 năm 2014.

Những di tích nằm trong tình trạng bảo vệ này bao gồm những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Tây An như Tháp Đại Nhan, Đại Minh Cung và Hưng Giáo Tự. Những địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng khác bao gồm lăng mộ của nhà thám hiểm đầu tiên của con đường tơ lụa, Trương Khiên và đền Động ở Bân huyện – một ngôi đền Phật giáo hoa mỹ đẹp tuyệt. Ngay cả một số đoạn của Vạn lý trường thành cũng được sáp nhật vào hành lang đặc biệt này.

Việc được ghi nhận là Di sản Thế giới của UNESCO khiến cho ngay cả ngày hôm nay con đường tơ lụa vẫn là đang kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Nó vẫn là một huyết mạch chứa đầy sự phong phú về văn hóa, dẫn ta quay trở về với vẻ đẹp Tây An nằm giữa trung tâm của tỉnh Sơn Tây.

ĐKN (t/h)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/truong-khien-vi-tuong-bat-tai-o-tay-vuc-viet-nen-huyen-thoai-ve-con-duong-to-lua-1600-nam-177518/