Trường mầm non Lạc Sỹ: Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cho trẻ

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Lạc Sỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Thủy, cách trung tâm huyện 20 km. Trường mầm non xã có 2 điểm trường lẻ cách điểm trường trung tâm 4km. 100% phụ huynh và học sinh là người dân tộc Mường, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 10 nhóm/lớp và 198 trẻ, 40 cán bộ giáo viên, nhân viên.

Trẻ Trường mầm non Lạc Sỹ (Yên Thủy) nghe, xem tranh truyện chữ to sáng tạo của giáo viên kể về sự tích nhà sàn của người Mường.

Trẻ Trường mầm non Lạc Sỹ (Yên Thủy) nghe, xem tranh truyện chữ to sáng tạo của giáo viên kể về sự tích nhà sàn của người Mường.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Lạc Sỹ chia sẻ: "Giáo dục văn hóa truyền thống địa phương hiện trở thành môn học chính thức trong các trường học. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển của công nghệ, khi văn hóa truyền thống có khả năng bị mai một thì vấn đề bảo tồn văn hóa càng trở nên cấp thiết. Nhận thức được điều này, Ban giám hiệu nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mường cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và các bậc phụ huynh.

Với mục tiêu vừa tạo không gian văn hóa hấp dẫn, phong phú, thu hút trẻ, làm điểm nhấn khi thực hiện mô hình giáo dục học gắn với văn hóa dân tộc địa phương, vừa giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc cho trẻ. Từ tháng 8/2023, nhà trường xây dựng kế hoạch tạo môi trường giáo dục trong, ngoài lớp học cho trẻ gắn với bản sắc văn hóa địa phương. Chỉ đạo các bộ phận phụ trách từng công việc như: Xây dựng nét truyền thống văn hóa "Độc đáo nhà sàn”, "Văn hóa ẩm thực”, "Văn hóa dân gian dân tộc”… Giáo viên sưu tầm tranh truyện và làm tranh truyện chữ to sáng tạo, như truyện: Sự tích nhà sàn, Ông Đùng bà Đoàng, Đẻ đất đẻ nước… để đưa vào chương trình dạy trẻ.

Trong khuôn viên nhà trường, giáo viên linh hoạt thiết lập các khu vực sáng tạo như khu vực phát triển thể chất được thiết kế phù hợp, an toàn, trẻ có thể chơi nhảy sạp, đi cà kheo, một số trò chơi dân gian như: ném còn, nhảy tích tắc, chơi ô ăn quan… Khu vực sân hoạt động chung, hàng ngày trẻ múa, hát tập thể, những bài hát, điệu múa mang đặc trưng riêng của địa phương. Ngoài ra, nhà trường còn khôi phục, tái hiện lại ngành nghề truyền thống của dân tộc như dệt thổ cẩm, quay sợi…

Không chỉ chú trọng xây dựng ở bên ngoài lớp học, nhà trường tập trung xây dựng môi trường bên trong lớp học cho trẻ với các góc như: "Góc truyền thống địa phương" trưng bày nhiều hiện vật theo chủ đề, được ghi chú đầy đủ. Như với chủ đề thời trang gồm khăn, vải, trang phục truyền thống. Ở chủ đề gia đình có mô hình nhà sàn, cồng chiêng, ép đựng cơm, rổ đựng trầu, cối chày giã gạo, ống đựng nước, đôi quang gánh… những hiện vật đặc trưng của đồng bào dân tộc Mường.

Nhà trường đã phát động tới 100% phụ huynh về việc trang bị cho trẻ bộ trang phục dân tộc Mường mặc vào mỗi dịp lễ và thứ Hai đầu tuần, đến nay, 100% học sinh đều có đủ trang phục dân tộc theo đúng quy định.

Đồng chí Vũ Thị Kim Thoa, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thủy cho biết: Mô hình "Xây dựng môi trường giáo dục gắn với bản sắc văn hóa địa phương cho trẻ trong trường mầm non” tại Trường mầm non Lạc Sỹ giúp trẻ có những hiểu biết ban đầu về văn hóa địa phương; có khả năng cảm nhận và thể hiện cái hay, cái đẹp trong văn hóa; hình thành tình cảm đối với quê hương và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao năng lực sáng tạo văn hóa cho trẻ; bảo tồn, lan tỏa và phát triển văn hóa địa phương, đây cũng là bước thực hiện đổi mới trong giáo dục mầm non. Từ khi mô hình được áp dụng trẻ luôn hào hứng, vui tươi khi được trải nghiệm các trò chơi dân gian, thích được quan sát, trải nghiệm tại "không gian văn hóa Mường”, thích hát những bài hát dân ca Mường, mặc váy áo Mường; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cả phụ huynh đều có sự thay đổi tích cực về nhận thức. Giáo viên là người dân tộc Mường thấy tự hào về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Mô hình được phụ huynh, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Được UBND huyện Yên Thủy công nhận là mô hình điển hình tiên tiến cấp huyện, đang đề nghị tỉnh công nhận mô hình cấp tỉnh trong năm 2024. Từ mô hình của trường có thể áp dụng và nhân rộng ra nhiều trường trên địa bàn huyện, được nhiều đơn vị trường bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Xuân Thiên (Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/189376/truong-mam-n111n-lac-sy-xay-dung-moi-truong-giao-duc-gan-voi-ban-sac-van-hoa-dan-toc-dia-phuong-cho-tre.htm