Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Tây Nguyên nguy cơ 'khai tử'

Cái tên Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Tây Nguyên đã trở thành niềm tự hào của hàng nghìn người đang công tác ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, ngôi trường này đang đứng trước vô vàn khó khăn và có nguy cơ 'khai tử' vì thiếu sinh viên.

Cái tên Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Tây Nguyên đã trở thành niềm tự hào của hàng nghìn người đang công tác ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, ngôi trường này đang đứng trước vô vàn khó khăn và có nguy cơ "khai tử" vì thiếu sinh viên.

Được thành lập từ năm 1978, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Tây Nguyên (nay là trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai) với mục tiêu đào tạo những người làm công tác văn hóa cho các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Sau nhiều năm, đã có hàng ngàn người đang công tác ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhiều diễn viên, ca sĩ, cán bộ văn hóa đã và đang là những hạt nhân trong nhiều hoạt động văn hóa cơ sở lẫn các đoàn nghệ thuật. Những năm về trước, ngôi trường luôn là "địa chỉ đỏ" trong công tác đào tạo. Hoành tráng là vậy nhưng giờ này tất cả đều là quá khứ!

Những ngày này, Ban giám hiệu của trường đang căng sức gánh mối lo tuyển sinh. Dù nhiều thầy, cô đã tỏa về các huyện, xã của tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận để tổ chức công tác tuyển sinh nhưng số học sinh đăng ký không đáng là bao. Theo quy mô, mỗi năm trường phải tuyển được 400 sinh viên mới đạt chỉ tiêu. Song nhiều năm qua, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn khiến việc tuyển đủ sinh viên vẫn là bài toán nan giải. Năm học 2015 - 2016, trường chỉ tuyển được 150 sinh viên với các hệ 9+3 và 12+3. Các khoa như Mỹ thuật âm nhạc, Nghiệp vụ văn hóa… thì năm nào cũng thiếu sinh viên, còn những khoa khác như Hướng dẫn viên du lịch, Thiết kế đồ họa - thời trang thì từ lâu đã vắng bóng sinh viên theo học.

Thầy Phan Văn Phùng, Hiệu trưởng của trường cho biết: "Với định suất được giao 385 triệu/lớp/20 sinh viên, thế nên năm học vừa rồi chúng tôi chỉ được cấp 3,8 tỷ đồng trong khi phải trả lương cho 53 cán bộ, giáo viên với số tiền lên đến gần 4,9 tỷ đồng. Chúng tôi phải xin cấp trên liên kết đào tạo và xoay đủ kiểu để trả lương. Giáo viên dôi dư cũng phải được sắp xếp công việc. Bằng chỉ là trung cấp nên sẽ khó khăn trong quá trình tham gia tuyển dụng cũng là vấn đề khiến các em e ngại khi đăng ký vào đây".

Dụng cụ dạy học chỉ lèo tèo vài nhạc cụ và chiếc piano đã hỏng ở góc phòng.

Chức năng, nhiệm vụ được giao của trường là đào tạo nguồn nhân lực cho cơ sở, cung cấp nhân lực hoạt động trong phong trào văn hóa - văn nghệ cho các cơ quan đơn vị và các đoàn nghệ thuật. Nghe hoành tráng là vậy song trường thật sự đang chật vật trong công tác dạy và học. Khuôn viên thật hoành tráng với 5ha nhưng khi đến tận những phòng học mới thấy bao nhiêu điều nghịch cảnh. Phòng học thì quá cũ kỹ, xuống cấp, phương tiện dạy học thiếu trầm trọng và hư hỏng. "Đây là phòng tập múa của trường chỉ có 4 tay vịn bằng gỗ, nền lát gạch đơn sơ thế thôi, còn thua cả phòng tập múa của các cơ sở dạy múa tư nhân. Thiếu kinh phí nên chúng tôi đành vậy…!", thầy Phùng ngậm ngùi. Dạo quanh trường, ít ai có thể hình dung được đây từng là cái nôi đào tạo cho hàng loạt sinh viên văn hóa, nghệ thuật của cả khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

Vì vậy, từ năm 2010, trường đã lập đề án nâng cấp thành Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Gia Lai. Đề án đã được UBND tỉnh Gia Lai, Bộ VH-TT&DL cùng các ngành chức năng đồng ý về mặt chủ trương. Ngoài ra, trong văn bản gửi Bộ GD-ĐT từ năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã nêu rõ: "UBND tỉnh Gia Lai đã quy hoạch cấp đủ quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học, chuẩn bị nguồn nhân lực và đã xây dựng đề án. Như vậy, việc thành lập trường đã đủ điều kiện, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, chấp thuận việc thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Gia Lai".

Chờ đợi mỏi mòn và cuối cùng, tỉnh Gia Lai lẫn trường cũng nhận được phúc đáp của Bộ GD-ĐT là "sẽ xem xét và xử lý hồ sơ Dự án thành lập trường theo đề nghệ của quý Ủy ban". Và mọi việc vẫn phải chờ! Trong khoảng thời gian chờ đợi chưa biết đến bao giờ này, việc tuyển sinh ngày càng khó, nhân lực có chất lượng đã và đang rục rịch chuyển công tác. Nếu không có những quyết sách kịp thời, chắc chắn hoạt động của trường khó càng thêm khó.

"Sang năm là kỷ niệm 40 năm thành lập trường, chúng tôi chỉ tổ chức cho có thôi. Khó khăn như thế này, chúng tôi biết nói làm sao với các thế hệ đi trước", thầy Phùng ngậm ngùi.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_163673_truong-trung-hoc-van-hoa-nghe-thuat-tay-nguyen-ngu.aspx