Truy thu Habeco 920 tỷ: Bộ Công thương đừng ưu ái

Các chuyên gia cho rằng việc kiểm toán nhà nước đề nghị truy thu thêm Habeco 920 tỷ tiền thuế TTĐB là có căn cứ và hoàn toàn đúng quy định.

Bản chất giống truy thu Sabeco

Sau đợt kiểm toán từ 28/9-26/11/2015, mới đây Kiểm toán nhà nước đã đề nghị Tổng cục thuế truy thu thêm 920,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong thời gian từ năm 2012-2015.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng kiến nghị trên của Kiểm toán nhà nước là có cơ sở và về bản chất giống như trường hợp tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị truy thu thêm 408 tỷ đồng thuế TTĐB trong năm 2013.

Ảnh minh họa

“Đứng ở góc độ tài chính thì tôi ủng hộ cách làm của Kiểm toán nhà nước. Họ làm như thế là có căn cứ, không sai quy định của pháp luật. Luật của chúng ta nhiều lúc chưa rõ ràng, chúng ta có thể hiểu theo nhiều cách, có thể buộc cũng được mà gỡ cũng được. Nếu không tiến hành truy thu thêm thuế thì nhà nước sẽ mất đi một khoản tiền lớn”, PGS.TS Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định kiểm toán nhà nước là cơ quan cao nhất được nhà nước giao làm công tác kiểm toán. Vì vậy họ phải có những căn cứ, thống kế rõ ràng mới dám đưa ra những kiến nghị và kết luận truy thu thêm tiền thuế đối với Habeco.

“Kiểm toán làm nhiệm vụ do nhà nước đặt ra. Và họ làm việc này theo căn cứ pháp luật rõ ràng, công khai. Luật không phải do kiểm toán đặt ra mà họ phải đối chiếu với luật tài chính và các quy định khác. Khi kiểm tra thì họ rà soát xem mức độ tuân thủ luật như thế nào và có gì sai phạm hay không. Nhiệm vụ của họ là nhắc nhở những điều làm chưa đúng và phanh phui ra những sai phạm, nếu làm thiệt hại cho nhà nước thì phải giúp nhà nước đòi lại”, bà Lan đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khẳng định một số ý kiến cho rằng kiến nghị của kiểm toán nhà nước gây khó khăn cho Habeco là chưa đúng, chưa thỏa đáng. Việc này đều xuất phát từ trách nhiệm của họ trước nhà nước và nhân dân.

“Việc này không có nghĩa là kiểm toán nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quan niệm như thế là sai. Kiểm toán nhà nước không bao giờ dại gì đưa ra những quy định khác với quy định về thuế. Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện ra sai phạm của Habeco và đối chiếu với các quy định của pháp luật, kiểm toán nhà nước mới tính ra được số tiền 920 tỷ đồng để đòi lại”, bà Lan nhấn mạnh.

Vì sao doanh nghiệp hoang mang?

Trước việc Habeco khẳng định đã thực hiện đúng quy định của luật đồng thời có công văn gửi Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ xem xét lại các kiến nghị truy thu thuế này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đây là phản ứng dễ hiểu đối với một doanh nghiệp khi bị truy thu thêm thuế.

Theo PGS.TS Long, trước đây khi kiểm toán nhà nước quyết định truy thu thêm 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB đối với Sabeco, doanh nghiệp này cũng khẳng định làm đúng quy định của phát luật và kêu oan.Tuy nhiên cuối cùng vào tháng 1/2016, Sabeco vẫn phải đóng đầy đủ các khoản tiền thuế truy thu thêm cho nhà nước.

“Doanh nghiệp cứ theo nhau kêu oan, được thì tốt mà không được cũng chẳng sao. Nếu không đúng thì chắc chắn Sabeco không bao giờ chịu đóng thêm thuế TTĐB. Nếu họ chấp nhận đóng thêm, tức là đã thừa nhận sai rồi. Những lý lẽ mà Habeco đưa ra để đề nghị xem xét đề nghị truy thu thuế theo tôi chưa thuyết phục. Chúng ta có những kẻ hở về luật khiến các doanh nghiệp có thể lợi dụng để lách luật, hưởng lợi”, ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi : “Habeco vì sao mà cảm thấy hoang mang?”.

Theo bà Lan, việc doanh nghiệp nói hoang mang do không có sự nhất quán trong việc giải thích và hướng dẫn việc thực thi pháp luật và các quy định của Nhà nước chưa thật sự thỏa đáng.

“Tôi cũng không hiểu sao Habeco lại khó khăn, hoang mang như thế nào. Thực ra kiểm toán làm việc chắc chắn phải giải thích và nói rõ lý do, phân tích kỹ càng rồi. Nếu không đúng thì Habeco phải cãi lại chứ. Tại sao giờ lại hoang mang. Hoang mang cái gì? Họ đã kinh doanh bao nhiêu năm rồi, làm gì có chuyện kiểm toán đúng mà gây ra hoang mang cho doanh nghiệp được.

Không riêng gì Habeco, bất kỳ doanh nghiệp nào khi bị ngành thuế kết luận hoặc muốn truy thu thêm thuế, bao giờ họ cũng cãi không vi phạm để giảm bớt được phần nào hay phần ấy số tiền phải nộp thêm”, bà Lan nhấn mạnh.

Bộ Công thương ưu ái doanh nghiệp?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/truy-thu-habeco-920-ty-bo-cong-thuong-dung-uu-ai-3318204/