Truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại: Vẫn lo ngại chất lượng

Ngày 16/12, tại nhiều điểm gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh (smartphone). Đây là Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Sở NN-PTNT TPHCM, Chi cục Thú y TP và các tỉnh lân cận thực hiện.

Người dân TPHCM trong ngày đầu thử nghiệm truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh.

Ngạc nhiên

Mới hơn 7h sáng, không khí trước siêu thị Co.op Mart Foodcosa (Q. Gò Vấp) tưng bừng hơn mọi ngày. Bà Hoàng Thị Thanh (ngụ đường Quang Trung, Q. Gò Vấp) hào hứng: “Mới đến quầy mua thịt heo, tôi đã được nhân viên giới thiệu công nghệ “soi” thịt bằng điện thoại. Ngặt nỗi, mình không đem theo điện thoại, nhân viên đã hướng dẫn tôi sử dụng máy soi gắn trước quầy. Chỉ cần đưa hộp thịt có dán tem đến, máy sẽ hiện lên tất cả các thông tin về sản phẩm như heo nuôi ở đâu, giết ở lò mổ nào, đã qua những trạm nào rồi mới đến tay người tiêu dùng. Đây là lần đầu tiên, tôi cầm một sản phẩm tươi sống mà lại biết tường tận về đường đi đến như vậy”.

Theo phân mềm này, khi mở ứng dụng Te-food, người tiêu dùng chọn “Truy xuất ngay”, lúc này camera trên điện thoại được kích hoạt để quét mã vạch trên tem điện tử dán trên miếng thịt. Chỉ mất vài giây là phần mềm có thể truy xuất từ trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi sản xuất và nơi bán sỉ - lẻ ra miếng thịt. Ngoài ra, ứng dụng này sẽ kèm theo bản đồ các điểm phân phối thịt an toàn gần vị trí người tiêu dùng đang đứng.

Quá trưa, phóng viên báo Tiền Phong có mặt tại siêu thị SatraMart trên đường Thành Thái (Q.10), các quầy thịt heo vẫn rất đông khách. Người chưa biết thì hỏi cách cài mã để “quét” thịt, người đã cài sẵn rất thích thú “soi” từng gói thịt để kiểm tra thông tin. Chị Minh Thư (chủ một cơ sở mầm non tư thục Q.11) cho hay: “Vài ngày trước, hầu như điện thoại của chúng tôi đều được Sở Công Thương TPHCM gửi tin nhắn thông báo, ngày 16/12 này sẽ thực hiện truy suất nguồn gốc thịt heo. Chưa hiểu rõ như thế nào nên hôm nay tôi đến để thử. Hay thật! Nếu biết rõ ngọn nguồn như vậy, khi mình mua thịt về chế biến thức ăn cho trẻ sẽ rất yên tâm, bởi biết được miếng thịt này có được chăn nuôi, giết mổ ở những cơ sở uy tín”. Tuy chưa quảng cáo rầm rộ nhưng nhiều khách hàng mua thịt heo tại hệ thống siêu thị Auchan cũng ngạc nhiên khi họ có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra thịt.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cho Tiền Phong hay, trong ngày đầu triển khai, họ đã thử “soi” thịt heo tại Vissan, Co.op Mart nhưng nhiều hệ thống báo lỗi, không nhận diện được. Khách hàng tên Huân ngụ Q. Bình Tân, khi đến mua thịt ở Co.op Food tại chung cư Trương Đình Hội, nhân viên ở đây đưa ra cả bọc tem mà không dán vào sản phẩm. Khách thắc mắc, nhân viên ngập ngừng rồi bảo “chưa có máy” (?!).

Đã thực sự yên tâm chất lượng?

Theo đề án này, khi heo xuất chuồng, chủ trang trại sẽ đeo hai vòng nhận diện nguồn gốc vào hai chân heo, kích hoạt để theo dõi từ trang trại đến lò giết mổ, xẻ thịt, về chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, chợ lẻ, điểm bán. Tại những điểm bán, tiểu thương sẽ kích hoạt tem nhận diện trên mỗi miếng thịt. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng đọc mã vạch trên tem truy xuất nguồn gốc thịt heo. Những thông tin được cung cấp bao gồm tên trang trại/lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, quầy sạp nhập vào…

Quy định là thế nhưng nhiều người tỏ ra băn khoăn khi việc đeo vòng chỉ được tiến hành khi heo xuất chuồng nên chỉ truy xuất được lô heo, trại heo chứ chưa truy xuất được từng con heo. Điều này gây lo ngại rằng chất lượng heo vẫn chưa được kiểm soát, heo vẫn có thể được cho ăn chất cấm, bơm nước… Như vậy, vấn đề mấu chốt của chất lượng thịt heo an toàn vẫn chưa giải quyết được. Chưa kể, nhiều người nuôi heo quy mô vài chục con nhờ thương lái trà trộn với heo trại khác, vì thế có tem nhưng chưa chắc thịt đó “chuẩn”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khẳng định, tại các chợ đầu mối, tất cả hàng hóa đều phải có tem, niêm phong mới được cho nhập. Tương tự, tại chợ lẻ, ban quản lý chợ phải kiểm soát việc này. “Nếu trà trộn các loại thịt, tiểu thương sẽ phải sử dụng số tem cao hơn bất thường. Chúng tôi sẽ khoanh vùng, giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện sẽ công bố công khai sạp bán hàng gian dối” - ông Hòa nói.

Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM cho biết, heo khi xuất chuồng sẽ được gắn hai vòng nhận diện có khắc mã số QR code bằng tia laser vào hai chân sau. Mã trên vòng nhận diện khi được kích hoạt sẽ chứa các thông tin về trang trại nuôi heo. Vòng nhận diện có giá trị kích hoạt trong vòng 24 - 48 giờ, không có khả năng sử dụng lại trong trường hợp tháo ra lắp lại.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo chỉ mới được áp dụng tại mạng lưới bán hàng của hệ thống phân phối hiện đại, gồm: Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeoncitimart, Queenland. Sau đó tiếp tục triển khai tại Sagrifood, Big C, Lotte, Aoen VN và C.P.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/truy-xuat-nguon-goc-thit-heo-qua-dien-thoai-van-lo-ngai-chat-luong-1084870.tpo