Truyền hình đã thay đổi thế giới thế nào?

Hơn 8 thập niên qua, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh, truyền hình vẫn tác động đến người xem trên toàn thế giới. Đến nay cuộc tranh luận về tương lai của truyền hình chưa có hồi kết, nhưng thực tế không thể phủ nhận là đã có không ít sự kiện truyền hình làm thay đổi thế giới...

Tivi màu ra đời

Năm 1924, nhà khoa học người Anh Bellde đã thành công trong thí nghiệm truyền và tiếp nhận hình ảnh, khiến cho hình ảnh có thể truyền đi với khoảng cách xa, mở màn cho những chiếc tivi sử dụng vệ tinh sau này. Lúc đó, chiếc tivi mà ông chế tạo ra chỉ có hai màu đen trắng và hình ảnh rất mờ, nên công nghệ tivi màu đã ngay lập tức được nghiên cứu, nhưng đến thập niên 1940 thì chúng mới chính thức được phổ biến.

Tuy nhiên, do tivi màu chưa hoàn thiện về công nghệ nên phần đông khán giả Mỹ vẫn sử dụng tivi trắng đen. Cho đến năm 1954, khi Hãng Walt Disney tung ra chương trình tạp kỹ Wonderful world of color (Thế giới sắc màu tuyệt vời) dài 34 phần gồm phim hoạt hình, phim tâm lý - xã hội, phóng sự, phim ngắn... đã lập tức khiến khán giả bị thuyết phục hoàn toàn. Và dĩ nhiên, họ đổ xô đi đổi tivi màu, chính thức mở ra kỷ nguyên giải trí mới cho người tiêu dùng.

Cải thiện hệ thống phản ứng trước thiên tai

Trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra dưới lòng đại dương ngày 26/12/2004 đã tạo nên đợt sóng thần khổng lồ ập vào Indonesia, khiến khoảng 280 ngàn người thiệt mạng. Ngay lập tức hàng trăm đài truyền hình trên khắp thế giới đã đưa tin về trận sóng thần này và hậu quả của nó được sự cập nhật liên tục bằng hình ảnh.

Những khung cảnh tan hoang, những gương mặt nạn nhân bàng hoàng, đau đớn... đã chạm tới trái tim của cả tỷ khán giả. Chỉ trong ít ngày, các tổ chức từ thiện liên tục nhận được đóng góp và đề nghị giúp đỡ. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao giải trí đã phát động hay tham gia chiến dịch gây quỹ hỗ trợ cho các nạn nhân.

Và cũng từ đó, truyền hình đã thúc đẩy hệ thống phản ứng với thiên tai toàn cầu, dự báo và khắc phục hậu quả bằng cách đưa tin tức kịp thời.

Quảng cáo trên truyền hình

Ngày 1/7/1941 khi bật tivi để đón xem trận bóng chày giữa hai đội Brooklyn Dodgerds và Philadelphie Phillies, khán giả Mỹ không biết rằng họ sắp trở thành “nhân chứng” cho một cột mốc mới trong lịch sử truyền hình. Đó là khi chiếc đồng hồ Bullova xuất hiện khoảng 20 giây trên màn ảnh nhỏ kèm theo khẩu hiệu “Thế giới vận hành theo giờ của Bullova”.

Để có 20 giây ngắn ngủi này, hãng đồng hồ phải trả 9 USD - quá rẻ so với hàng triệu USD để giành được 30 giây quảng cáo trong giờ vàng của nhiều chương trình truyền hình có rating khán giả “khủng” hiện nay.

Và bản thân quảng cáo tivi đã trở thành một ngành công nghiệp có sức ảnh hưởng không thua gì các chương trình truyền hình. Khán giả ngày nay không xa lạ với hình thức quảng cáo trên tivi, mặc nhiên cho đấy là một phần không thế thiếu. Quảng cáo truyền hình không chỉ thay đổi cách khán giả mua sắm mà còn thay đổi cả cách sản xuất chương trình.

Truyền hình thực tế "soán ngôi"

Ngày nay truyền hình thực tế rất phổ biến và được ưa thích đến nỗi lôi kéo hàng ngàn kênh truyền hình, công ty giải trí, công ty truyền thông vào cuộc. Nhưng vào cuối thập niên 1980 thì ý tưởng về một chương trình truyền hình không kịch bản, không ngôi sao... về cảnh sát của Barbour - Langley Production bị xem là “điên rồ”.

Năm 1988, Fox Broadcasting nhìn thấy tiềm năng của ý tưởng trên đã đồng ý đưa vào sản xuất. Với tên COPS, chương trình khai thác khía cạnh công vụ ly kỳ của các cảnh sát bằng người thật việc thật và được quay bằng máy xách tay, đồng thời lồng ghép những đoạn phỏng vấn nhân vật.

Không ngờ, COPS đã rất nhanh đánh bại các chương trình phát sóng cùng giờ và tồn tại đến tận năm 2011 với hơn 2000 tập. Chương trình đẩy FOX thành kênh truyền hình “ăn khách” nhất thế giới, và tạo ra loại hình giải trí mới lạ và hấp dẫn mà nay gọi là truyền hình thực tế.

> 50 thương hiệu thay đổi thế giới

> 5 ý tưởng làm thay đổi thế giới công nghệ

> Cuộc cách mạng trong trang trí xe hơi

NGUYÊN BẢO

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/su-kien-van-hoa/truyen-hinh-da-thay-doi-the-gioi-the-nao/1098457/