Truyện ma kinh dị: Tràn ngập từ nhà sách đến vỉa hè

PN - Cùng với những phim ma chiếu rạp; các vở kịch ma trên sân khấu cũng nở rộ, thu hút nhiều người xem, gần đây, từ các nhà sách đến chiếu sách vỉa hè ở TP.HCM cũng xuất hiện nhiều bộ truyện ma kinh dị, mang tính giật gân câu khách.

Nhà sách nào cũng có "ma" Đến các nhà sách lớn, nhỏ ở TP.HCM, người đọc có thể dễ dàng bắt gặp đủ loại sách viết về chuyện ma kinh dị nhảm nhí; thậm chí có những nhà sách còn bố trí hẳn một khu vực riêng để trưng bày loại sách này cho khách dễ... mua. Đó là chưa kể các "chiếu sách" di động ở vỉa hè, là môi trường rất thuận lợi cho các loại sách đen tha hồ tung hoành. Tại siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ (đường Nguyễn Văn Cừ, Q.1), chúng tôi chứng kiến rất nhiều học sinh, sinh viên, thậm chí các em nhỏ khoảng sáu - tám tuổi chen nhau tìm một chỗ đứng để chọn những tựa sách ma tại quầy "chuyên đề". Để tránh độc giả đọc "chùa", nhà sách này còn dán hẳn một thông báo "sách truyện ma để tham khảo, xin không đọc tại chỗ". Rất nhiều độc giả nhỏ tuổi hiện đang dành thời gian cho các sách về đề tài ma, kinh dị... Điểm qua các sách ở đây, chúng tôi đếm được khoảng trên dưới 100 tựa sách với đặc điểm chung: trên bìa là những hình ảnh rùng rợn, huyền bí, những con ma tóc dài có khuôn mặt quái đản, nhe nanh, máu me bê bết và những cái tựa... toát mồ hôi: Khu rừng ma, Ánh lửa ma, Cây xương rồng trong nghĩa địa, Đêm trong nghĩa địa, Người về từ đáy mộ, Người trong quan tài, Trở về từ kiếp sau... Xen lẫn những tựa sách "ma nội" còn có những tựa "ma ngoại" như ma cà rồng hút máu. Hầu hết các loại sách này in giấy chất lượng xấu, đóng xén cẩu thả và có giá rất mềm, chỉ trên dưới 20.000đ/quyển. Sách văn học? Loại sách này xuất hiện trên thị trường khoảng năm 2007, ban đầu chỉ có NXB Thanh Hóa xuất bản với khoảng trên 20 đầu sách dưới chủ đề truyện kinh dị chọn lọc, tuyển tập "ma nữ đa tình". Thấy loại sách này "hốt bạc", có ít nhất ba NXB: NXB Lao Động, NXB Thanh Niên và NXB Đà Nẵng đã nhảy vào, chen chân với số lượng lên đến hàng trăm tựa, núp dưới danh nghĩa sách văn học. Xem qua đề dẫn của những quyển sách này thì rất "nhẹ nhàng": những truyện (ma, kinh dị) trong quyển sách này là do quá trình sưu tầm, hay "đó là những câu chuyện hoàn toàn hư cấu... với mục đích mong mọi người sống thiện, sống đúng đạo lý, đừng bao giờ hại đến ai". Có NXB còn ngụy biện "không có chủ trương tuyên truyền mê tín dị đoan. Đây là tác phẩm văn học hư cấu trong không gian huyền ảo với mục đích mang đến cho bạn đọc giá trị nghệ thuật cũng như giá trị giáo dục"... Tuy nhiên, nếu những ai từng đọc qua những quyển sách này có thể sẽ bị ám ảnh bởi những câu chuyện quỷ nhập, đi đêm gặp ma, xác chết không đầu và những trò mê tín dị đoan như gọi hồn, làm phép, yểm bùa trừ ma quỷ... Để câu khách hơn, trong một số truyện còn khai thác cả chuyện phòng the, chuyện dung tục... trái thuần phong mỹ tục. Thời gian gần đây, cùng với tình trạng "buôn thần bán thánh", sách bói toán mê tín dị đoan cũng đang có chiều hướng gia tăng, cùng với loại sách ma quái, kinh dị, thần bí... này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ, bởi đối tượng đọc nó đa số là học sinh, sinh viên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cục Xuất bản chỉ chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản những truyện kinh dị xưa cũ, có tính chất dân gian, mang nội dung nhẹ nhàng. Việc cấp phép cũng chỉ hạn chế ở một số NXB, nếu như các NXB không thực hiện theo nội dung đó mà biến tướng thành sách mê tín dị đoan là sai. Nguyên tắc là thế, nhưng rõ ràng trên thực tế, việc quản lý đang bị buông lỏng, sách xấu mới có cơ hội tràn ngập trên thị trường, ai cũng thấy, sao những người có trách nhiệm lại không thấy? An Linh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2009/Pages/truyen-ma-kinh-di-tran-ngap-tu-nha-sach-den-via-he.aspx