TS Nguyễn Tác An nói gì về tin không nhận chìm bùn, cát

TS Nguyễn Tác An, người theo sát và lên tiếng phản biện mạnh mẽ về dự án nhận chìm gần 1 triệu khối bùn cát nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, nói gì trước việc Bộ TN&MT chọn phương án khác? Xem thêm: 3 vấn đề cốt lõi của vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 9-8, nguồn tin cho biết Bộ TN&MT đã thống nhất phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất, toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

TS Nguyễn Tác An. Ảnh: LÊ XUÂN

Về thông tin này, chiều 9-8, TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, người đã có tiếng nói phản biện mạnh mẽ đối với dự án nhận chìm này, cho biết:

“Tôi rất hoan nghênh phương án mà tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT đã thống nhất trong xử lý gần 1 triệu m3 bùn, cát thải từ nạo vét. Tôi rất mừng vì trước mắt Khu bảo tồn biển Hòn Cau tránh được nguy cơ xâm hại - điều mà nhiều tháng nay xã hội, các nhà khoa học hết sức lo ngại. Tôi cũng rất mừng vì lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT đã có sự thay đổi quan điểm quan trọng, đó là chủ trương xem chất nạo vét như một dạng tài nguyên để có những giải pháp hợp lý, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường. Khi đó, cần nghiên cứu sử dụng dạng tài nguyên này phục vụ cho chính sự phát triển của tỉnh".

Theo TS Nguyễn Tác An, việc sử dụng chất nạo vét đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể xem là phương án hợp lý hơn cả hiện nay với nhiều góc độ khác nhau. Với lượng bùn, cát này cũng chưa đủ đất để lấp lấn ở khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Ở nhiều nước khác, họ dùng chất nạo vét để tạo ra mặt bằng mới với chi phí không cao.

"Qua theo dõi, tôi biết tỉnh Bình Thuận còn cần rất nhiều loại bùn, cát này để tạo mặt bằng mới cũng như chống xói lở. Điều này có thể mở ra hướng giải quyết cho 4-5 triệu m3 bùn, cát nạo vét sau này của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân" - TS An nói.

Tuy nhiên, theo TS An, tạo mặt bằng ở biển đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao. Do đó, cần có trình độ chuyên môn cao và cả có tâm mới làm được. TS An cho rằng doanh nghiệp bao giờ cũng lấy lợi nhuận làm đầu nên tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT phải kiểm soát, giám sát hết sức nghiêm túc, chặt chẽ việc này. Cán bộ giám sát phải có trình độ kỹ thuật và cái tâm mới đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác hại.

"Phương án này có thể xem là ít thiệt hại nhất cho môi trường chứ không phải là không có, nhưng thiệt hại là chấp nhận được. Do đó, các cơ quan chức năng nên tăng cường trách nhiệm, khả năng chuyên môn để làm tốt chức năng kiểm soát, giám sát trong thực tiễn triển khai thì xã hội, cư dân địa phương sẵn sàng hợp tác, ủng hộ vì ai cũng muốn đất nước mình, địa phương mình hưng thịnh, phát triển" - TS An nhấn mạnh.

TS An cũng lưu ý thêm: "Tôi cho rằng việc xử lý chất nạo vét chỉ là một trong nhiều vấn đề về môi trường của điện than Vĩnh Tân. Một lo ngại khác của tôi hiện nay là quá trình nạo vét ở khu vực dự án này. Nếu kiểm soát, giám sát tốt thì không sao, còn nếu không việc nạo vét sẽ xới lên cả một vùng biển, ảnh hưởng đến các nguồn lợi thủy sản xung quanh".

Biết lắng nghe thì sẽ được đồng tình

Tôi rất ủng hộ chủ trương của tỉnh Bình Thuận. Việc Bộ TN&MT thống nhất với đề xuất của tỉnh Bình Thuận cho thấy Bộ đã lắng nghe, tiếp nhận, xử lý đối với phản biện, phản ứng của các nhà khoa học, dư luận xã hội, báo chí.

Khi các cơ quan quản lý nhà nước biết lắng nghe dư luận xã hội thì sẽ nhận được sự đồng tình của xã hội. Khi các cơ quan chức năng tiếp nhận phản biện, bao giờ cũng sẽ có giải pháp tốt hơn.

Tôi cho rằng tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT đã tìm được giải pháp tốt, ít nhất là với thời điểm hiện nay. Đó là hạn chế tác hại đến môi trường, nhất là với vùng biển Bình Thuận nói chung, Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng.

Ông PHẠM VĂN CHI, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

TẤN LỘC

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/ts-nguyen-tac-an-noi-gi-ve-tin-khong-nhan-chim-bun-cat-720375.html