Ts. Võ Trí Thành: 3 lý do doanh nghiệp Việt chưa lớn và kỳ vọng 'cú hích' TPP

Giữa những thay đổi của thời đại, doanh nghiệp Việt Nam lại "không lớn lên được". Những nối lo về việc DN Việt không bắt nhịp được quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, không tận dụng cơ hội từ TPP được Ts. Thành nhắc tới trước thềm hội nhập cận kề.

Tại Diễn đàn Hiệp định TPP – Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 1/3/2016, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã chỉ ra sự thay đổi của Việt Nam trong 25 năm qua và nhận định sự thay đổi đấy sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng dưới sự tác động của các FTA và đặc biệt là TPP.

Thế nhưng, TS. Võ Trí Thành cũng chỉ ra một thực trạng: các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không lớn lên được và có xu hướng cá thể hóa, li ti hóa. Ba lý do chính đã được TS. Võ Trí Thành chỉ ra, đồng thời cũng là ba hàm ý chính sách cho doanh nghiệp đối với việc tận dụng hội nhập để lớn lên.

25 năm: “lột xác” từ công nghiệp hóa – hiện đại hóa

Từ năm 1989 đến nay Việt Nam đã thực sự thay đổi. “Cái thay đổi không phải là thu nhập.”, TS. Võ Trí Thành nhận định. Khi nhìn hiện đại hóa, công nghiệp hóa sẽ thấy 3 thay đổi. Đó là việc nền kinh tế hoàn toàn dựa vào nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; từ một nền kinh tế khép kín chuyển sang “chơi” với tất cả không trừ một ai; từ nền kinh tế dựa chủ yếu vào kinh tế Nhà nước sang dựa chủ yếu hơn vào doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực FDI.

Nhưng câu chuyện hiện đại hóa, công nghiệp hóa tại Việt Nam hiện không chỉ là việc mức độ can thiệp của Nhà nước như thế nào. Với các Hiệp định và tự do hóa hiện nay, không gian chính sách thu hẹp nên vấn đề lớn hơn lại là cách thức sống và sản xuất kinh doanh thay đổi.

TS. Võ Trí Thành chỉ ra rằng chúng ta dù có yêu hay ghét thì thế giới vẫn bị chi phối bởi hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia. Dù ta có phê phán hay nhìn với ánh mắt thiện cảm vẫn phải bắt tay với họ. "Cái bắt tay chưa chắc mang lại thành công nhưng không bắt tay chắc chán không thành công.”, Ts. Thành nhận định.

Ông Thành cũng chỉ ra những thay đổi khác như nhu cầu của cuộc sống hiện đòi hỏi sản phẩm xanh, sạch hơn, công nghệ cũng đang thay đổi từng ngày. IT khiến năng suất tốt hơn, quản trị tốt hơn, thông minh hơn. TS. Võ Trí Thành đưa ra những ví dụ như công nghệ in 3D và tự động hóa,... Rõ ràng thành tựu này có thể khiến lao động giá rẻ không còn phải là lợi thế của một số ngành trong 15 – 20 năm nữa.

Các FTA mà đặc biệt là TPP cũng sẽ là nhân tố khiến Việt Nam tiếp tục thay đổi. Theo TS. Võ Trí Thành, các hiệp định sẽ tạo ra sự dịch chuyển và cơ hội vô cùng lớn, chưa từng có để cải tổ và thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Đồng thời, TPP cùng với EVFTA là hai hiệp định đòi hỏi cao nhất về chất lượng, nhưng cũng là 2 hiệp định tốt nhất đối với mạng sản xuất và chuỗi giá trị, gắn với nó là công nghệ, tiêu chuẩn mới. Cơ hội lớn là vậy nhưng liệu Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội mà TPP và các FTA mang lại hay không? Câu hỏi bỏ ngỏ được Ts.Thành đưa ra tại diễn đàn.

Doanh nghiệp Việt chậm lớn, vì sao?

Giữa những thay đổi của thời đại, TS. Võ Trí Thành chỉ ra một thực trạng không khó để nhận thấy hiện nay. Đó là câu chuyện về các doanh nghiệp Việt Nam "không lớn lên được" và xu hướng cá thể hóa, li ti hóa không bắt nhịp được quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Theo TS. Thành, các nghiên cứu hiện nay chỉ ra 3 lý do khiến doanh nghiệp Việt không lớn lên được về quy mô lẫn năng lực.

Thứ nhất, TS. Võ Trí Thành dẫn ra ba vấn đề mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp phải mà Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra. Đó là vấn đề về quyền tài sản, có thể nhìn thấy ngay trong việc thực hiện xử lý nợ xấu. Cùng với đó là vấn đề về cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và thực trạng khó tiếp cận công nghệ, vốn, đất đai cũng là vấn đề đối với các doanh nghiệp.

Lý do thứ hai mà TS. Võ Trí Thành đưa ra chính là khả năng kết nối và học hỏi. “Rất buồn báo chí có cái nhìn “đối địch” với FDI.”, Ts. Thành cho hay. Theo ông, cạnh tranh là có, chiến đấu là có nhưng chúng ta dù yêu hay ghét thì vẫn phải bắt tay học hỏi và kết nối vì đây là mạng,chuỗi, công nghệ và tiêu chuẩn mới.

Ts. Võ Trí Thành dẫn lời một đại gia Hàn Quốc nói với các doanh nghiệp Việt Nam :”Các bạn hãy mời các Tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) vào, cạnh tranh với các TNCs và để có thể chiến thắng các TNCs.”

Ts. Thành cũng chỉ ra ví dụ về các nền kinh tế có tỷ trọng FDI lớn nhất thế giới là Singapore hay Dubai. “Người dân Singapore rất sướng và nước Singapore rất độc lập, tự chủ về kinh tế. Kinh tế Dubai cũng rất phát triển”.

Môi trường kinh doanh là lý do cuối cùng được Ts. Thành đưa ra. Chi phí giao dịch và các loại thuế, phí của Việt Nam rất lớn ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khi tham gia Hiệp định TPP, mặc dù chi phí tuân thủ lớn nhưng nhìn về dài hạn sẽ tạo ra môi trường minh bạch, tốt và giảm chi phí cho doanh nghiêp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ba nguyên nhân trên theo Ts. Thành cũng chính là các hàm ý chính sách cho doanh nghiệp đối với việc tận dụng hội nhập để lớn lên, cải thiện thực trạng "chậm lớn" của mình. Tham gia vào một hiệp định đòi hỏi cao như TPP, doanh nghiệp Việt sẽ có cú hích để tự phát triển mình, vượt qua những cản trở "dìm" các doanh nghiệp "không chịu lớn" thời gian qua.

Ts. Thành cũng để lại thông điệp tới các doanh nghiệp "Khó khăn thách thức là vô cùng lớn nhưng phải tự tin. Nếu chưa "chơi" trong đầu đã không tự tin thì chắc chắn sẽ thua. Và tự tin ở đây phải có cơ sở dựa trên những lợi thế so sánh riêng có".

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ts-vo-tri-thanh-3-ly-do-doanh-nghiep-viet-chua-lon-va-ky-vong-cu-hich-tpp-20160301051032613p4c147.news