TT Putin và nghệ thuật quan hệ với hai đối thủ "không đội trời chung"

Dù rất khó khăn nhưng Nga có khả năng duy trì mối quan hệ mật thiết với cả Ấn Độ và Pakistan. Đây hẳn là nghệ thuật đỉnh cao trong quan hệ bang giao quốc tế của Nga, bởi Ấn Độ và Pakistan được ví là "không đội trời chung".

"Gấu Nga" cùng lúc chơi với "hai con hổ Nam Á"

Vào ngày 13/8 vừa qua, một quan chức cấp cao Nga thông báo, Moscow sẽ chủ trì cuộc tập trận quân sự toàn diện với Ấn Độ từ ngày 19 đến 29/10 tới.

Thông tin này lập tức khiến giới quan sát quân sự thế giới chú ý, bởi đây là lần đầu tiên quân đội Nga đồng thời tập trận cùng cả hải quân, lục quân và không quân Ấn Độ.

Quyết định về cuộc tập trận của Nga cũng gây chú ý, bởi nó được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Pakistan đàm phán với Nga về việc mua chiến đấu cơ S-35 của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quyết định đồng thời hợp tác với cả Ấn Độ và Pakistan là một ví dụ thuyết phục cho thấy sự tài tình của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Moscow trong chiến lược cân bằng ở Nam Á.

Bởi Pakistan và Ấn Độ từ nhiều thập kỷ qua được coi là những đối thủ “không đội trời chung” do những vấn đề tranh chấp lãnh thổ và xung đột tôn giáo.

Khả năng duy trì quan hệ mật thiết với cả hai quốc gia này đặc biệt có lợi với Moscow, giúp Nga thực hiện tham vọng địa chính trị.

Chiến lược cân bằng thành công của Moscow ở Nam Á đã nêu bật vị thế siêu cường của Nga trong bản đồ chính trị thế giới.

Nó cho thấy Nga có thể trực tiếp “đấu trí” với Mỹ và Trung Quốc, tranh giành sự ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chiến lược này của điện Kremlin cũng là dấu hiệu cho thấy, New Delhi và Islamabad ủng hộ những nỗ lực của Moscow trong việc ngăn chặn tình hình bất ổn ở Trung Á và Afghanistan.

Quan hệ đối tác của Nga với Ấn Độ và Pakistan đã được duy trì liên tục bởi nỗ lực của Moscow trong việc giải quyết với cả hai thách thức an ninh mà cả New Delhi và Islamabad đều quan tâm.

Tổng thống Putin và cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Vấn đề an ninh đầu tiên mà Nga nhấn mạnh trong những nỗ lực hàn gắn quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Pakistan là việc chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Các nhà chính trị Ấn Độ luôn cho rằng, việc Pakistan tài trợ chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa chính đối với ổn định khu vực.

Trong khi đó, truyền thông Pakistan tố ngược lại rằng chính chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang lên của Ấn Độ mới là tác nhân gây ra sự bất ổn ở khu vực.

Đứng trước thực tế đó, Nga “hòa giải” bằng cách từ chối đổ lỗi cho cả hai quốc gia về những nguy cơ khủng bố gia tăng ở Nam Á.

Thay vì đi theo cách tiếp cận “đổ lỗi” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga đối phó với nguy cơ khủng bố ở Nam Á bằng cách khéo léo buộc cả Chính phủ Ấn Độ và Pakistan tự gắn mình vào những lĩnh vực mà họ có thể đưa ra những giải pháp mang tính chất xây dựng trong cuộc chiến này.

Với Ấn Độ, Nga khiến New Delhi tập trung vào việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuyên biên giới đối với dòng chảy của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Nhằm thuyết phục Chính phủ Ấn Độ về cam kết của Moscow trong việc trấn áp những thế lực hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống Putin đã ủng hộ cuộc truy quét chống khủng bố ở Kashmir sau vụ tấn công năm 2016 ở Uri.

Đồng thời, Tổng thống Nga cũng công khai khen ngợi chính sách chống khủng bố của New Delhi trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ vào hồi tháng Sáu.

Dù việc ủng hộ chính sách của Ấn Độ có thể làm tổn thương quan hệ song phương với Pakistan, nhưng Moscow vẫn tìm được cách hóa giải. Nga coi trọng vai trò thiết yếu của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.

Giới chức Nga từng nhấn mạnh: Phát ngôn thiếu thiện chí của chính quyền Donald Trump với Pakistan có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.

Trong khi đó, Moscow tạo điều kiện cho Pakistan có chỗ đứng ngoại giao đặc biệt trong các cuộc đàm phán hòa bình mà Nga chủ trì về khủng hoảng Afghanistan.

Những hành động của Nga khiến Pakistan cảm thấy họ được đối xử công bằng ở Nam Á và vì vậy không có lý do gì khiến họ cản trở những nỗ lực hiện diện ngoại giao của Nga ở Afghanistan.

Vấn đề an ninh thứ hai làm nền tảng cho chính sách cân bằng Nam Á của Nga là hòa giải căng thẳng biên giới Ấn Độ - Pakistan.

Tranh chấp đã đặc biệt leo thang trong năm 2016. Giống như với vấn đề chống khủng bố, Nga tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận không can thiệp với xung đột Kashmir.

Moscow từ chối sử dụng vị thế của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để lên án bất kỳ bên nào trong tranh chấp.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng thống Nga.

 Sự tài tình của ông Putin

Tuy nhiên, chính sách không can thiệp của Nga khiến một số chuyên gia tin rằng Moscow đang ngầm thể hiện thái độ ủng hộ Ấn Độ.

Bằng chứng là khi Pakistan “tố” với Liên Hợp Quốc việc Ấn Độ tấn công quân sự nhằm vào khu vực Kashmir, Nga vẫn giữ thái độ trung lập, khẳng định Moscow là một bên hòa giải tiềm năng trong cuộc khủng hoảng này.

Khả năng Nga đứng ra làm hòa giải cho xung đột Kashmir xuất phát từ cuộc đàm phán song phương thành công giữa ông Putin và cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi tháng Sáu.

Dù Pakistan tỏ ra hào hứng với vai trò hòa giải của Nga hơn so với Ấn Độ, nhưng ưu tiên của Moscow là cuộc đối thoại trực tiếp giữa New Delhi và Islamabad.

Nhìn chung, Nga đã lợi dụng mục tiêu chung chống chủ nghĩa khủng bố và vấn đề căng thẳng biên giới để cân bằng hiệu quả chiến lược của Moscow ở khu vực Nam Á.

Nếu tiếp tục theo đà thành công ấy, Nga có thể tiếp cận với những thị trường mới để buôn bán vũ khí và các thiết bị quân sự cũng như gia cố địa vị siêu cường của Nga trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Moscow sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà không ngại ngần sự thể hiện của Trung Quốc hay Mỹ ở khu vực này.

D.T

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tt-putin-va-nghe-thuat-quan-he-voi-hai-doi-thu-khong-doi-troi-chung-a339078.html