TT Trump sẽ sử dụng cơ quan tình báo đặc biệt thay thế CIA?

Cục Tình báo Địa không gian Quốc gia (NGA) vốn được ít người biết đến có thể sẽ sớm "đổi đời", trở thành công cụ đắc lực của Tổng thống Trump.

Trong một căn cứ quân sự được bảo vệ kỹ lưỡng cách 15 dặm về phía Nam Washington DC, có một trụ sở tình báo, gián điệp lớn nhưng hiếm người biết đến.

Ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama sau 5 tháng bước vào công việc mới ở Nhà Trắng, cũng không nghe tên hay biết về sự tồn tại của cơ quan này.

NGA - cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia không được biết đến bằng CIA hay NSA.

Trong lúc bắt tay một vị khách tại nhà hàng hamburger Five Guys ở Washington vào tháng 5 năm 2009, ông Obama đã hỏi người khách về công việc của họ. "Bạn làm gì vậy?", Tổng thống hỏi. "Tôi làm việc tại NGA, cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia", người đàn ông trước mặt tổng thống trả lời.

Ông Obama dường như chết lặng khi đó. "Hãy giải thích cho tôi chính xác về cái gọi là địa không gian quốc gia ...?", ông hỏi lại như thể không thể nhớ nổi cái tên mình vừa nghe thấy.

Tám năm sau, khi cuốn băng video về cuộc đối thoại trên phát sóng, NGA vẫn là thành viên ít được biết đến nhất trong nhóm các cơ quan gián điệp Big Five, mà trong đó bao gồm các cơ quan nổi tiếng như CIA hay cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Mặc dù danh tiếng chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp, trên thực tế trụ sở của NGA là tòa nhà lớn thứ ba trong khu vực trung tâm Washington, lớn hơn cả trụ sở CIA và The Capitol (tòa nhà Quốc hội) của Mỹ.

Hoàn thành vào năm 2011 với chi phí 1,4 tỷ USD, tòa nhà chính của NGA có diện tích bằng bốn sân bóng đá và bằng sảnh chứa của hai tàu sân bay. Năm 2016, cơ quan này mua 99 hecta đất ở St. Louis để xây thêm các tòa nhà mới, với chi phí lên tới 1,75 tỷ USD, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của lực lượng nhân sự đang lên tới 3.000 nhân viên.

Theo nhà bình luận về chính sách đối ngoại James Bamford, chức năng chính của cơ quan này là phân tích hàng tỷ hình ảnh và các video được ghi lại bằng các thiết bị không người lái ở Trung Đông và vệ tinh do thám bay vòng quanh thế giới. Được biết, cơ quan này có những thiết bị ghi hình có độ phân giải cực cao.

Tuy nhiên, không giống như hai người anh em nổi tiếng CIA và NSA, NGA vốn hoạt động ở nước ngoài và chưa bao giờ dính líu đến các vụ scandal về theo dõi hay giám sát trong nước. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng, điều này sẽ thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump, theo Foreign Policy.

Không tin tưởng CIA, Tổng thống Trump sẽ trọng dụng NGA?

Tổng thống Trump từ lâu đã không tin tưởng vào CIA.

Trong suốt chiến dịch tranh cử và những tháng đầu tiên làm tổng thống, ông Trump đã đẩy mạnh các biện pháp hạn chế hoạt động đối với các cơ quan tình báo. Đổi lại, ông chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng và mạnh tay hơn với pháp luật, trật tự công cộng.

Với chính sách mới mang trọng tâm là các vấn an ninh trong nước, giới quan sát cho rằng, chính quyền Trump sẽ sử dụng mọi công cụ có sẵn để thiết lập và duy trì "thiết quân luật", bao gồm cả việc giám sát trên không mà NGA sẽ là cơ quan trợ giúp đắc lực.

Hoạt động giám sát người dân từ trên cao, bằng các thiết bị không người lái hay vệ tinh vẫn là điều gây tranh cãi ở Mỹ về vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy chính quyền đã nhiều lần sử dụng các công cụ này cho mục đích nhất định.

Vào tháng 3/2016, Lầu Năm Góc phát hành kết quả của một cuộc điều tra được khởi xướng bởi văn phòng Tổng Thanh tra trực thuộc bộ Quốc phòng về các hoạt động tình báo bằng thiết bị không người lái trong nước.

Báo cáo tiết lộ, Lầu Năm Góc đã sử dụng máy bay không người lái - không mang vũ trang - trên đất Mỹ khoảng 20 lần trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2015. (Mặc dù báo cáo không xác định bản chất của các nhiệm vụ, tuy nhiên tài liệu của Lầu năm góc liệt kê 11 hoạt động mà các thiết bị này tiến hành, chủ yếu liên quan đến thiên tai, tìm kiếm và cứu hộ, huấn luyện Vệ binh Quốc gia.)

Cuộc điều tra cũng trích dẫn những ý kiến quan ngại rằng, công nghệ được thiết kế nhằm phát hiện kẻ thù ở nước ngoài có thể sớm bị đảo ngược trở thành công cụ theo dõi công dân trong nước.

Mặc dù bản báo cáo nói rằng tất cả các nhiệm vụ được thực hiện nói trên đều tuân thủ luật pháp, nhưng có một ghi chú thêm vào cho biết vào năm 2015, không có quy định tiêu chuẩn của liên bang trong việc quản lý hoạt động UAS (thiết bị bay không người lái) được các cơ quan dân sự trong nước đưa ra. Tức là, các hoạt động do thám của bộ Quốc phòng có thể tùy ý hoạt động mà không có sự giám sát của bất kỳ ai.

Vào năm 2016, ít người biết rằng quan chức ở Baltimore đã bắt đầu cho phép tiến hành giám sát trên không bằng một hệ thống vốn được phát triển để phúc vụ cho hoạt động quân sự ở Iraq.

Người dân có thể biết về điều này nhưng không phải ai cũng nắm rõ về mức độ khả năng của các thiết bị giám sát trên không tối tân đến mức nào

Trong số thiết bị được sử dụng có sự hiện diện của ARGUS-IS - máy ảnh hiện đại nhất thế giới với độ phân giải lên tới 1,8 gigapixel. Hoạt động giám sát của thiết bị này sẽ không thể nhìn thấy bằng mắt thường khi nó đang bay ở độ cao 6,4 km trên không.

ARGUS-IS là camera có độ phân giải lên tới 1,8 gigapixel.

ARGUS-IS sử dụng một công nghệ gọi là "quan sát liên tục", áp dụng với tất cả mọi vật thể đang chuyển động - tương đương với hiệu quả của 100 chiếc Predator nhìn chăm chú xuống thành phố cùng một lúc.

Với khả năng bao quát diện tích từ 17 đến 24 km vuông, chỉ cần hai thiết bị bay lơ lửng trên khu vực dân cư đông đúc Manhattan là đủ để liên tục quan sát và theo dõi tất cả các hoạt động ngoài trời của con người cả ngày lẫn đêm.

Ngoài ra, máy ảnh này có thể phóng to hình ảnh vật thể nhỏ như một miếng bơ trên đĩa và lưu trữ với dung lượng lên tới 1 triệu terabytes dữ liệu mỗi ngày.

Khả năng đó sẽ cho phép các nhà phân tích thu thập, quan sát và so sánh hình ảnh theo thời gian từng ngày, từng tuần hoặc thậm chí là từng tháng liên tiếp. Công nghệ hiện đại cũng cho phép các máy bay không người lái có thể hoạt động không ngừng nghỉ cả năm chỉ trong một địa điểm.

Trong năm 2007, bộ An ninh Nội địa Mỹ dưới nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush đã thành lập một cơ quan chỉ đạo các cuộc thăm dò vệ tinh trong nước với cái tên khá nhạt nhẽo: Văn phòng Ứng dụng Quốc gia. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không mặn mà với việc cung cấp ngân sách hoạt động và đến năm 2009, chương trình này đã bị Chính quyền Obama đình chỉ.

Theo Foreign Policy, dưới thời Tổng thống Trump, hoạt động của NGA có thể được hồi sinh và tận dụng năng lực nhiều hơn cho các mục đích của Chính quyền.

Tổng thống Trump có thể sử dụng các thiết bị giám sát trên không để theo dõi các mục tiêu bị tình nghi là khủng bố. Ngoài ra, các thiết bị không người lái có thể trợ giúp cho chính quyền quản lý và bắt giữ những người di dân bất hợp pháp vào nước Mỹ.

Dĩ nhiên, cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia sẽ cần có thêm các quyết định mở rộng thẩm quyền trong việc giám sát và phân tích hình ảnh trong nước.

Điều này được cho là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi cũng giống như ông Obama, sau vài tháng cầm quyền, Tổng thống Trump cũng sẽ sớm phát hiện ra rằng mình có một cơ quan đặc trách hiện đại như vậy.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tt-trump-se-su-dung-co-quan-tinh-bao-dac-biet-thay-the-cia-a319365.html