TTCK Mỹ: P/E đang giảm

(ĐTCK-online) Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của TTCK Mỹ đang giảm và chưa dừng lại, cho thấy giá cổ phiếu đang rẻ, nhưng cũng cho thấy NĐT đang lo lắng vào tương lai tăng trưởng lợi nhuận công ty.

Chỉ số P/E (price to earnings ratio) đo lường số tiền mà NĐT đang trả cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của một công ty. Thông thường, các công ty có tăng trưởng lợi nhuận cao thì sẽ có giá cổ phiếu cao và chỉ số P/E cao hơn những công ty khác. Tuy nhiên, trong khi các công ty Mỹ công bố lợi nhuận rất tốt trong quý II/2010, vượt xa dự báo trung bình khoảng 10%, thì TTCK Mỹ lại giảm hơn 5% trong tháng 8. Chỉ số P/E giảm khoảng 36% trong năm qua, mức giảm mạnh nhất trong 12 tháng kể từ năm 2003. Chỉ số P/E trailing hiện vào khoảng 14,9, so với 23,1 của tháng 9/2009, dựa trên kết quả lợi nhuận bốn quý liên tiếp. Còn P/E tương lai hiện vào khoảng 12,2, so với 14,5 của tháng 5/2010. Vậy sự suy giảm này nói lên điều gì? Nói ngắn gọn, đó chính là sự bất ổn kinh tế. Hàng loạt tin tức xấu liên tục, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu cho tới sự lo lắng về giảm phát (suy thoái) tại Mỹ…, đã khiến giới phân tích thận trọng hơn trong dự báo lợi nhuận cho năm 2011. "Thị trường đang lo lắng không chỉ là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế mà còn tệ hơn thế. NĐT muốn mọi sự rõ ràng trước khi ra quyết định", Tobias Levkovich, Trưởng nhóm nghiên cứu chứng khoán Mỹ tại Citigroup Global Market, nói. Theo một khảo sát của Citigroup, 3 tháng trước, các nhà phân tích hy vọng lợi nhuận của các công ty trong chỉ số Standard & Poor's 500 sẽ tăng 18% trong năm 2011. Bây giờ họ dự báo mức tăng 15%. Các nhà quản lý quỹ đầu tư thì chỉ dự báo mức tăng có 9%. "Sự chắc chắn của lợi nhuận vẫn bị nghi ngờ, còn dự báo thì thường lạc quan hơn", Howard Silverblatt, một nhà phân tích chỉ số tại S&P, nói. Công bằng mà nói thì các dự báo của các nhà phân tích đang "gây nhiễu". Tháng 5/2010, khoảng chênh lệch dự báo đối với thu nhập EPS của chỉ số S&P 500 là 12 USD. Morgan Stanley dự báo EPS năm 2011 là 85 USD còn UBS là 97 USD. Bây giờ khoảng chênh lệch là 15 USD, khi Barclay nói 80 USD, còn Deutsche Bank là 95 USD. Khi dự báo lợi nhuận có độ lệch chuẩn thấp, đó là tín hiệu cho NĐT thấy rằng có sự nhất trí giữa các nhà dự báo, còn khi dự báo khác nhau nhiều, đó là thiếu sự rõ ràng. Chỉ số P/E có xu hướng giảm khi bất ổn tăng và ngược lại. "Lợi nhuận trong tương lai rất quan trọng đối với một cổ phiếu, nhưng nó cũng gồm những bất ổn. Càng nhiều bất ổn, chỉ số P/E càng thấp", Jeremy Siegel, giáo sư tài chính tại Trường đại học University of Pennsylvania's Wharton School, nói. Khi dự báo lợi nhuận và triển vọng kinh tế trở nên kém tin cậy, các NĐT sẽ hướng tới các sự kiện quốc tế, từ vấn đề giảm phát tại Nhật cho tới nợ châu Âu… để ra quyết định đầu tư. Nói cách khác, khi NĐT tìm hướng bấu víu, thì chỉ số P/E có xu hướng giảm. Thời kỳ Đại suy thoái 1930 và sau Thế chiến II, chỉ số P/E giảm mạnh, chạm đáy 5,9 vào năm 1949. Sau đó, P/E tiếp tục giảm vào những năm 1970, chạm ngưỡng 6,97 năm 1974 và 6,68 năm 1980. Trong các giai đoạn này, các sự kiến quốc tế có tác động nhiều tới sự lựa chọn cổ phiếu của NĐT. Đã có những giai đoạn, chỉ số P/E rất được ưa chuộng, sùng bái. 100 năm trước, việc mua và bán cổ phiếu được coi là trò đánh bạc và chỉ số P/E là một thước đo giá trị chính xác của giá cổ phiếu. Sự ra đời của các cơ quan quản lý chứng khoán sau đó đã giúp thông tin minh bạch hơn và P/E được chấp thuận rộng rãi hơn. Nhưng nhờ vào khả năng giao dịch chứng khoán nhanh chóng như hiện nay, chỉ số P/E trở nên không quá quan trọng đối với NĐT. Sự nổi lên của các quỹ đầu tư ETF (exchange-traded funds) trong 10 năm qua đã cho phép NĐT đánh cược lớn hơn cho các danh mục đầu tư cổ phiếu. Và sự ứng dụng giao dịch từ xa khiến các số liệu kinh tế vĩ mô và các phương thức giao dịch trở thành những nhân tố quan trọng hơn là các phân tích cơ bản về từng công ty. Vậy chỉ số P/E sẽ diễn biến thế nào trong ngắn hạn? Vài người lạc quan thì tin rằng nó sẽ bắt đầu tăng từ đây. Nếu chi phí vay của DN tiếp tục thấp kỷ lục như hiện tại và giá cổ phiếu thấp, các công ty sẽ phát hành chứng khoán nợ để mua lại cổ phiếu của mình. "Do đó, EPS sẽ tăng cho dù tăng trưởng lợi nhuận vẫn ì ạch và chỉ số P/E sẽ tăng trở lại", David Bianco, Trưởng nhóm phân tích chứng khoán tại Bank of America Merrill Lynch, nói. Nhưng sự bất ổn kinh tế ngày nay không ủng hộ kịch bản đó. Nếu xem xét việc chỉ số P/E giảm trong thời kỳ lạm phát những năm 1970 hay thiểu phát những năm 1930 thì đều rút ra một điểm chung là: hoạt động kinh tế là không thể dự đoán được. "Chúng ta đang chờ đợi một nền kinh tế Mỹ biến động hơn đã từng chứng kiến trong 30 năm qua", Doug Cliggott, nhà phân tích chứng khoán tại Credit Suisse, nói. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng, việc chỉ số P/E đang giảm không có gì ngạc nhiên khi thu nhập (E) đã cải thiện nhiều (tăng) sau suy thoái, trong khi giá cổ phiếu (P) không cao (đứng thấp), nên chỉ số P/E thấp là điều dễ hiểu.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CFFFIA/ttck-my:-p-e-dang-giam.html