TTVN tại Asiad 17 - đừng quá buồn vì thứ hạng

Thế là mục tiêu giành 2-3 HCV tại ASIAD 17 đã không thành hiện thực. Điều đó khiến đoàn TTVN không có được kỳ Asiad trọn vẹn khi dời Incheon 2014 với những vui buồn lẫn lộn. Vui vì nhiều môn cơ bản của Olympic lần đầu tiên có huy chương như: Bơi, TDDC, nhưng buồn vì chúng ta chỉ giành được 1 HCV duy nhất ở môn Wushu.

Rút kinh nghiệm từ Asiad 16 tại Quảng Châu (Trung Quốc), TTVN đã đề ra mục tiêu vừa sức hơn khi đến Incheon 2014. Đó là giành 2-3 HCV. Nếu nhìn vào các niềm hy vọng vàng như: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) hay Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội)... thì mục tiêu này hoàn toàn vừa sức. Bởi các VĐV này từng gặt hái được không ít thành công ở đấu trường châu lục và thế giới. Cụ thể: xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng đoạt HCV thế giới, Ánh Viên giành HCV ở Olympic trẻ thế giới hay Hà Thanh giành đủ bộ huy chương tại các giải ở cấp châu lục và thế giới. Tuy nhiên, bước vào sân chơi đẳng cấp nhất châu lục, Asiad 17, các niềm hy vọng vàng đã không thể làm người hâm mộ toại nguyện.

Đáng tiếc nhất là Hoàng Xuân Vinh khi xạ thủ này đã thi đấu không thành công ở tất cả nội dung tham dự. Tấm HCĐ đồng đội súng ngắn bắn chậm 25m nam là thành tích tốt nhất của anh ở giải đấu này. Trong khi đó, ở nội dung sở trường 25m súng ngắn ổ quay, Xuân Vinh hoàn toàn trắng tay.

Với Nguyễn Thị Ánh Viên, dù đã vượt qua chính mình khi đạt thành tích 4 phút 39 giây 65 ở nội dung 400m hỗn hợp sở trường. Nhưng thành tích đó chưa đủ giúp Ánh Viên vượt qua đối thủ đến từ Nhật Bản và Trung Quốc.

VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn cũng ở vào trường hợp tương tự. Anh đã phá kỷ lục Asiad ở nội dung cử giật với 134 kg và vượt qua đối thủ người Trung Quốc Wu Jingbiao ở cả hai nội dung cử giật và cử đẩy. Nhưng trước sự xuất sắc của kỷ lục gia thế giới người Triều Tiên ở nội dung cử nâng (170 kg so với 160 kg), Thạch Kim Tuấn đã không thể giành HCV.

Hà Thanh cũng đã có những bài thi thành công ở nội dung cầu thăng bằng và nhảy trống. Nhưng trước sự xuất sắc của Un Jong Hong (từng giành HCV Olympic ở Bắc Kinh) và Kim Unhyang đến từ Triều Tiên, giấc mơ vàng đã không trở thành hiện thực.

Dương Thúy Vi là VĐV duy nhất giành được HCV tại Asiad 17

Trong khi đó, tuy không được đánh giá cao, nhưng Dương Thúy Vi đã trở thành VĐV duy nhất giành HCV cho TTVN tại Asiad 17. Thực tế này đang đặt dư luận trước nhiều băn khoăn về “tâm và tầm” của các nhà quản lý cũng như các nhà chuyên môn. Bởi trong bối cảnh các niềm hy vọng vàng của Việt Nam phải thi đấu với các nhà vô địch Olympic và thế giới, thậm chí kỷ lục gia thế giới, việc đề ra chỉ tiêu HCV khi nhắm đến các VĐV này là thiếu thực tế, gây áp lực tâm lý không đáng có cho họ.

Lý giải cho sự thất bại này, ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) - cho biết: Không phải tất cả giải thi đấu mang tầm châu lục và thế giới đều thu hút các VĐV mạnh nhất tham gia. Bởi nhiều VĐV khi đã giành chuẩn Olympic hay đã có suất dự giải vô địch thế giới hoặc châu lục vào lần tới thì họ không tham gia các giải đấu được tổ chức sau đó. Khi tham gia những giải đấu này, các VĐV Việt Nam không phải đối đầu với những VĐV mạnh nhất ở nội dung đó. Vì thế, không thể dựa vào tấm huy chương ở các giải đấu này để nghĩ rằng chúng ta sẽ có HCV ở Asiad hay Olympic mà phải nhìn vào các đối thủ mà VĐV của chúng ta phải đối đầu. Bởi đây là những giải đấu danh giá, nên thường quy tụ được tất cả VĐV mạnh nhất tham gia. Vì thế, câu nói: “Nhất thế giới, Nhì Đông Dương” tưởng như đùa mà lại hóa thật.

Không chỉ có vậy, thành tích 1HCV, 10 HCB, 25 HCĐ mà đoàn TTVN giành được tại Asiad lần này cùng vị trí thứ 21 trên bảng xếp hạng huy chương còn gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà quản lý thể thao, các nhà chuyên môn cũng như dư luận xã hội.

Bởi nếu dựa trên chỉ tiêu HCV và thứ hạng của đoàn TTVN, thì đây là một kỳ Asiad không thành công. Tuy nhiên, ở giải đấu khắc nghiệt như Asiad 17, nơi có đến 13 kỷ lục thế giới bị xô đổ cùng hàng chục kỷ lục châu Á và Asiad bị phá vỡ, thì 36 tấm huy chương có được là kết quả đáng khích lệ. Dù phải thi đấu với các nhà vô địch và kỷ lục gia thế giới, nhưng Thạch Kim Tuấn vẫn có được kết quả ấn tượng khi phá kỷ lục Asiad của VĐV Trung Quốc Wu Jingbiao thiết lập ở nội dung cử giật. Kình ngư Ánh Viên và Hà Thanh đã mang về những tấm HCB, HCĐ đầu tiên cho TTVN ở đấu trường Asiad ở nội dung bơi lội và TDDC. Vì thế, tuy không phải là HCV, nhưng quý như vàng.

Dù không giành được HCV, nhưng Ánh Viên và Hà Thanh đã lập nên kỳ tích cho TTVN tại Asiad 17

Bộ môn điền kinh - một trong hai môn “đinh” tại các kỳ ASIAD và Olympic - cũng ghi nhận những kết quả đáng mừng với hai tấm HCB nội dung nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo và 400m nữ của Quách Thị Lan. Thành công của hai VĐV này phần nào khỏa lấp nỗi buồn thất bại của Vũ Thị Hương. Quan trọng hơn, nó còn thắp lên niềm hy vọng cho điền kinh Việt Nam vào lứa VĐV tài năng mới thay cho những VĐV cựu trào đã qua thời đỉnh cao.

ASIAD 17 cũng ghi nhận bước tiến vượt bậc của môn bóng đá - môn thể thao vua - khi đội tuyển bóng đá nam lần đầu lọt vào vòng 1/8 với vị trí dẫn đầu bảng. Tuyển bóng đá nữ lần đầu lọt vào bán kết Asiad và chỉ chịu dừng bước trước đương kim vô địch thế giới Nhật Bản.

Nhưng trên hết, với 36 huy chương có được ở 13 bộ môn như Wushu, điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, TDDC, Karatedo, đua thuyền, xe đạp, taekwondo, boxing, đấu kiếm, cầu mây với nhiều nội dung khác nhau, TTVN đã cho thấy sự tiến bộ khi ngang bằng số huy chương của quốc gia đứng ở vị trí thứ 7 Triều Tiên. Bởi giờ đây, TTVN đã có lực lượng VĐV hùng hậu ở đẳng cấp châu lục có khả năng tranh chấp huy chương ở nhiều bộ môn và nội dung khác nhau chứ không chỉ trông vào một số VĐV gà nòi ở một vài nội dung “tủ” như trước.

Thứ hạng cũng quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Còn nhớ, tại Olympic mùa Đông Vancouver 2010 (Canada), đoàn thể thao nước Nga đứng ở vị trí 11 khi chỉ giành được vỏn vẹn 3HCV. Nhưng không vì thế mà đánh giá thấp vị thế của Nga trên đấu trường quốc tế. Bởi số huy chương mà Nga có được ở kỳ thế vận hội này vẫn khiến nhiều nước phải thèm muốn. Còn nữa, ở Olympic Bắc kinh 2008, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để giành vị trí thứ nhất toàn đoàn. Nhưng không vì thế mà Trung Quốc được đánh giá có nền thể thao hùng mạnh nhất thế giới. Thậm chí, các VĐV Mỹ còn cho rằng: Khi nào Trung Quốc vượt qua họ ở hai nội dung cơ bản của Olympic là điền kinh và bơi lội, thì họ mới thừa nhận vị trí dẫn đầu của Trung Quốc, bằng không Trung Quốc cùng lắm chỉ đứng ở vị trí số 2 mà thôi.

Có thể nói, với 36 huy chương có được, trong đó có 28 huy chương ở 11 môn nằm trong nội dung thi đấu chính thức của Olympic, gồm cả hai môn đinh là bơi lội và điền kinh, đó là kết quả đáng khích lệ. Dẫu biết rằng: lượng đổi mà chất chưa đổi khi ở Asiad 17, TTVN có nhiều hơn 3 tấm huy chương so với lần trước, nhưng lại ít hơn về số HCB. Nhưng kết quả này cũng cho thấy TTVN đã có sự phát triển khá vững chắc về lượng, nhất là ở các môn cơ bản của thế vận hội. Đó là bước tạo đà quan trọng để TTVN tiếp tục vươn lên gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa ở các kỳ Asiad tới.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-thao-su-kien/ttvn-tai-asiad-17-dung-qua-buon-vi-thu-hang