Từ bỏ giấc mơ Nhật về Việt Nam làm điều dưỡng cấp cứu

Điều dưỡng Luân rời Nhật Bản sau 3 năm làm việc, mang theo niềm đam mê cứu người, anh thi tuyển vào Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM).

Một ca làm việc của các nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

"Luân ơi lấy đồ ra xe, khẩn trương", một bác sĩ trong ca trực đêm gọi vọng vào từ hành lang Trung tâm cấp cứu 115. Điều dưỡng Nguyễn Minh Luân (29 tuổi) vừa nhận nhiệm vụ tại đơn vị được vài tháng, vội vã mang túi y tế cùng một số dụng cụ cần thiết đã chuẩn bị sẵn lên xe.

Ngồi trong cabin, anh hỏi bác sĩ tình hình ca cấp cứu lần này. Nạn nhân là một thanh niên, bị đả thương nặng. Chiếc xe cứu thương lao nhanh trên đường với tiếng còi hụ, chỉ 20 phút sau đã đến một con hẻm tại quận 11. Ê-kíp gồm một bác sĩ, 2 điều dưỡng vội leo thang bộ lên tầng 3 tìm nạn nhân.

Những cú sốc

Mở cánh cửa phòng, hình ảnh đập vào mắt Luân là vũng máu lan khắp sàn nhà, một phần cánh tay trái của nạn nhân đứt lìa, hai đùi có vết cắt thấy cả xương. Luân bủn rủn tay chân, nhưng tình hình cấp bách, chỉ vài giây anh đã lấy lại bình tĩnh.

Anh bắt đầu các thao tác sơ cứu, cầm máu, truyền dịch, thực hiện y lệnh của bác sĩ. Song song đó, một điều dưỡng khác đi tìm phần cánh tay bị đứt của nạn nhân cho vào túi đá, để khi đến bệnh viện, người bệnh có cơ hội được nối lại tay.

Sau khi sơ cứu, nạn nhân được cố định trên cán cứu thương, ê-kíp hợp sức khiêng xuống nhưng bất lực vì cầu thang xoắn ốc quá nhỏ, tòa nhà không có thang máy. Đội cứu thương liên hệ về trung tâm để nhờ sự hỗ trợ của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (114). Qua 40 phút cấp cứu, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp tục điều trị.

Điều dưỡng Luân đang tiếp cận một ca cấp cứu tai nạn trong ca trực đêm. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, anh Luân cho hay trong những tháng ngày mới "ra trận", đây có lẽ là cú sốc lớn nhất. Suốt đêm hôm đó, anh không thể chợp mắt được, sự ám ảnh kéo dài hơn một tháng.

Có lần, trong khi cấp cứu cho nạn nhân, cả kíp bị người nhà chửi bới, cản trở, chỉ đạo phải sơ cứu như thế nào. Ngoài ra, cũng không ít lần xe cứu thương gặp tình hình trớ trêu khi nhà người bệnh ở cuối hẻm, người dân đầu hẻm không cho xe cấp cứu vào. Thậm chí, có người hăm dọa sẽ tìm đến tận đơn vị để đánh.

"Áp lực của từ thân nhân người bệnh, sự thờ ơ và kích động của người dân, khiến quá trình cấp cứu ngoại viện gặp nhiều khó khăn. Thay vì hỗ trợ, vài người trách móc sao đến trễ, sao không đưa đến bệnh viện nhanh, sơ cứu quá lâu... vô tình khiến chúng tôi cảm thấy bị tổn thương", điều dưỡng Luân nói.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề nhất khi người dân cản trở công tác cấp cứu là kéo dài thời gian tiếp cận bệnh nhân, gây nguy hiểm đến tính mạng họ nếu tình trạng nặng.

Vừa làm việc, vừa chịu ám ảnh tâm lý khiến Luân kiệt sức. Mỗi ca cấp cứu ngoại viện, anh nhìn lại người bệnh và đồng đội cùng lý do mình lựa chọn con đường này, Luân buộc mình phải đứng dậy đi tiếp.

Đam mê cứu người

Sau nhiều năm làm điều dưỡng ở Cần Thơ, Luân được một bệnh viện ở Nhật Bản tuyển dụng. Qua 3 năm làm việc nơi đất khách, anh nhận thấy mình cần cống hiến sức trẻ cho quê hương, sẵn niềm đam mê cứu người nên quay về Việt Nam.

Điều dưỡng Nguyễn Minh Luân lựa chọn từ bỏ mức lương cao ở Nhật Bản để về Việt Nam làm cấp cứu ngoại viện. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Không mất nhiều thời gian đắn đo, Luân lựa chọn thi tuyển vào Trung tâm cấp cứu 115 vì nhận thấy bản thân yêu thích nghề cấp cứu ngoại viện. Anh mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé, trong cả một hành trình giúp người bệnh vượt qua nguy hiểm.

Trải qua gần hai năm công tác ở ngành này, Luân nhận thấy cấp cứu ngoại viện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa được người dân hiểu đúng. Thêm nữa, mức lương và trợ cấp cho nhân viên y tế cấp cứu ngoại viện còn khiêm tốn.

"Khi chọn nghề này, tôi đã sẵn sàng cống hiến hết mình", Luân chia sẻ.

Tuy vậy, cũng giống như những nhân viên y tế khác, Minh Luân hy vọng nghề cấp cứu ngoại viện được người dân hiểu và tôn trọng giống như nhân viên y tế trong bệnh viện.

"Tôi cũng hiểu rằng ngành nào cũng có những khó khăn và áp lực riêng. Nhưng đối với nghề điều dưỡng của chúng tôi không chỉ chịu áp lực từ công việc, còn phải chịu áp lực từ người bệnh và người nhà. Chúng tôi không bao giờ bỏ cuộc, giành được sự sống cho từng người bệnh đó là nhiệm vụ của chúng tôi", nam điều dưỡng trải lòng.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/tu-bo-giac-mo-nhat-ve-viet-nam-lam-dieu-duong-cap-cuu-post1474930.html