Từ bỏ Triều Tiên, chuyện không hề dễ dàng với Trung Quốc

Dù tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong toàn năm nay nhưng số liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy, hoạt động kinh tế giữa hai nước vẫn không ngừng gia tăng.

Sau khi Triều Tiên cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên hôm 4/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng: "Thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên tăng 40% trong quý I năm nay".

Phía Nhà Trắng từ chối xác minh ông Trump đã nhận được những thông tin về hoạt động thương mại giữa Trung – Triều ở đâu. Tuy nhiên, bản dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng Tư cũng cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, thương mại giữa Trung – Triều đã tăng 37,4% trong 3 tháng đầu năm nay.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ sự vui mừng sau vụ phóng ICBM thành công hôm 4/7.

Điều đáng nói là mức tăng trưởng thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn gia tăng ngay cả sau quyết định hồi tháng Hai của chính quyền Bắc Kinh về việc ngừng nhập khẩu than của Bình Nhưỡng trong toàn năm nay. Quyết định của Trung Quốc được xem là nhằm ủng hộ lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đang áp đặt với Triều Tiên. Trong khi đó, xuất khẩu than đá sang Trung Quốc là nguồn thu chính của nền kinh tế Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng là nhà cung cấp than đá lớn thứ tư của Bắc Kinh.

Những số liệu thống kê kinh tế được chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng Tư cũng đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi thất vọng. Bởi trước đó, nhiều người cho rằng, tận dụng tầm ảnh hưởng chính trị và mối quan hệ kinh tế thân thiết, Trung Quốc có thể gây thêm sức ép để Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Việc chỉ số thương mại Trung – Triều vẫn gia tăng đã cho thấy mức độ phức tạp trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như mức độ khó khăn trong việc chia cắt hai quốc gia này.

Chia sẻ với Washington Post, ông Benjamin Katzeff Silberstein, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Philadelphia nhận định, việc đánh giá mối quan hệ kinh tế Trung – Triều là điều không dễ dàng. Dữ liệu của hải quan Trung Quốc mà Tổng thống Trump đề cập chắc chắn là chính xác nhất nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn đúng.

"Dữ liệu hải quan của Trung Quốc nên được xem xét một cách thận trọng bởi chúng ta không thể biết được liệu bản báo cáo hải quan có chịu tác động từ yếu tố chính trị. Đáng nói, Trung Quốc không hề báo cáo về hoạt động xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên kể từ đầu năm 2014 nhưng thực tế, Triều Tiên vẫn đang nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc", Washington Post dẫn chia sẻ qua email của ông Kent Boydston tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson.

Cũng theo ông Boydston, số liệu hải quan mà Trung Quốc công bố thấp hơn so với con số được Tổng thống Trump nêu. Nguyên nhân về sự chênh lệch này vẫn chưa được làm rõ và cũng chưa ai có thể xác định con số chính xác là như thế nào.

Theo một số chuyên gia, sản lượng than đá mà Triều Tiên hiện xuất khẩu sang Trung Quốc bằng 0 là "chuyện đáng cười" bởi nhiều nhân chứng cho biết đã nhìn thấy các xe tải và đoàn tàu chở than từ Triều Tiên sang Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu cũng cho thấy các khu vực khai thác than phía bắc của Triều Tiên vẫn đang hoạt động. Một nguồn thu khác của Triều Tiên là quặng sắt cũng đang được xuất sang Trung Quốc với số lượng lớn. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, sản lượng quặng sắt mà Triều Tiên xuất sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã bằng cả năm 2016.

Chưa có bằng chứng nào xác thực việc Trung Quốc nhập khẩu quặng sắt từ Triều Tiên là để thay thế cho việc ngừng nhập khẩu than đá. Song ông Katzeff Silberstein cho rằng: "Trung Quốc muốn đảm bảo Triều Tiên vẫn thu được tiền từ hoạt động xuất khẩu nên Bắc Kinh đang chuyển sang nhập khẩu một mặt hàng khác từ Bình Nhưỡng với số lượng lớn".

Ông Katzeff Silberstein chia sẻ thêm, số liệu của hải quan Trung Quốc đã chịu tác động từ nhiều yếu tố bao gồm giá cả. Dữ liệu này cũng thể hiện rõ sự chênh lệch trong hoạt động thương mại biên giới phi pháp hoặc bán hợp pháp mà chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngay cả việc các công ty Trung Quốc có thể chấm dứt hoạt động kinh tế với đối tác Triều Tiên hay không hiện vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng trước, nhóm nghiên cứu ở Washington có tên C4ADS đã cho công bố bản báo cáo với nội dung, chính phủ Trung Quốc có thể nhắm tới một số công ty quan trọng là đã có thể gây gián đoạn cả một mạng lưới lớn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh dù chịu sức ép lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế từ năm 2006 nhưng Triều Tiên đã cho thấy khả năng tự cường.

Còn theo Washington Post, Trung Quốc có đường biên giới dài với Triều Tiên. Trước mối lo chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ làm bùng nổ một cuộc chiến ngay sát biên giới cũng như kéo theo làn sóng di cư ồ ạt, chính quyền Bắc Kinh sẽ không dễ ra quyết định cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Triều Tiên.

"Các chính trị gia tại Mỹ và trên thế giới đều tỏ ra hoài nghi trước việc Trung Quốc sẽ mạnh tay với Triều Tiên để buộc chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải suy nghĩ lại. Bắc Kinh lo sợ về sự bất ổn của chính quyền Triều Tiên hơn cả hành động khiêu khích và chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng", ông Boydston nói.

Nói cách khác, dù Tổng thống Trump có thể gia tăng sức ép với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên thì Trung Quốc vẫn sẽ có lối đi riêng.

Điểm trùng hợp là vụ phóng ICBM của Triều Tiên hôm 4/7 diễn ra đúng dịp ông Tập sang thăm Moscow. Sau vụ phóng tên lửa, Nga và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung "bất thường" phản đối hành động của Triều Tiên. Trên thực tế, ngoài việc Nga và Trung Quốc đều có chung đường biên giới với Triều Tiên thì trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Moscow với Bình Nhưỡng vẫn không ngừng gia tăng.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tu-bo-trieu-tien-chuyen-khong-he-de-dang-voi-trung-quoc-post231376.info