Từ bức thư nặc danh

(ĐSCT) Ngày 16-4-2002, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Lai Châu (cũ) nhận được một bức thư không đề tên người gửi, chỉ ghi địa chỉ nơi gửi là bản Phàng Củ, xã Phình Sáng, Tuần Giáo, Lai Châu. Dù còn sai chính tả be bét theo kiểu văn nói của người dân tộc thiểu số học tiếng Kinh, nhưng nét chữ nắn nót, rõ ràng. Bức thư nặc danh có nội dung: “Anh em họ Thào ở bản Phàng Củ, Phình Sáng, Tuần Giáo, Lai Châu chúng tôi yêu cầu bọn Công an tỉnh Lai Châu thả ngay các anh Lý A Va, Sình A Páu, Lý Giống Minh và Sùng A Dơ ở Hó Bua, Pú Nhung, Tuần Giáo nếu không thả chúng tôi sẽ sử dụng toàn bộ các khẩu súng, lựu đạn hiện tại giết hết các ông công an xã cắm ở đây. Vũ khí có bao nhiêu thì chúng tôi đã cho Giàng A Chinh ở thôn Sông A, xã Xá Nhè, Tủa Chùa nhìn thấy hết rồi, chúng mày giỏi thì cứ cho công an vào đây nhiều sẽ chết như thằng Phạm Văn Cường của các ông nhé”.

AI LÀ CHỦ NHÂN BỨC THƯ NẶC DANH? Bức thư đe dọa được gửi thẳng đến tận trụ sở công an tỉnh gây dư luận hết sức phức tạp. Nhất là khi vụ án trung úy Phạm Văn Cường - trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu bị bọn tội phạm ma túy sát hại vẫn còn đang tiếp tục điều tra. Khoảng trung tuần tháng 9-2001, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Na Ư về Điện Biên. Đơn vị đã xác lập chuyên án đấu tranh. Chập tối 6-10-2001, nhận được tin báo đối tượng sẽ dùng xe máy vận chuyển ma túy xuống địa bàn Điện Biên, một tổ công tác nhận lệnh lên đường phục bắt tại chân đèo Tây Trang, thuộc địa phận bản Na Hai, xã Sam Mứn (Điện Biên). Trung úy Phạm Văn Cường với vai trò trinh sát nội tuyến, cùng hai quần chúng nhận nhiệm vụ bám sát hành tung của bọn tội phạm. Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm bởi trinh sát sẽ phải trực tiếp tiếp cận đối tượng... Khoảng 19 giờ 30 ngày 6-10-2001, phát hiện có công an bám theo, bọn tội phạm bất ngờ dùng súng AK và lựu đạn tấn công lực lượng truy bắt. Trung úy Cường và hai người dân hy sinh. Ngày 7-10-2001, chuyên án chống tội phạm ma túy được xác lập. Chỉ sau 10 ngày, hai trong số ba hung thủ bị bắt. Chúng là Lý A Va (SN 1975, ở bản Ca Hâu), Sình Gí Páu (SN 1983, ở bản Na Ư, xã Na Ư, Điện Biên). Bọn chúng đã thừa nhận hành vi tội ác trong đêm 6-10, đồng thời khai báo tên đồng bọn là Và A Say (SN 1978, ở cùng bản với Lý A Va) và địa điểm giấu khẩu súng AK sử dụng để gây án. Ngày 24-10-2001, Và A Say bị các trinh sát bắt khi y đang trên đường trốn sang bên kia biên giới. Tuy nhiên, Lý A Va, Và A Say và Sình Gí Páu mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Đằng sau chúng là cả một đường dây vận chuyển ma túy được tổ chức chặt chẽ với phạm vi hoạt động trải dài từ “điểm nóng ma túy” Na Ư xuống xã Noong Hẹt, thị trấn Mường Thanh (Điện Biên) ra Tuần Giáo, xuôi Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh và Thanh Hóa. Riêng Lý A Va khai đã từng mua bán trái phép 25 bánh heroin. Ngày 18-10-2001, khám nhà Va, CA thu giữ 1 khẩu súng kíp, 1 súng săn Trung Quốc, 8 hộp đạn (súng săn), 1 súng AK với 9 viên đạn, 17 triệu đồng, 2 xe máy... 6 giờ 30 ngày 18-10-2001, 31 CBCS thuộc lực lượng CSĐT, CSCĐ, CA thị xã Điện Biên và CA huyện Điện Biên bất ngờ đột kích vào bản Ca Hâu và bản Con Cang của xã Na Ư; tiến hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp các đối tượng Và A Ky (theo lời khai của Va đây là tên cầm đầu tại Na Ư), Và A Sùng, Và A Hự, Lý Giống Minh và Giàng A Pó. Nhưng với bản chất ranh ma, ngay từ đêm hôm trước Ky, Sùng, Hự đã bỏ trốn sang bên kia biên giới. Tại nhà Minh (anh ruột Va), lực lượng công an thu giữ 0,15 gram heroin, 50 triệu đồng, 800USD, 1 bộ khuôn ép heroin, 2 súng săn, 1 súng tự chế... Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận, vào đêm 6-10-2001, A Va, A Say, Gí Páu hẹn đến nhận tiền và trao ma túy cho ba khách hàng tại Km17 QL 279 Điện Biên - Tây Trang (Lai Châu). Nhưng tới nơi, A Va đã dùng súng AK bắn 17 viên đạn vào ba người nhận hàng. Sau khi ba người ngã xuống, A Va đã bắn bồi thêm mỗi nạn nhân một phát đạn. Tên A Say sau đó giật túi tiền từ tay trung úy Phạm Văn Cường (nhận nhiệm vụ đóng vai người đi mua ma túy), trong đó có 50 triệu đồng và 1.997USD. Trước khi rút chạy, bọn chúng còn ném thêm một quả mìn với ý định xóa dấu vết hiện trường... Tháng 6-2002, Lý A Va, Và A Say đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu tuyên mức án tử hình về tội giết người, tù chung thân về tội cướp tài sản, 20 năm tù giam về tội tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép; Sình Gí Páu 18 năm tù về tội giết người, 18 năm tù giam về tội tàng trữ vũ khí trái phép, tổng cộng là 30 năm tù. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng công khai gửi thư đe dọa tới tận trụ sở cơ quan công an, đòi thả các đối tượng ma túy đang tạm giam để điều tra, làm ảnh hưởng đến tư tưởng các CBCS làm nhiệm vụ ở các địa bàn, trong khi cuộc chiến chống tội phạm ma túy trên các tuyến tây bắc vẫn nóng bỏng từng ngày. Để kịp thời ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, Ban giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã quyết định thành lập Ban chuyên án do đồng chí Nguyễn Hùng Thao, Phó giám đốc phụ trách cảnh sát làm Trưởng ban và sự tham gia của lãnh đạo, điều tra viên các đơn vị nghiệp vụ để nhanh chóng làm rõ thủ phạm viết thư đe dọa. Trung tá Vũ Trọng Thưởng - điều tra viên chính trong chuyên án Các lực lượng thuộc Ban chuyên án đã chia nhau đến các địa bàn Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, tiến hành sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ rà soát nắm tình hình, sàng lọc, phân loại các đối tượng hình sự, ma túy, đặc biệt là các đối tượng có tiền án tiền sự, có biểu hiện nghi vấn phạm tội mà bọn tội phạm đã sát hại đồng chí Phạm Văn Cường; thu thập, củng cố tài liệu về các đối tượng liên quan đến ma túy, đến bức thư đe dọa; đồng thời cũng phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Công tác điều tra, xác minh, thu thập tài liệu gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể mỗi khi phát hiện có nguồn tin, các trinh sát, điều tra viên còn phải cuốc bộ hàng tiếng đồng hồ, có khi đi bộ cả đêm mới tìm gặp được đối tượng để xác minh, sàng lọc thông tin. Việc xác định thủ phạm bức thư nặc danh cực kỳ khó khăn. Lúc đầu, mọi nghi vấn đổ về phía hai đối tượng là Thào A Mang và Thào A Vàng. Anh em Vàng - Mang vốn đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng PCMT từ lâu bởi các biểu hiện buôn bán ma túy. Thế nhưng, bọn chúng có phải là chủ nhân thực sự của bức thư nặc danh kia hay không thì phải tiếp tục điều tra, làm rõ. Như “ngửi” thấy mùi nguy hiểm, anh em Thào A Mang - Thào A Vàng không hoạt động gì cả. Sau gần hai tháng trời ròng rã, Ban chuyên án đã có đủ tài liệu, chứng cứ ra lệnh bắt, khám xét và khởi tố bốn đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy và có liên quan tới vụ đe dọa là Giàng A Chinh (SN 1977, ở thôn Sông A, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Lai Châu), Thào A Mang (SN 1960), Thào A Vàng (SN 1972) và Sùng A Sinh (SN 1975) cùng ở Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, Lai Châu. Sùng A Khứ LỘ DIỆN ĐƯỜNG DÂY BUÔN BÁN MA TÚY, VŨ KHÍ TRÁI PHÉP Việc bắt các đối tượng Giàng A Chinh, Thào A Mang, Thào A Vàng, Sùng A Sinh cũng không hề dễ dàng. Tìm được Chinh đã khó, triệu tập được y còn khó hơn bởi y vốn là con nghiện nặng. Trung tá Vũ Trọng Thưởng, Phó chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Điện Biên (khi đó là Đội trưởng Đội điều tra án, Phòng CSĐT - Công an tỉnh Lai Châu) kể lại: Để “tóm” được Chinh - đầu mối duy nhất có thể tìm ra thủ phạm của bức thư đe dọa, đồng chí Thưởng đã phải nghĩ ra một cách là phải vào bản, tìm mua một con gà rồi đến nhờ Chinh đem ra UBND xã Phình Sáng mổ giúp. Chinh vui vẻ cắp con gà, nhảy lên sau xe cán bộ ra UBND xã. Tại đây, đồng chí Thưởng cùng đồng đội áp giải luôn Chinh sang thẳng Công an huyện Tủa Chùa để tiến hành khai thác “nóng”. Suốt chặng đường dài gần 100km, các trinh sát cũng rất vất vả mới đưa Chinh về trụ sở công an an toàn, vì Chinh tuy nghiện nhưng rất to khỏe, đường đi lại cheo leo, bên núi cao, rừng rậm, bên lại vực sâu, nếu không cẩn thận, Chinh sẽ liều mạng tìm cách “sổng” mất, rất dễ làm ảnh hưởng đến tính mạng của chính hắn và các CBCS làm nhiệm vụ. Sau này, Chinh khai quả thật đã nhìn thấy số súng đạn của chủ nhân bức thư nặc danh gửi đến CA tỉnh Lai Châu. Còn khi bắt Thào A Mang - Thào A Vàng cũng vất vả không kém. Các tổ công tác đã bố trí đi trên ba ôtô và phải đi suốt đêm để đến đúng 5 giờ sáng sẽ cùng có mặt tại nhà các đối tượng. Thế nhưng, đêm đó trời mưa tầm tã làm sập một cây cầu trên đường đi. Các tổ công tác đành quay lại tìm đường khác và kế hoạch cũng thay đổi. Ba trinh sát phải thuê xe vào bản xác định xem các đối tượng có còn ở nhà hay không. Rất may cho các anh là hôm đó, tại bản Phàng Củ có đám ma nên tất cả mọi người trong bản đều phải có mặt ở nhà chờ đi đưa tang. Vậy là các tổ công tác đành bỏ ôtô, đi lùng mãi mới thuê được 15 chiếc xe máy, vượt qua gần chục cây số đường rừng dốc đá cheo leo, nhiều đoạn phải hè nhau đẩy xe qua. Thế nhưng đến đầu bản, tập hợp lại cũng chỉ có phân nửa quân số kịp có mặt. Một sự cố nữa lại xảy ra, do sử dụng liên tục trong thời gian đi đường dài hơn dự kiến, khi chuẩn bị tập hợp để bố trí vào nhà các đối tượng thì máy bộ đàm lại hết pin. Các trinh sát có mặt đành linh hoạt thực hiện nhiệm vụ, nhắc nhau cảnh giác bởi bọn chúng đều có vũ khí và rất manh động, sẵn sàng “sống mái” khi bị bắt. Thế nhưng, cả hai tổ công tác khi bắt Thào A Mang, Thào A Vàng đều gặp thêm một tình huống bất ngờ nữa. Dù đã bị các trinh sát vô hiệu hóa, nhưng hai tên tội phạm cáo già vẫn nghĩ cách thoát. Chúng gào ầm ĩ bằng tiếng Mông, lập tức cả trăm người dân trong bản ùn ùn kéo tới định giải vây cho người cùng bản, báo hại cho anh em trong tổ công tác vừa khống chế đối tượng vừa giải thích một hồi thì bà con mới hiểu ra... (Còn tiếp)

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=84238&mod=detnews&p=